Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Màu da” nổi giận

Thùy Dương| 06/05/2010 07:13

(HNM) - Kỳ nghỉ cuối tuần qua đã trở thành kỳ

Tại Los Angeles, khoảng 100.000 người biểu tình mặc áo trắng đã giương cao quốc kỳ Mỹ, tố cáo "chính sách kỳ thị chủng tộc của Arizona" và xem dự luật là sự mở đường cho kỳ thị chủng tộc.

Hàng trăm nghìn người Mỹ xuống đường phản đối luật di trú mới của bang Arizona.


Cuối tháng 4 vừa qua, bang Arizona đã thông qua dự luật SB1070, buộc người dân luôn phải mang giấy tờ tùy thân và cảnh sát có quyền chặn hỏi những người nào có khuôn mặt "không giống người Mỹ". Luật được cho là chủ yếu hướng vào người nhập cư Mexico, nước có chung biên giới với bang Arizona và có thể dẫn tới việc trục xuất hàng loạt người Mexico nhập cư. Hiện nay, giới chức có thẩm quyền chỉ có thể kiểm tra tình trạng di trú của một người khi người này bị nghi ngờ phạm một tội nào đó. Theo luật mới, cư trú bất hợp pháp tại bang Arizona là hành vi phạm tội. Một người không xuất trình đủ giấy tờ có thể bị bắt, phạt tù đến 6 tháng và nộp phạt 2.500 USD. Đạo luật gây tranh cãi này dự kiến được áp dụng sau 3 tháng kể từ ngày ký (29-4) nếu từ nay đến đó không bị ngăn chặn bởi ngành tư pháp hay một cuộc trưng cầu ý dân.

Trong khi những người biểu tình lo ngại người dân sẽ bị cảnh sát xét hỏi "chỉ vì màu da của họ", phe ủng hộ lại khẳng định biện pháp trên là cần thiết khi viện dẫn số liệu về tình trạng dân nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ không ngừng tăng trong nhiều năm qua. Thượng nghị sĩ bang Arizona, John McCain ủng hộ dự luật khắt khe này khi cho rằng, Tổng thống B.Obama thất bại trong "bảo đảm an ninh biên giới". Những người ủng hộ - đa số là người của đảng Cộng hòa cũng cho rằng, bộ luật nhằm giảm tội phạm (buôn lậu ma túy và buôn người vào Mỹ), kiểm soát được tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở Arizona. Hiện bang Arizona có khoảng 460.000 người nhập cư trái phép.

Tuy nhiên, đạo luật đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Tổng thống B.Obama. Người đứng đầu nước Mỹ gọi đạo luật nhập cư mới của Arizona là một nỗ lực sai lầm, đe dọa phá hoại "sự công bằng và niềm tin giữa cảnh sát và người dân, một điều quan trọng để giữ chúng ta an toàn".

Mỹ là một đất nước hình thành từ dân nhập cư thế giới, do đó di dân luôn là đề tài được người dân quan tâm. Khoảng 20 năm trở lại đây, số người di cư đến Mỹ tăng lên đến 12 triệu người. Năm 2007, dân nhập cư lậu từng trông chờ một cuộc cải tổ luật di trú có lợi cho họ. Tuy nhiên, kế hoạch của Tổng thống Bush đã bị Thượng viện hạ gục. Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng không tin chương trình cải tổ di trú của ông Bush thành công. Do đó, dự luật cải cách di trú năm 2007 của Tổng thống G.Bush với chủ trương siết chặt di trú bằng hàng rào điện tử ở biên giới giữa Mỹ và Mexico, gia tăng lực lượng biên phòng, rốt ráo trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp, kéo dài thời gian bảo lãnh... đã thất bại. Vào thời điểm đó, không chỉ có các sắc dân gốc Tây Ban Nha biểu tình mà cả các sắc dân khác cũng xuống đường. Dự luật bị xếp xó. Con đường tìm kiếm tấm "thẻ xanh" tại Mỹ với dân nhập cư bất hợp pháp ngày càng xa vời.

Thế nhưng, từng đời tổng thống Mỹ vẫn ủng hộ nhu cầu cư trú của người dân nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri. Chính quyền Obama cũng không ngoại lệ. Khi vận động tranh cử, ông B.Obama đã không ít lần nói về cải tổ di trú. Số dân nói tiếng Tây Ban Nha chiếm gần 40 triệu người đã góp một tỉ lệ ủng hộ không nhỏ vào thành công trong các cuộc bầu cử ở Mỹ đã cắt nghĩa tại sao dân di trú luôn được quan tâm trong các cuộc tranh cử. Bên cạnh đó, các sắc dân châu Á - chiếm một tỉ lệ không nhỏ trong lực lượng lao động Mỹ cũng đang chờ đợi một cải tổ di trú ở cấp liên bang. Tuy nhiên xử lý vấn đề di trú như thế nào thật không dễ với chính quyền Obama khi "màu da" đang nổi giận trên khắp nước Mỹ sau sự kiện mang tên Arizona.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Màu da” nổi giận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.