(HNM) - Như Báo Hànộimới đã phản ánh, sau thời gian tạm lắng, từ cuối tháng 5-2015, hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ có dấu hiệu
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền huyện Phúc Thọ đã có nhiều biện pháp, phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố và tỉnh Vĩnh Phúc nỗ lực giải quyết. Song để chấm dứt được nạn khai thác cát trái phép còn cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị cũng như sự điều chỉnh về chính sách chung...
Trên địa bàn xã Phương Độ, huyện Phúc Thọ, Hà Nội xuất hiện nhiều tàu khai thác cát trái phép. |
Kiên quyết xử lý vi phạm
Thực tế, với đặc điểm là địa bàn giáp ranh với tỉnh Vĩnh Phúc, lại có trữ lượng cát dồi dào, chất lượng cao nên nạn khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn Phúc Thọ luôn "nóng". Một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp trà trộn, lén lút khai thác cát trái phép, nhất là vào các ngày lễ, nghỉ cuối tuần, vào ban đêm, sáng sớm và dùng nhiều thủ đoạn để trốn tránh lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý như: Lợi dụng việc thanh thải, chỉnh trị luồng chảy để khai thác cát trái phép; khai thác ở những địa bàn giáp ranh với vị trí của các công ty khác được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông của tỉnh Vĩnh Phúc... Những hành vi đó gây mất trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, bức xúc trong dư luận nhân dân.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới sáng 24-6, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, từ năm 2009, UBND huyện đã họp bàn với các cơ quan chức năng của thành phố và thống nhất cấm hoạt động khai thác cát. Từ đầu năm 2014 đến nay, UBND huyện liên tục họp bàn, ra chủ trương và chỉ đạo thực hiện việc kiên quyết đấu tranh với "cát tặc". Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện và các ngành chủ động xây dựng triển khai thực hiện nhiều kế hoạch cao điểm, kế hoạch tăng cường đấu tranh chống hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản (cát) trên địa bàn huyện; xây dựng phương án kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trên địa bàn... Số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát được xử lý rất nghiêm minh. Lãnh đạo huyện khẳng định là không hề có hiện tượng bảo kê, "chống lưng" từ phía chính quyền và cơ quan chức năng. Năm 2014, Công an huyện đã xử phạt 8 trường hợp vi phạm và từ đầu năm 2015 đến nay đã có 6 vụ được xử lý. Từ đó, nạn khai thác cát lòng sông trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ giảm đi rất nhiều, được nhân dân ghi nhận...
Cần giải pháp bền vững
Có một thực tế, dù cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố và huyện Phúc Thọ đã có nhiều nỗ lực, quyết liệt, nhưng nạn khai thác cát lòng sông trái phép vẫn tiềm ẩn, sẵn sàng bùng phát. Gần đây nhất, người dân xã Phương Độ phản ánh nhiều tàu khai thác cát lòng sông tiếp tục hoạt động, đe dọa dòng chảy sông Hồng, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Vụ việc trên được Phó Chủ tịch Thường trực huyện Phúc Thọ Nguyễn Việt Liên lý giải là do từ cuối tháng 4-2015, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tiếp tục cấp phép khai thác cát cho Công ty cổ phần TMS khoáng sản và VLXD tại các mỏ cát thuộc xã Đại Tự (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) và xã Vĩnh Ninh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Việc cấp phép khai thác cát của UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho Công ty TMS có địa giới cấp phép khai thác tọa độ lấn sang địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ. Ngày 11-6, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường Phúc Thọ, UBND xã Phương Độ kiểm tra các điểm mốc do Công ty TMS cắm mốc, xác định diện tích mỏ đã xâm lấn sang địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ 100-200m với diện tích 10,3ha. Các tàu cuốc của Công ty TMS đang neo đậu nằm ngoài ranh giới mỏ và thuộc địa giới hành chính của huyện Phúc Thọ.
Nguyên nhân việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp phép khai thác sang cả địa giới Hà Nội được cho là có thể do tỉnh Vĩnh Phúc căn cứ vào bản đồ địa giới cũ, không cập nhật được tình hình biến đổi dòng chảy sông Hồng trong những năm gần đây. Do vậy, việc giải quyết nạn khai thác cát lòng sông không đúng quy định như trên đã vượt khỏi thẩm quyền của huyện Phúc Thọ.
Gần đây, theo đề nghị của UBND huyện Phúc Thọ, ngày 8-6, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Công ty cổ phần TMS khoáng sản và VLXD tạm thời điều chỉnh kế hoạch khai thác, chỉ khai thác cát trong khu vực địa giới hành chính của tỉnh Vĩnh Phúc… Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND hai huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, UBND hai xã Đại Tự và Vĩnh Ninh phối hợp với các cơ quan của TP Hà Nội xác minh làm rõ sự chồng lấn địa giới để tránh gây tranh chấp...
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu khẳng định, không phủ nhận việc cần thiết phải có hoạt động khai thác cát để phục vụ nhu cầu xây dựng, phát triển hạ tầng, song khai thác một cách bền vững để không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông cũng như đời sống nhân dân là yêu cầu vừa có tính cấp thiết, vừa có tính dài lâu. Trên phương diện này, những yếu tố về chính sách pháp luật cũng như sự thống nhất trong quản lý địa giới hành chính sẽ có tính chất quyết định, đưa đến sự minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.