Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất mồi câu…, mất cả cần câu

Bài, ảnh: Trần Hương| 17/11/2014 05:56

(HNM) -


Bài toán cây ngô…

Người dân vùng cao quanh năm bới đất lật cỏ, sản phẩm nông nghiệp làm ra là bắp ngô, hạt thóc. Sản phẩm nông nghiệp của đồng bào vùng cao không chỉ là nỗi vất vả về điều kiện canh tác, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng… mà còn là sức sáng tạo nảy sinh trong sản xuất. Nếu đời ông, cha cần cù khai hoang vỡ đất thì thu hoạch mùa vàng bội thu là niềm tự hào của đời sau… Vụ ngô năm nay, người dân xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) được mùa nhưng mất giá, nên cuộc sống của họ lại càng thêm khốn khó.

Một góc bản Pú Nhung.


Nắng chiếu đỉnh đầu. UBND xã Pú Nhung vắng người. Cán bộ chính quyền họp hành vắng cả, một mình Vừ A Kỷ, cán bộ văn phòng trực cơ quan. Chẳng mấy mặn mà, Vừ A Kỷ xua tay nói như trách: Thôi thôi… xã này không có gì để viết đâu cô. Nếu cô muốn viết về xã anh hùng thì đi hỏi các ông già ở bản kể cho mà nghe. Muộn rồi, mình về…! Hỏi mây hỏi gió cuối cùng anh Vừ A Kỷ cho biết: Xã Pú Nhung được phong xã anh hùng; xã có hai Anh hùng lực lượng vũ trang là Vừ A Dính và Sùng Phái Sinh. Một Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và 11 liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp và còn là căn cứ cách mạng đầu tiên của Lai Châu cũ (nay là Điện Biên) năm 1949-1950. Hiện nay, Pú Nhung có 713 hộ với 3.423 nhân khẩu, sinh sống tại 10 bản, chủ yếu là người dân tộc Mông. Cuộc sống của người dân dựa vào cây ngô, cây lúa… Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn xã 1.580ha. Trong đó, diện tích trồng ngô hai vụ là 1.011ha.

Năm trước, xã Pú Nhung trúng vụ ngô, thương lái về tận nơi thu mua, giá ngô hạt dao động từ 6.000 đến 6.500 đồng/kg; ngô xay có giá từ 7.000 đến 8.500 đồng/kg. Cả xã, nhà nào cũng trồng ngô. Hộ trồng ít nhất có từ 4.000 đến 5.000m2, hộ nhiều trồng lên đến 3ha và mỗi hécta ngô cho thu hoạch từ 26 đến 28 tạ ngô hạt.

Rồi anh Vừ A Kỷ kể cho tôi nghe những câu chuyện vui, buồn từ những vụ ngô của người dân: Những năm ngô được mùa, được giá người dân Pú Nhung như vỡ òa trong niềm vui bội thu. Xe máy, xe trâu chở ngô rầm rập từ sáng đến tận khuya. Năm nay ngô được mùa nhưng mất giá, đầu vụ giá ngô chỉ 4.000 đồng/kg ngô hạt, ngô xay dao động từ 5.000 đến 5.500 đồng/kg. So với cùng thời điểm năm 2013, ngô xay và ngô hạt giảm giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg. Thế nhưng giá phân bón, thuốc trừ cỏ, giống má vẫn không hạ. Mỗi hécta ngô "ăn" vào khoảng 2 tạ phân bón NPK, 10 lít thuốc diệt cỏ và 13kg ngô giống. Ước tính bình quân phải mất khoảng 10-12 triệu đồng/ha và nếu chăm sóc theo đúng kỹ thuật thì chi phí mỗi hécta ngô không dưới 20 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Trưởng bản Sùng A Chía, bản Phiêng Pi, ngồi cạnh Vừ A Kỷ lúc này mới lên tiếng: Nhà mình cũng trồng hơn 1ha ngô, năm nào cũng phải đi mua chịu giống, phân bón, thuốc trừ cỏ của 2 hộ kinh doanh tại xã nhưng phải chịu với giá rất cao, ví như: Giống ngô CP88 và VN885 ngoài thị trường bán 6.500 đồng/kg, nhưng vì mua chịu nên giá lên tới 8.500 đồng/kg; thuốc diệt cỏ thị trường bán 8.000 đồng/lít, tư thương bán 10.000 đồng/lít. Đặc biệt, phân bón tư thương bán cho các hộ dân tăng so với thị trường từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg và xã Pú Nhung hiện nay có trên 90% hộ dân phải mua chịu vật tư, phân bón, ngô giống. Đến mùa thu ngô, các hộ dân phải mang ngô trả nợ… đây cũng là cơ hội để tư thương ép giá thu mua của người dân để trục lợi.

