Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mấu chốt là tính khả thi

Hà Vũ| 10/07/2022 06:13

(HNM) - Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền được coi là một trong những khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.

Thực tế hiện nay, dù kinh tế Thủ đô vừa có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng tổng sản phẩm trên địa bàn quý II-2022 tới 9,49%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 7,79%, nhưng thành phố vẫn còn không ít “điểm nghẽn” chưa được khơi thông, nhiều hạn chế còn tồn tại. Tiêu biểu, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 16-6 chỉ đạt 17,4% kế hoạch giao. Nhiều vấn đề chưa được khắc phục triệt để, như: Ùn tắc giao thông, úng ngập, thu gom chất thải rắn sinh hoạt; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng…

Tất cả đang đòi hỏi thành phố phải quyết liệt đổi mới trên các mặt công tác quản lý, nhất là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền để phát huy đúng vị trí, vai trò của từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; qua đó khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thậm chí có hiện tượng “cha chung không ai khóc”...

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý nhà nước lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn theo hướng tăng cường phân cấp, ủy quyền cho các địa phương. Thực hiện yêu cầu này, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã chỉ đạo rà soát toàn bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Hiện nay, đề án về phân cấp, ủy quyền đã, đang tiếp tục được hoàn thiện để trình HĐND thành phố xem xét, quyết nghị tại kỳ họp tới.

Trong phát biểu tại kỳ họp thứ bảy, HĐND khóa XVI của thành phố vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh, phân cấp, ủy quyền phải bảo đảm nguyên tắc là cấp nào làm tốt việc gì, thành phố sẽ giao cấp đó thực hiện; phân cấp, ủy quyền từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp; vừa  bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới; rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện...

Những nguyên tắc trên đây đã phản ánh nhận thức sâu sắc, khoa học của lãnh đạo thành phố về những yếu tố căn bản của phân cấp, ủy quyền. Qua đó, đòi hỏi mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi cán bộ lãnh đạo liên quan phải nắm thật chắc, nằm lòng, để trước là trao đổi, thảo luận cho đúng trọng tâm, sau là khi thực thi được thuận lợi, thông suốt.

Từ nay đến khi các quyết định phân cấp, ủy quyền cụ thể được thông qua và đi vào thực hiện còn “dư địa” rất lớn để các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã tham gia đóng góp ý kiến hoàn thiện các cơ chế liên quan. Không gì chắc chắn hơn khi một cơ chế được thông qua bởi sự đồng thuận cao từ chính những người thực thi, gánh vác và cả những người thụ hưởng...

Mấu chốt của phân cấp, ủy quyền xét cho cùng là phải bảo đảm tính khả thi. Cơ chế phân cấp, ủy quyền một khi đã được thông qua sẽ là cơ sở để thực hiện không chỉ một hai năm, mà có thể kéo dài cả nhiệm kỳ. Do đó, càng cần nghiên cứu sâu, tìm hiểu kỹ và trao đổi, thảo luận cặn kẽ trước khi được thông qua, áp dụng.

Nhiệm vụ này không được vội vàng để dẫn đến những sai sót đáng tiếc như “lệch pha” với thực tiễn, vừa đưa vào cuộc sống đã phải sửa đổi, thay thế. Nhưng cũng phải rất khẩn trương, bởi mỗi phút giây chờ đợi cùng với những “điểm nghẽn” về cơ chế là thiệt hại, lãng phí, nhất là cơ hội phát triển của Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mấu chốt là tính khả thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.