(HNM) - Trước tình hình hoa quả, rau tồn dư chất bảo vệ thực vật, nhiều gia đình đã chọn các loại máy sục ôzôn với mong muốn thiết bị này có thể khử sạch chất độc. Dưới đây là một vài chia sẻ về thiết bị này.
Theo các chuyên gia, tác dụng chính của máy sục ôzôn là ôxy hóa các kim loại nặng, biến chúng thành những ôxít bền vững, không độc hại. Mọi vi khuẩn bám bên ngoài, đặc biệt là khuẩn E.coli bị tiêu diệt do ôzôn ôxy hóa mạnh có tính diệt khuẩn. Ngoài ra, sục khí ôzôn vào nước ăn hoặc uống hàng ngày cũng có thể khử được cả thạch tín.
Hầu hết máy sục ôzôn có cấu tạo bên trong khá đơn giản, gồm ba bộ phận: buồng nạp, phóng điện rung khí siêu thanh và buồng nén. Khi thiết bị bắt đầu hoạt động, không khí được hút vào bộ lọc hút ẩm sau đó dẫn vào buồng nén. Cùng lúc, một dòng điện lần lượt đi qua bộ biến tần cao áp để nâng hiệu điện thế tới vài nghìn volt, rồi được phóng vào buồng nạp. Dòng điện cao thế gặp không khí trong buồng nạp sẽ sinh ra ôzôn. Không ít chuyên gia cho rằng, quá trình phóng điện nêu trên còn tạo ra ôxít nitơ rất hại cho đường hô hấp. Vì thế, cách phổ biến để khắc phục tình trạng trên là máy sục ôzôn phải đi kèm một thiết bị khử ẩm. Để kiểm tra máy có thiết bị khử ẩm hay không, khi sử dụng lần đầu tiên có thể sục khí ôzôn vào trong nước để đo độ pH. Nếu máy tốt, độ pH là trung tính và ngược lại. Cũng có thể dùng giấy quỳ để thử, nếu máy tốt (độ pH trung tính) giấy sẽ giữ nguyên màu vàng; ngược lại giấy sẽ chuyển màu hồng hoặc đỏ.
Khi mua máy sục ôzôn, nhất thiết phải mua hàng rõ nguồn gốc, chế độ bảo hành tốt và phù hợp với công năng sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.