Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mẹ “đói” kiến thức - con suy dinh dưỡng

Vân Nga| 20/08/2011 07:39

(HNM) - Đến xã Vân Hòa (Ba Vì), nơi có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng (SDD) nằm trong nhóm cao nhất TP và cũng là xã được chọn làm điểm thực hiện Chương trình điều tra xác định tình trạng dinh dưỡng...


Cán bộ y tế tư vấn về dinh dưỡng cho trẻ tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì).

Khi được hỏi về số cân, đo của cô con gái, chị Bùi Thanh H, 24 tuổi đưa tờ phiếu kết quả cho chúng tôi, cháu 47 tháng tuổi, cân nặng 11,2kg; chiều cao 91,4cm… và 2 dấu khoanh tròn vào mục SDD cân nặng/tuổi và SDD chiều cao/tuổi bởi so với mức bình thường của trẻ ở độ tuổi đó thì con chị ít nhất cũng phải đạt 12,5kg và chiều cao 93cm. Khi bác sĩ hỏi, chị H trả lời "rất thật" rằng chị cũng không biết con mình bị SDD từ bao giờ, ở mức nào… Chỉ biết, khi con đầy tháng chị gửi ông bà chăm sóc để đi làm đồng. Cũng như chị H, chị Nguyễn Thị Th (26 tuổi) cũng phó mặc con cho ông bà nên mới hơn 1 tháng tuổi cháu Đinh Thị Bích Ng đã được người lớn cho ăn bột. Đến nay, đã 21 tháng tuổi, cháu mới nặng 7,3kg, cao 78,3cm, như vậy so với mức bình thường cháu thiếu 1,7kg, trong khi đó chị Th lại đang mang bầu con thứ 2 được 6 tháng. Khi được hỏi về cách chăm sóc con hằng ngày ra sao, chị Th cho biết: cũng không có gì đặc biệt lắm, cả nhà tôi ăn gì, con ăn nấy… Tại buổi kiểm tra dinh dưỡng, khi phỏng vấn các bà mẹ, chúng tôi nhận được khá nhiều câu trả lời "ngây ngô" về vấn đề DD cho trẻ nhỏ. Thiếu hiểu biết nên con mình có bị SDD hay không các bà mẹ đều không biết, chỉ biết con ốm quá thì đi khám bác sĩ, cho uống thuốc hết ốm là được…

Như để "thanh minh" với đoàn công tác, chị Nguyễn Thị Sơn, cán bộ chuyên trách DD xã Vân Hòa cho biết: Bây giờ điều kiện kinh tế của bà con đã khá hơn nên ít nhiều chế độ DD cho trẻ cũng được các gia đình quan tâm. Dù vẫn còn trẻ SDD nhưng tỷ lệ này ở xã cũng giảm dần qua từng năm. Cách đây 6 năm (2005) tỷ lệ SDD cân nặng/tuổi là 22%, nay còn 15,2%; nhưng tỷ lệ SDD chiều cao/tuổi ở đây vẫn là 30,1%, Vân Hòa vẫn nằm trong nhóm các xã có tỷ lệ trẻ SDD cao nhất thành phố. Hơn nữa, theo tập quán lâu đời ở địa phương, các gia đình vẫn quen cho trẻ ăn bột, ăn cơm từ rất sớm để cứng cáp nên việc tuyên truyền, hướng dẫn cho các bà mẹ thay đổi tập quán này là rất khó khăn.

Hiện nay, toàn xã Vân Hòa có 856 trẻ dưới 5 tuổi, nhiều gia đình kinh tế đã khá hơn nhưng việc để tâm vào nuôi con đúng cách vẫn còn nhiều hạn chế. Chị Nguyễn Thị Sơn tâm sự: Dù đã làm công tác DD nhiều năm nhưng nhiều khi tôi cũng nản lắm vì dường như các bà mẹ ở đây quá chủ quan trong việc chăm sóc con mình. Nhiều buổi tư vấn DD cho trẻ đã được các cán bộ huyện, xã triển khai, song hầu hết những kiến thức đó bị "đắp chiếu". Nhiều bà mẹ khi sinh tại trạm y tế, dù đã được tư vấn rất kỹ về cách cho con bú, cho con ăn… nhưng ra khỏi trạm là họ quên hết, lập tức mua sữa bột cho con uống. Cũng có nhiều gia đình ở Vân Hòa nay kinh tế khá giả, đủ điều kiện để chăm con, nhưng vì thiếu kiến thức nên lại cho con ăn uống không theo chuẩn nào, khiến bé vẫn SDD, dù ăn rất nhiều. Nhiều gia đình chăn nuôi bò sữa, thế là "tiện thể" cho con uống 1 lít sữa/ngày mà vẫn không hiểu vì sao con mình SDD chiều cao/tuổi. Có bà mẹ thì than phiền đã mua rất nhiều sản phẩm DD rồi thực phẩm chức năng cho con uống mà con vẫn không vượt khỏi kênh SDD cân nặng/chiều cao.

Bác sỹ Trần Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS Hà Đông cho biết, từ đầu năm tới nay, chương trình phòng, chống SDD khu vực phía tây Hà Nội đã tổ chức các lớp tập huấn cho cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dinh dưỡng, truyền thông thực hành DD tại các xã, phường trọng điểm. Từ nay tới hết năm 2011, sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, các buổi thực hành DD tại hơn 40 xã có tỷ lệ SDD cao. Tuy nhiên, để các bà mẹ không còn "đói" kiến thức như ở xã Vân Hòa, theo BS Trần Quang Trung điều cần thiết nhất hiện nay đối với công tác phòng, chống SDD cho trẻ chính là sự tham gia tích cực của các phương tiện truyền thông. Hãy chung tay, góp phần cùng ngành Y tế nâng cao nhận thức của các bà mẹ, các gia đình có trẻ nhỏ thay đổi thói quen nuôi dưỡng trẻ để cải thiện tình trạng SDD, mang lại sức khỏe cho thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mẹ “đói” kiến thức - con suy dinh dưỡng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.