(HNM) - Trong khuôn khổ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, đoàn Hà Nội đang tạm dẫn đầu và nổi lên những mặt mạnh rất đáng tự hào, chỉ trừ môn bóng chuyền (BC) vốn là một thế mạnh có truyền thống của Thủ đô văn hiến.
Nói đến BC Thủ đô lại càng thấy buồn. Từng có nam Bưu điện Hà Nội vô địch quốc gia, đội nữ cũng không kém cạnh. Hai đội này đều cung cấp cho tuyển quốc gia những gương mặt sáng giá như Hùng Mạnh, Tuấn Kiệt, Sỹ Hòa (nam), Đặng Thị Hồng, Thanh Hoa (nữ), đó là chưa kể các bậc tiền bối của nhóm này, vậy mà nay thì sao? Câu trả lời là thất vọng khi nghĩ đến truyền thống BC Thủ đô bởi bây giờ đội nam đang trầy trật ở hạng A1, còn đội nữ cũng chẳng làm ai nể sợ tại giải vô địch quốc gia (VĐQG).
Một pha chắn bóng của nữ Bưu điện Hà Nội (phải) trong trận thua Truyền hình Vĩnh Long mùa giải trước. |
Vòng I giải VĐQG 2010, đại biểu duy nhất của BC Hà Nội là đội nữ, chỉ xếp hạng 6/6 tại bảng A. Vòng II, đội cũng thi đấu kém cỏi thua cả 5 trận và phải thi đấu "chung kết ngược". Tại vòng "chung kết ngược" tranh suất trụ hạng, phải đến trận cuối đội nữ Hà Nội mới chắc suất trụ hạng sau khi vất vả vượt qua Cao su Phú Riềng 3-2. Và sau lần trụ hạng thót tim này, các nhà quản lý phải tìm ra nguyên nhân việc BC Thủ đô chật vật trong vài năm qua nếu muốn trở lại những ngày hào hùng thuở trước.
Một trung tâm BC lớn là TP Hồ Chí Minh từng có nhà vô địch Seaprodex nay cũng sa sút với cả 2 đội nam, nữ cùng xuống hạng trong khi một số trung tâm khác lại rất đáng ngợi khen trong nỗ lực xây dựng và duy trì thành tích. Đáng nói nhất là Long An, có 2 đội nam nữ luôn ở top 3 quốc gia, đặc biệt đội nam Hoàng Long - Long An. Sự xuất sắc của môn BC tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chính từ khâu đào tạo, điều mà trung tâm lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần học tập.
Hà Nội có hệ thống nhà thi đấu phong phú nhất trong cả nước, bao gồm các NTĐ Trịnh Hoài Đức, Quần Ngựa, Hoàng Mai, Gia Lâm, Cầu Giấy, Hà Đông... Song, trừ Binh chủng Thông tin - đơn vị đóng trên địa bàn Hà Nội luôn duy trì việc đào tạo, số còn lại ở Thủ đô đều rơi vào hiện tượng "trắng". Nhiều HLV, VĐV có trình độ của Hà Nội buộc phải lập nghiệp tại những vùng đất khác và đó là niềm nhức nhối đối với những người yêu BC Thủ đô.
Trả lời báo chí về sự sa sút ở môn BC, từng có ai đó nêu rằng BC chưa lên được vì đang trẻ hóa. Một câu trả lời khá hài hước. Bởi trẻ hóa là tất yếu ở môi trường TDTT đỉnh cao. Những trung tâm lớn đã và đang xem trẻ hóa là phương cách chủ yếu để phát triển. Danh sách đội BC nữ Hà Nội ở vòng II có nhiều cầu thủ trẻ, song nữ Thông tin Liên Việt Bank, Bình Điền Long An, Thái Bình… lại có nhiều gương mặt còn trẻ hơn, chơi bóng hay hơn và điều ấy nói lên sự chậm trễ của BC Hà Nội trong mùa giải mà lẽ ra phải có cái gì đó chứng tỏ bề dày của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Thật tiếc!
BC Thủ đô những năm qua từng có các HLV biết cách làm việc, chẳng hạn Nguyễn Đăng Khúc, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ, đó là chưa kể đến những chuyên gia từng song hành cùng BC Hà Nội như Ngũ Phú Tường (Trung Quốc) và Victor (Nga). Vậy mà những người đó, hoặc đã về nước, hoặc đã đến với các địa phương khác. Có lẽ cũng vì hiện tượng mất thương hiệu như thế của BC Hà Nội mà mấy năm qua, chưa một lần giải VĐQG được tổ chức tại Hà Nội, điều này là thiệt thòi lớn cho những thế hệ khán giả Thủ đô rất yêu và rất sành về môn thể thao không thể thiếu tại Olympic này.
Năm nay, bóng đá Hà Nội vui vì Hà Nội T&T vô địch và Hà Nội ACB trở lại đỉnh cao, bóng bàn Hà Nội vẫn nhất đồng đội nhưng chỉ có BC là mất thương hiệu. Chẳng lẽ cứ để như vậy?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.