(HNM) - Đây là thông tin mới nhất được Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số I (Nhật Bản) của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) thông báo tối 9-4.
Theo đó, từ cuối ngày hôm qua (9-4) đám mây phóng xạ đã vào Việt Nam và có thể tồn tại trong vùng Đông Nam Á một vài ngày. Nồng độ hạt nhân phóng xạ sẽ giảm dần theo thời gian. Đám mây phóng xạ mạnh nhất được dự báo sẽ phân tán rất nhanh trong ngày hôm nay (10-4).
Theo số liệu đo đạc của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, trong son khí ở Đà Lạt và Ninh Thuận, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên là Be-7 (có nguồn gốc từ tia vũ trụ), K-40, Th-232 và U-238 (có nguồn gốc từ bụi đất), còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131. Ở TP Hồ Chí Minh còn ghi nhận được các đồng vị phóng xạ nhân tạo là I-131, Cs-134 và Cs-137. Các đồng vị phóng xạ nhân tạo ghi nhận được tại 3 địa điểm nói trên đều ở mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.
Trong mẫu lá thông (loại lá thường được dùng để chỉ thị ô nhiễm phóng xạ trong môi trường không khí và thực vật) do Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) đo, ngoài các đồng vị Be-7, K-40, U-238, Th-232 và Cs-137 có hàm lượng ở mức bình thường như trước khi xảy ra sự cố tại Nhật Bản, còn phát hiện được đồng vị Cs-134 với hàm lượng rất nhỏ không ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Các giá trị đo tại trạm quan trắc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật an toàn bức xạ và ứng phó sự cố (Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong những ngày qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.