(HNMO) - Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội thể hiện rõ vai trò, vị trí của mình trong việc huy động các tổ chức thành viên và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch. Đây thực sự là “cánh tay” đắc lực góp sức cùng chính quyền và nhân dân Thủ đô sớm đẩy lùi dịch bệnh...
Gần hai năm qua, mỗi cán bộ Mặt trận thực sự là “chiến sĩ” thầm lặng trong cuộc chiến với Covid-19. Đặc biệt, trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp, cán bộ Mặt trận cơ sở đã phát huy vai trò của mình như những chiếc “ăng ten” trong việc nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân Thủ đô thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Việc gì khó, có Mặt trận
Giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, có thời điểm cả tháng trời, ông Đỗ Văn Thái, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố số 1, phường Bưởi (quận Tây Hồ) ra khỏi nhà từ sáng sớm đến đêm khuya mới trở về. Sự vào cuộc của ông cùng các thành viên trong tổ Covid-19 cộng đồng đã huy động được hơn 120 lượt người tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”; kêu gọi ủng hộ được hơn 2 tấn gạo, hơn 200 thùng mỳ tôm cùng nhiều nhu yếu phẩm và khẩu trang, nước sát khuẩn phục vụ công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch bệnh.
Nói về ông Đỗ Văn Thái và các thành viên trong tổ Covid-19 cộng đồng của tổ dân phố mình, bà Bùi Thị Nga (người dân dân phố số 1, phường Bưởi), chia sẻ: “Ông Thái đã vận dụng kinh nghiệm công tác để điều phối công việc của tổ dân phố rất trôi chảy. Nhờ đó, đã huy động người dân tham gia trực chốt đầy đủ, trong đó có hơn 100 đảng viên sinh hoạt 2 chiều”.
Đặc biệt, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, các thành viên trong tổ còn giám sát chặt chẽ số người đi, đến, kiểm soát người ra vào địa bàn để nắm bắt cụ thể từng trường hợp.
Còn tại quận Bắc Từ Liêm, nơi có hơn 5.000 người nước ngoài sinh sống, ngay từ đợt dịch đầu tiên, lãnh đạo quận đã chú trọng nắm bắt thông tin về việc đi, đến của người nước ngoài để cùng phối hợp thực hiện công tác phòng, chống dịch. Để hoàn thành nhiệm vụ này, tổ giám sát tại cộng đồng được huy động vào cuộc. Vì vậy, hằng ngày, sau giờ ăn tối, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận tổ dân phố Hoàng 6, phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) Lê Văn Khuyến lại cùng 8 thành viên trong tổ đi tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn dân cư.
Xác định nếu làm không tới nơi tới chốn sẽ bùng phát dịch nên từ ngày đầu cho đến khi trên địa bàn phường xuất hiện F0, tổ giám sát đã hoạt động rất tích cực. Trong các đợt dịch đầu, khi nhận được tin báo có người từ nơi khác về hoặc người nước ngoài đến địa bàn, không kể giờ giấc, Ban Công tác Mặt trận cùng lực lượng chức năng của phường đến tận nhà để thu thập thông tin.
"Để nắm bắt thông tin về người nước ngoài được thuận tiện, nhiều khi chúng tôi còn phải nhờ người thân đi cùng làm phiên dịch. Nhờ đó, các trường hợp đi, đến từ vùng dịch về địa phương đều được xét nghiệm và cách ly tại nhà rất nghiêm túc. Trong những ngày thực hiện giãn cách, bà con không tập trung đông người, không đi ra ngoài nếu không cần thiết”, ông Lê Văn Khuyến cho biết.
Nhận xét về cán bộ Mặt trận và các đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch ở địa bàn dân cư, Chủ tịch UBND phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) Chu Thanh Hà cho biết: “Cán bộ Mặt trận cùng nhiều cán bộ, đoàn thể ở các tổ dân phố đã thực sự là “cánh tay” nối dài của chính quyền, góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch”.
Trong khi đó, xác định đặc thù của Sóc Sơn là địa phương có sân bay quốc tế Nội Bài và nhiều khu công nghiệp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Sóc Sơn đã chỉ đạo Mặt trận các xã, Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh, khử khuẩn, tích cực giám sát, nắm bắt các trường hợp di chuyển từ vùng dịch hoặc các địa phương có dịch trở về địa bàn.
