(HNM) - Trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hội nghị Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á - diễn ra tại Singapore từ ngày 28 đến 30-4, chương trình thi đấu của SEA Games 28 - năm 2015 đã được công bố, gồm 402 nội dung của 36 môn thi đấu. Với việc rất nhiều môn thế mạnh không có mặt tại SEA Games 28,
Cử tạ sẽ không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 28. |
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cho biết: Tại phiên họp cuối năm 2013, chủ nhà SEA Games 28 đã công bố 30 môn chắc chắn có mặt tại SEA Games 28. Đến phiên họp ngày 16-2, có 6 môn được nhất trí bổ sung là bi sắt (8 nội dung), bóng chuyền (2 nội dung), bóng sàn (floor-ball, 2 nội dung), quyền Anh (11 hạng cân), đua ngựa (4 nội dung) và rowing (18 nội dung). Tại phiên họp cuối cùng về chương trình thi đấu SEA Games 28, hầu hết các nội dung thi đấu đều không có gì thay đổi, vẫn giữ nguyên 36 môn và nước chủ nhà chỉ bổ sung thêm 2 nội dung là đôi nam bóng tường và đá đôi nam cầu mây. Rất nhiều môn được các nước "vận động hành lang", bao gồm vật, karate, vovinam, cử tạ, cờ vua… đều không được tổ chức. Đáng tiếc, bởi đây hầu hết là những môn được coi là "mỏ vàng" của TTVN.
Theo Điều lệ SEA Games, chương trình thi đấu tại các kỳ SEA Games phải bảo đảm có đại diện của 3 nhóm. Nhóm 1 gồm 2 môn cơ bản tại các kỳ Olympic là điền kinh, bơi lội. Nhóm 2 gồm 35 môn, trong đó có 26 môn Olympic và các môn đại diện các khu vực của Châu Á. Nhóm còn lại gồm 15 môn là thế mạnh riêng của một số quốc gia Đông Nam Á. Thường thì nước nào tổ chức cũng phải có tối thiểu 2 môn nhóm 1, 14 môn của nhóm 2 và tối đa là 8 môn của nhóm 3. Ông Hoàng Vĩnh Giang nhận định: "Chủ nhà Singapore đã làm đúng theo quy định, thậm chí là rất "fair -play". Họ đã chấp nhận tổ chức 2 môn nhóm 1, 32 môn nhóm 2. Trong nhóm 3, họ chỉ tổ chức 2 môn là bi sắt và bóng sàn, bởi đơn giản với các môn còn lại của nhóm 3, họ hoặc không có lực lượng, hoặc có mâu thuẫn nội tại ở Liên đoàn Thể thao một số môn đấu".
Như vậy, SEA Games 28 sẽ là một kỳ đại hội đầy thách thức đối với TTVN khi có đến 34/36 môn thuộc hệ thi đấu của Olympic và ASIAD. Nhiều môn thế mạnh của TTVN sẽ không được tổ chức, bao gồm vovinam, vật, cử tạ, cờ, karatedo, futsal (bóng đá trong nhà)… ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu duy trì vị trí trong nhóm 3 nước dẫn đầu tại SEA Games 28 của TTVN. Tại các kỳ SEA Games trước đây, TTVN thường giành được hơn 70 HCV, duy trì vị thế trong nhóm 3 nước dẫn đầu bảng xếp hạng. Gần nhất, tại SEA Games 27, TTVN giành được 73 HCV, trong đó riêng vật đã góp đến 10 HCV, vovinam 7 HCV, karate 3 HCV, cờ vua 2 HCV, cử tạ 1 HCV…
Do Singapore tổ chức SEA Games 28 vào tháng 6-2015, TTVN chỉ còn chừng một năm để chuẩn bị lực lượng cho kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Nhiều ý kiến cho rằng SEA Games chỉ là giải đấu "ao làng", nhưng không thể phủ nhận Đại hội Thể thao Đông Nam Á luôn là một sự kiện thể thao mang ý nghĩa lớn của khu vực, có giá trị đặc biệt quan trọng trong tiến trình hội nhập và phát triển của các quốc gia Đông Nam Á, khẳng định vị thế quốc gia thông qua thi đấu thể thao. Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Vĩnh Giang bày tỏ: "Không thể không nhìn nhận xuất phát điểm thực tế của TTVN. Cần tạo cơ hội để các VĐV của nhiều môn được thi đấu ở nhiều đấu trường khác nhau để rèn giũa và trưởng thành, trong đó, SEA Games là một đấu trường không thể bỏ qua".
Chúng ta đang nhắm đến sự đầu tư chiều sâu cho ASIAD và Olympic nhưng trong quá trình ấy, cần coi SEA Games là bước đệm cần thiết, bởi đó là cơ hội thi đấu cho rất nhiều VĐV của hàng loạt môn thể thao. Vì vậy, không thể không quan tâm đến quá trình chuẩn bị lực lượng cho đấu trường này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.