Theo dõi Báo Hànộimới trên

Máu cứu người, quá thiếu!

Quỳnh Anh| 26/01/2010 07:25

(HNM) - Năm 2009, cả nước thu được 632.902 đơn vị máu, trong đó máu tình nguyện là 500.317 đơn vị, máu chuyên nghiệp là 89.943 đơn vị. Tỷ lệ người hiến máu quá thấp (0,75%). Lượng máu thu được mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của người bệnh.


Thanh niên quận Hoàn Kiếm tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo. Ảnh: Huyền Linh

Mới đây, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện (HMTN) đã tổng kết công tác tuyên truyền, vận động HMTN năm 2009, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2010. Tại hội nghị, ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội CTĐ Việt Nam, Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN cho biết, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập ban chỉ đạo vận động HMTN. Công tác HMTN đã có bước chuyển biến tích cực, không chỉ học sinh, sinh viên, thanh niên, mà các cán bộ, công nhân viên cũng bắt đầu tham gia hiến máu nhiều hơn. Mạng lưới tuyên truyền, vận động HMTN đã hình thành, từng bước hoàn thiện và phát triển dưới nhiều hình thức phong phú như: CLB hiến máu dự bị, Nhóm máu hiếm, CLB Tuổi hồng, CLB - 25... So với năm 2008, lượng máu thu được năm 2009 tăng 68.501 đơn vị máu, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 40% so với nhu cầu. Số người HMTN vẫn còn ở mức thấp với 304.007 người tham gia, trong đó lứa tuổi từ 18-25 vẫn chiếm số đông với 54,93%. Có những tỉnh, thành phố tỷ lệ HMTN quá thấp, mới đạt 20-30%. Cá biệt hơn có địa phương trong cùng một tỉnh, thành phố, bệnh viện đạt tỷ lệ người HMTN từ 70-80%, có bệnh viện tỷ lệ người HMTN 0% như Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Bắc Kạn...

Theo Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN thì nguyên nhân của tình trạng trên là do ở nước ta hành lang pháp lý về hiến máu tình nguyện vẫn chưa đầy đủ; sự phối hợp giữa các cơ sở thu gom máu chưa thật tốt; công tác tuyên truyền, vận động HMTN chưa thực sự thường xuyên, sâu rộng trong cộng đồng; cơ sở lấy máu còn phân tán, mang tính tự cung, tự cấp. Nhiều nơi thu gom máu, trang thiết bị, nhân lực còn thiếu và yếu. "Tâm lý của nhân dân ta từ lâu đời đã có quan niệm: "một giọt máu bằng sáu bát cơm". Họ sợ khi cho máu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sợ bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm, nên ngại hiến máu. Nhưng thực tế cho thấy, việc cho máu theo chu kỳ (2,5 tháng/lần, mỗi lần 0,25 lít) không ảnh đến sức khỏe người cho", TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương khẳng định.

Năm qua, lượng máu thu được mới đáp ứng được 40% nhu cầu. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các bệnh viện trong việc cứu chữa người bệnh. Không ít trường hợp người bệnh do không được tiếp máu kịp thời đã qua đời để lại nỗi đau không nhỏ cho gia đình, người thân... Trước thực tế này, Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN đã có kế hoạch tổ chức lại mạng lưới các trung tâm truyền máu khu vực, vùng để bảo đảm việc thu gom, bảo quản, phân phối máu; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế trong việc xác định nhu cầu máu để xây dựng kế hoạch thu gom máu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia HMTN. Tuy nhiên, theo nhận định của các đại biểu tại lễ tổng kết, những giải pháp đó có thể sẽ nâng được số lượng HMTN, nhưng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về máu của người bệnh, chỉ khi nào nước ta có Luật Hiến máu tình nguyện và chính sách quốc gia về máu thì lúc đó máu cứu người mới không còn quá thiếu. "Đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân chưa đủ. Chúng ta phải có luật, có chính sách thì mới có thể giải quyết tình trạng "khan" máu như hiện nay", TS Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh công tác HMTN, bảo đảm lượng máu thu được phục vụ người bệnh, Ban chỉ đạo quốc gia vận động HMTN đã đưa ra chiến lược phát triển công tác vận động HMTN giai đoạn 2010-2015 và tầm nhìn 2020. Cụ thể: năm 2010 thu được 682.440 đơn vị máu, tỷ lệ người HMTN đạt 80%, tỷ lệ người cho máu nhắc lại đạt 40%; năm 2015 thu 1.099.076 đơn vị máu, tỷ lệ người HMTN đạt 100%, tỷ lệ người cho máu nhắc lại đạt 60%; năm 2020 thu 1,6 triệu đơn vị máu, tỷ lệ người HMTN đạt 100%, tỷ lệ người cho máu nhắc lại đạt 65%.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Máu cứu người, quá thiếu!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.