… và câu chuyện gán đất

Câu chuyện nhà nông được mùa nhưng mất giá không xa lạ đối với người dân xã Pú Nhung. Nhưng chuyện gán đất để trừ nợ thì quả là hiện tượng hy hữu đối với người dân vùng cao vốn hiền lành, chất phác. Nếu người dân xã Pú Nhung chỉ mua chịu vật tư, phân bón, giống ngô... thì câu chuyện gán đất để trả nợ có lẽ không xảy ra. Bởi nếu chỉ chi phí cho việc canh tác sản xuất thì cuối vụ vẫn có thu hoạch ít nhiều, người dân có thể bán nông sản để trang trải. Nhưng tình trạng người dân nợ nần dẫn đến không có khả năng trả phải gán đất lại là câu chuyện khác.

Vừ A Kỷ vừa nói vừa lần từng đốt ngón tay đếm số người trong xã gán đất để trừ nợ: Hộ ông Vừ Sáy Thào, Vừ Giống Khá (bản Đề Chia B), hộ bà Mùa Thị Vừ, Vừ A Giàng (bản Phiêng Pi)... và còn nhiều hộ nữa trên địa bàn xã có nguy cơ sẽ phải gán đất trong nay, mai. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân gán đất ở Pú Nhung thì nhiều, một trong những nguyên nhân chính đó là "nuôi" các hủ tục ma chay, cưới hỏi. Ước tính mỗi đám ma, đám cưới người dân phải chi từ 20 đến 30 triệu đồng. Thậm chí có nhà làm sang ngoài việc giết trâu, bò tiệc tùng vài ngày còn là khoản tiền thách cưới có khi cả một con trâu. Rồi việc ốm đau, mua xe, làm nhà... lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng lên nợ… cộng với việc vụ ngô rớt giá. Dẫn đến một số hộ dân không có khả năng chi trả, cuối cùng đành phải gán đất nương để trả nợ, rồi đi làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Tôi băn khoăn hỏi: Chẳng lẽ chính quyền địa phương để mặc người dân mang đất đi "cắm", gán vô tội vạ thế sao? Vừ A Kỷ bứt đầu, bứt tai một hồi, rồi nói: Xã giao đất cho họ, họ không làm để cho người khác làm thì đó cũng là điều dễ hiểu. Hơn nữa, họ vay mượn, mua bán là do hai bên tự thỏa thuận, không thông qua chính quyền xã. Chỉ khi người dân gán đất, mang sổ đỏ giao cho chủ nợ thì UBND xã mới biết. Cũng vì hai bên thỏa thuận nên họ không có kiến nghị gì, vì vậy chính quyền xã không có căn cứ nào để can thiệp và nếu có can thiệp cũng khó vẹn cả đôi đường, bởi nợ thì phải trả dù bằng cách này hay cách khác.

Trưởng bản Sùng A Chía nói đỡ: Mình cũng không biết phải làm sao, để các cô nói hộ mình thôi! Đám cưới mà nhà nào cũng cứ làm to ra rồi phải đi vay tiền của họ, mỗi triệu 50.000 đồng/tháng, lãi lớn sinh ra không có tiền trả nợ. Trâu bò ở nhà thì thịt ăn rồi thì chỉ còn cách trả đất cho người ta thôi. Thế thôi…
Trưởng bản Chía bỏ lửng câu nói. Tôi thoáng chút rùng mình bởi "người Mông mình sống nhờ vào đất, chỉ có đất mới nuôi sống mình. Vậy mà không còn đất thì sống thế nào nhề? Người dân mình làm gì mà biết buôn bán? Chắc là cứ thế đi làm nương thuê cho người ta thôi. Thế thôi… đi làm cho họ thì mình giống như con ngựa, con trâu rồi" - Vừ A Kỷ buồn bã.

Thời điểm này, trên địa bàn xã Pú Nhung có hai công trình đang được Nhà nước đầu tư xây dựng mới gồm: Trụ sở UBND xã và bia tưởng niệm Anh hùng Vừ A Dính. Với hai sự kiện ấy, đáng lẽ người dân Pú Nhung sẽ vui mừng nhiều nếu như tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 trong toàn xã không tăng lên 3,4% so với năm 2013 và nếu như vụ ngô năm nay không rớt giá. Đặc biệt, một số hộ dân không phải gán đất trả nợ thì niềm vui ấy có lẽ được nhân lên gấp bội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mất mồi câu…, mất cả cần câu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.