(HNM) - Với lịch sử 200 năm, sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã khẳng định uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần đưa đời sống nông dân ngày một khá giả. Thế nhưng, hiện nay làng nghề này lại đang đứng trước nguy cơ mai một kỹ thuật truyền thống.
Nói đến Hạ Thái là nói đến làng nghề sơn mài nổi tiếng ở xã Duyên Thái (Thường Tín). Du khách đến Hạ Thái dễ bị níu chân bởi sự đa dạng về mẫu mã, chủng loại sản phẩm làng nghề. Từ những chất liệu như gỗ, tre nứa, song mây... qua bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa, nhiều sản phẩm của làng nghề đã đoạt giải cao trong các cuộc thi, triển lãm trong và ngoài nước. Sản phẩm của làng nghề sơn mài Hạ Thái ngày càng đa dạng, đáp ứng được nhu cầu của thị trường như đồ thờ cúng, tượng Phật, trang trí nội thất, tranh sơn mài, sơn khắc, bát, đĩa, lọ hoa, tranh sơn mài, tranh khảm... Không chỉ tiêu thụ trong nước, sản phẩm của làng nghề còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật, Nga... Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề sơn mài Hạ Thái Đỗ Hữu Sáng, sở dĩ sản phẩm của làng nghề được nhiều người ưa chuộng do người dân nơi đây sử dụng cây, mây, tre, nứa và sơn ta, pha chế theo kinh nghiệm truyền thống, tạo nên những sản phẩm sơn mài mịn, có độ bóng sâu, độ bền cao.
Trước đây (vào những năm 1998- 2004) làng Hạ Thái có khoảng 80% số người dân làm nghề, mỗi năm sản xuất ra hàng triệu sản phẩm. Bình quân mỗi năm giá trị xuất khẩu của làng đạt từ 70-80 tỷ đồng. Doanh thu trung bình của mỗi hộ làm nghề hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng, một số doanh nghiệp lớn doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng.
Giữ lấy kỹ thuật truyền thống
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Ðỗ Hữu Sáng cho biết, trước đây ở Hạ Thái chỉ sản xuất hàng sơn son thếp vàng, chủ yếu dùng loại sơn ta, cách pha chế theo kinh nghiệm cổ truyền. Đây là loại sơn người dùng hay dị ứng, nhưng nó lại giúp cho sản phẩm bền, đẹp. Gần 10 năm lại đây, hầu hết sản phẩm của làng nghề được làm bằng sơn dầu hạt điều hoặc một số loại sơn nhập ngoại... Do ít sử dụng sơn ta nên sản phẩm của làng nghề có độ bóng không sâu... Chính điều này đã khiến cho nhiều khách hàng xa dần với sản phẩm sơn mài Hạ Thái. Một nghệ nhân cao tuổi trong làng bộc bạch: Mải kiếm tiền, chạy theo thị trường nên hầu hết thanh niên trong làng không tâm huyết với kỹ thuật truyền thống. Nếu trước đây, sản phẩm của làng hoàn toàn được làm thủ công, thể hiện tay nghề khéo léo của người thợ, thì hiện nay, hầu hết sản phẩm đều được sản xuất bằng máy năng suất cao, nhưng độ tinh xảo của sản phẩm thấp.
Một trong những nguyên nhân khiến việc sử dụng kỹ thuật truyền thống của làng nghề mai một cũng do khách hàng chỉ đặt mua hàng giá rẻ, số lượng nhiều trong thời gian ngắn nên bắt buộc các hộ phải đầu tư cơ khí hóa sản xuất, nếu sản xuất thủ công sẽ không kịp thời gian giao hàng. Mặt khác, khách hàng nước ngoài mua các sản phẩm truyền thống ngày càng ít, do vậy số hộ làm thủ công giảm dần. Để giữ lấy kỹ thuật truyền thống, phát huy thế mạnh làng nghề, cuối tháng 5-2010, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội vừa phối hợp với doanh nghiệp Thái Sơn tổ chức dạy nghề sơn mài cho gần 100 học viên.
Hằng năm Hiệp hội Làng nghề đều phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lớp dạy nghề truyền thống, nâng cao tay nghề, hướng dẫn cách sử dụng nguyên, vật liệu làm nghề cho bà con trong làng. Ngoài ra, Hiệp hội Làng nghề kêu gọi mỗi người dân làng nghề ý thức giữ gìn kỹ thuật truyền thống trong sản xuất để bảo tồn, phát huy giá trị nét đẹp cổ xưa trong các sản phẩm của làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.