(HNM) - Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến.
Theo tôi, để chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phát huy hiệu quả tối đa, dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm để nhân dân tham gia góp ý ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Đặc biệt là khi xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân.
Thực tế, nội hàm của phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa cũng đã được nêu rõ trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII của Đảng. Đó là, nhân dân được tham gia ý kiến đối với mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Sự tham gia ý kiến của nhân dân đối với các chủ trương, đường lối, chính sách không bó hẹp trong một lĩnh vực cụ thể mà "trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội" (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng…). Sự tham gia ý kiến của người dân được thể hiện ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, các quyết định quan trọng. Các hình thức tham gia ý kiến của người dân bao gồm: Nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận, giám sát. Quyền làm chủ của nhân dân cần được quy định bởi các văn bản pháp luật. Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát". Phát huy dân chủ trong Đảng là hạt nhân để phát huy đầy đủ dân chủ trong xã hội. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ để làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.
Có thể nói, với những nội dung trên đây, phát huy dân chủ đã được thể hiện khá đầy đủ về nội dung, hình thức, cách thức tổ chức, triển khai. Đây là những nội dung đúng đắn, phản ánh quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy sức mạnh của nhân dân. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh để phát huy dân chủ thì mấu chốt ở đâu? Nhiệm vụ nào là quan trọng nhất? Cá nhân tôi cho rằng, mấu chốt của phát huy dân chủ là những cơ chế, cách thức để lấy ý kiến của nhân dân, tập hợp ý kiến của nhân dân và chuyển tải những ý kiến đó một cách đầy đủ nhất đến những cơ quan có thẩm quyền, đến những cơ quan trực tiếp xây dựng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Tránh việc tổ chức lấy ý kiến của nhân dân rất rộng rãi, thảo luận rất sôi nổi, nhưng cuối cùng những ý kiến đó không được chuyển tải đến những cấp có thẩm quyền hoặc chỉ dừng ở chỗ những cơ quan lấy ý kiến. Cũng giống như đối với khái niệm phát huy dân chủ, tôi cho rằng cần phải thể chế hóa phản biện xã hội, hay nói cách khác, cần xây dựng các cơ chế cho phản biện xã hội, cơ chế, biện pháp để tránh việc lợi dụng phản biện xã hội nhằm mưu đồ chính trị... Nếu không được thể chế hóa, phản biện xã hội sẽ không mang lại hiệu quả, có khi chỉ là hình thức. Phản biện xã hội, một khi được quy định rõ, thể chế rõ, cộng với tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ đối với sự phát triển đất nước sẽ là phương tiện rất tốt để các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe những ý kiến tâm huyết, những đóng góp trí tuệ thiết thực cho các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật. Như đã nói, phản biện xã hội cần gắn với trách nhiệm, nghĩa vụ công dân, đạo đức công dân, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội đối với sự phát triển đất nước. Mục đích của phản biện xã hội là giúp cho các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật ngày càng có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển của xã hội, của nhân dân. Hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tóm lại, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và phản biện xã hội là hai vấn đề có liên quan mật thiết với nhau. Phát huy dân chủ là cơ sở, điều kiện cho sự phản biện xã hội, phản biện xã hội góp phần cho phát huy dân chủ được đầy đủ, sâu sắc hơn. Phát huy dân chủ và phản biện xã hội cần được quan tâm, chú trọng bởi đây chính là phát huy sức mạnh đoàn kết, sức mạnh trí tuệ, sự đồng thuận của cả dân tộc.
Liên quan đến vấn đề tôn giáo, tiếp tục tăng cường đoàn kết tôn giáo, gắn việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục bảo đảm tốt quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; tạo cơ chế để các tôn giáo phát huy các giá trị, nhân tố tích cực cho sự ổn định, phát triển chung của xã hội; nghiêm trị những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để đi ngược với lợi ích của đất nước, của dân tộc. Các tổ chức tôn giáo và hoạt động tôn giáo tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngày càng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.