Là người trực tiếp đến nhà vận động người nghi nhiễm SARS-CoV2 đi cách ly, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Sóc Sơn Nguyễn Thị Nhạn cho biết: “Trong các thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, tâm lý người dân rất hoang mang. Cán bộ Mặt trận cùng với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của địa phương thông tin kịp thời, tích cực vận động người nghi nhiễm đi cách ly và tuyên truyền để người dân thuộc khu vực phải khoanh vùng, cách ly yên tâm thực hiện nghiêm túc”.
Đặc biệt, vào tháng 5-2021, đúng dịp diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) ghi nhận 7 ca F0, 53 trường hợp F1, 20 trường hợp F2 và 245 người thuộc diện cách ly. Được giao nhiệm vụ chủ trì bảo đảm đúng quy trình công tác bầu cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Nỗ đã thống kê, rà soát kỹ các trường hợp liên quan đến ca dịch và bố trí hòm phiếu chính, phụ để tất cả cử tri đều được thực hiện nghĩa vụ công dân, đồng thời duy trì đều đặn việc trực chốt tại các điểm ra, vào xã.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Kim Nỗ Nguyễn Duy Tiến cho biết, kể từ tháng 5-2021, khi trên địa bàn xã phát hiện ca nhiễm đầu tiên cho đến đầu tháng 10-2021, xã luôn duy trì các chốt trực kiểm soát người ra vào khu dân cư nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch. Thời gian trực kéo dài trong nhiều tháng, nhưng với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương và Ban Công tác Mặt trận các thôn, nhân dân tham gia trực chốt bảo đảm 24/24 giờ. Đặc biệt, dưới sự vận động của Mặt trận, nhân dân còn ủng hộ kinh phí để xây dựng tất cả các chốt của xã bằng tôn.
Trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) có 3 ca F0, tuy nhiên, phường đã không để xảy ra lây nhiễm thứ phát trong cộng đồng, đồng thời thiết lập nhiều “vùng xanh” an toàn. Theo chia sẻ của Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 Lê Minh Dưỡng, có được kết quả đó là nhờ cán bộ Mặt trận đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; phối hợp với lực lượng chức năng lập 32 chốt kiểm soát an toàn địa bàn kiểm soát chặt chẽ việc ra, vào của cư dân.
Vừa là “lá chắn”, vừalà “tổng đài” giúp dân phòng, chống dịch
Thực hiện yêu cầu của lãnh đạo thành phố Hà Nội, từ giữa tháng 8-2020, các tổ dân phố, thôn, làng, địa bàn dân cư nhanh chóng kích hoạt hoạt động của tổ giám sát trên cơ sở kiện toàn đội ngũ cán bộ tham gia phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở giai đoạn đầu. Các tổ đều có sự tham gia nòng cốt, tích cực của cán bộ Mặt trận cơ sở.
“Quận Nam Từ Liêm có 130 tổ Covid-19 cộng đồng với 2.548 thành viên. Tham gia tổ Covid-19 cộng đồng, cán bộ Mặt trận ở cơ sở cùng các thành viên đã phát huy vai trò như những chiếc “ăng ten” trong việc nắm bắt thông tin, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch”, Phó Chủ tịch UBND quận, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long khẳng định.
Là người dân của thôn Nguyệt Áng (xã Đại Áng, huyện Thanh Trì), nơi có 9 trường hợp F0, chị Lê Thị Thanh Sơn nhớ lại, vào thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhân dân trong thôn rất hoang mang. Nhưng nhờ có tổ giám sát tại cộng đồng thường xuyên theo dõi sát sao việc cách ly phòng, chống dịch tại các khu vực bị phong tỏa và là “tổng đài” giải đáp mọi thắc mắc của bà con nên mọi người yên tâm và càng nâng cao hơn ý thức phòng, chống dịch.
Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, trong thời điểm dịch diễn biến căng thẳng, toàn thành phố đã thành lập 5.330 tổ giám sát phòng dịch ở các khu dân cư. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Sỹ Trường cho biết thêm: “Quá trình hoạt động, cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trên địa bàn thành phố đã có những sáng tạo để duy trì hoạt động của các tổ giám sát phù hợp với thực tế của địa phương. Qua đó, các địa phương đã hình thành nên những “lá chắn” giúp dân phòng, chống dịch hiệu quả. Ở những nơi xuất hiện F0, cán bộ Mặt trận trở thành người trực tiếp trên tuyến đầu chống dịch”.
Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:
Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.