(HNM) - Hơn 30 năm gắn bó với Bệnh viện Nhi TƯ, PGS, TS, bác sĩ Khu Thị Khánh Dung đã dành thời gian nghiên cứu, chữa trị, giúp hàng nghìn trẻ sinh non được khỏe mạnh bước vào đời.
Qua kinh nghiệm chữa bệnh thực tế cho các bệnh nhi, bác sĩ Dung cho rằng: Tình hình sức khỏe của trẻ em Việt Nam đang dần được cải thiện nhưng tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh vẫn còn ở mức cao. Bác sĩ Dung dành tâm huyết điều tra cơ bản tình hình bệnh tật trẻ em nhằm loại trừ những căn bệnh thường gặp, nguy hiểm và gây tử vong cao đối với bệnh nhi. Trong đó, đề tài nghiên cứu "Yếu tố, nguy cơ và biện pháp xử lý đối với vàng da tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh" của bà đã góp phần chữa trị hiệu quả một căn bệnh khá phổ biến ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam. Bà cho biết, vàng da sớm ở trẻ sơ sinh thường là vàng da sinh lý. Tuy nhiên, ranh giới giữa vàng da sinh lý và bệnh lý lại rất gần nhau. Việc sớm tìm ra những biểu hiện bệnh lý để có hướng điều trị triệt để, tránh biến chứng sẽ giúp các bệnh nhi khỏe mạnh. Kết quả nghiên cứu của đề tài này được áp dụng tại các bệnh viện từ tuyến quận, huyện, tỉnh, thành phố đến TƯ, đã có hàng nghìn trẻ sơ sinh được phát hiện và điều trị sớm bệnh vàng da. Số trẻ phải chuyển tuyến điều trị bệnh vàng da bằng biện pháp thay máu hoặc bị biến chứng cũng giảm dần.
PGS. TS Khu Thị Khánh Dung. |
Không dừng lại ở nghiên cứu bệnh lý, bác sĩ Dung còn tìm hiểu về kỹ thuật y khoa, ứng dụng máy CPAP-KSE tự tạo để hỗ trợ tự thở ở trẻ suy hô hấp bằng cách tăng cung cấp ô xy, duy trì thể tích phổi hữu hiệu, giảm sức cản trong đường hô hấp trên... Loại máy này không mới nhưng Việt Nam chưa sản xuất được, giá nhập khẩu khoảng 2 tỷ đồng (100 nghìn USD)/máy. Bác sĩ Dung đã phối hợp với đồng nghiệp và kỹ sư người Mỹ thực hiện đề tài nghiên cứu "Áp dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục CPAP-KSE sản xuất tại Việt Nam để điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh tại một số bệnh viện nhi tuyến tỉnh". Sau nhiều lần thất bại, cuối cùng chiếc CPAP-KSE "Made in Viet Nam" có giá khoảng 2.000 USD đã ra đời, góp phần giảm mạnh tỷ lệ tử vong của trẻ sinh non dưới 24 giờ từ 30% xuống còn 7%.
Một ngày 24 giờ dường như chưa bao giờ đủ với bác sĩ Dung. Số bệnh nhi được bà cứu chữa ngày một nhiều. Mặc dù vậy, bác sĩ Dung luôn khiêm tốn: "Chữa bệnh cứu người là nhiệm vụ thiêng liêng mà tôi may mắn có cơ duyên được làm". Phần thưởng lớn nhất với bà là được ngắm nhìn những đứa trẻ khỏe mạnh, những nụ cười hạnh phúc của các bậc phụ huynh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.