Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất giá, mất cả thương hiệu

Quỳnh Dung| 20/05/2011 06:40

(HNM) - Hiện tại giá trị xuất khẩu trên đơn vị sản phẩm nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao do hàng hóa chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn thấp, nên hiệu quả kinh tế không cao...

Trước thực trạng đó, mới đây Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo về xây dựng đề án nâng cao giá trị gia tăng (GTGT) trong nông nghiệp để đưa ra những giải pháp nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho các mặt hàng mũi nhọn trong thời gian tới.

Hạt điều, một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực.


90% xuất khẩu dưới dạng thô

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối cho biết, hiện nay phần GTGT trong nông nghiệp ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thể hiện trên cả ba phương diện: chủng loại đơn điệu, thiếu bền vững, sản xuất chủ yếu để xuất khẩu, thị trường nội địa chưa quan tâm đúng mức; giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu. Quá trình chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu theo thị trường diễn ra chậm. Các mặt hàng có GTGT còn thấp, nguyên nhân là do 90% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng sơ chế nên giá cả thấp hơn sản phẩm cùng loại của các nước từ 5-10%. Chẳng hạn như sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới nhưng giá cả xếp thứ 10. Hay như mặt hàng cà phê, hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng cà phê xuất khẩu và đang có mặt ở tất cả các châu lục. Việt Nam còn là thành viên của Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), nhưng lượng cà phê xuất khẩu của ta chủ yếu ở dạng nguyên liệu, chưa qua chế biến sâu. Các nước nhập khẩu mua sản phẩm Việt Nam về sơ chế, đóng gói và dán nhãn mác của mình, để bán với giá cao hơn nhiều. Người tiêu dùng trên thế giới vẫn chưa biết nhiều đến sản phẩm cà phê qua chế biến tại Việt Nam. Hiện cả nước có 38 nhà máy chế biến cà phê, đạt công suất 1,23 triệu tấn/năm. Mặc dù, nói là công nghệ chế biến, nhưng các thiết bị sử dụng trong nhà máy ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn sơ chế như bóc tách vỏ, làm sạch và phân loại ra sản phẩm cà phê xô theo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nông dân và DN xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mức độ áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Chẳng hạn như cà phê, tỷ lệ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất bền vững 4C mới đạt 5% diện tích, chỉ có 5% sản lượng được cấp chứng chỉ UTZ; các tiêu chuẩn khác như RainForest, GAP mức độ áp dụng còn rất thấp. Tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng còn rất lớn như lúa gạo, hiện các DN thu mua lúa gạo của nông dân với độ ẩm cao (từ 18% đến 20%), nên khi đưa vào xay xát tỷ lệ gạo vỡ rất cao; khi xuất khẩu các DN phải mất thêm công đoạn đánh bóng, chi phí sản xuất đội lên 30%, dẫn tới khó cạnh tranh được về chất lượng và giá cả của các nước xuất khẩu cùng mặt hàng này như Thái Lan, Ấn Độ.

Giải pháp nào tăng hiệu quả giá trị nông nghiệp

Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Để nâng cao GTGT trong nông nghiệp phải sử dụng tổng hợp các yếu tố kỹ thuật, công nghệ, tổ chức sản xuất, marketing nhằm tác động lên toàn bộ các khâu trong quá trình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Trong đó đổi mới công nghệ theo hướng hiện đại để sơ chế và chế biến nông sản hàng hóa chất lượng cao có vai trò hết sức quan trọng giúp hàng nông sản Việt Nam tiến tới xuất khẩu dưới dạng tinh, nâng cao hiệu quả. Cụ thể như lúa gạo, cần áp dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất; tuân thủ các quy trình công nghệ trong chuỗi sản xuất từ thu mua, bảo quản, xay xát, dự trữ, lưu thông, đưa tỷ lệ gạo thu hồi trên 68%; giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 5-6%. Từ nay đến năm 2020 sẽ đầu tư 40.000 máy sấy cải tiến công suất 0,5-2 tấn/mẻ đối với quy mô hộ và liên hộ; 3-5 tấn/mẻ đối với hộ làm dịch vụ; 6-10 tấn/mẻ đối với DN chế biến. Nâng tổng số máy sấy cả nước lên 50.000 máy, bảo đảm năng lực sấy lúa là trên 20 triệu tấn.

Nâng cao GTGT trong sản xuất cà phê sẽ tập trung vào các khâu như thực hành sản xuất tốt đối với cà phê nguyên liệu; mở rộng quy mô, công suất chế biến cà phê từ dạng thô sơ sang cà phê bột, cà phê hòa tan, với sản lượng đạt 30.000 tấn vào năm 2020. Nhưng công nghệ chế biến chỉ là công cụ giúp sản phẩm cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn muốn tạo ra giá trị thặng dư thì phải đầu tư nhà máy chế biến ra dạng cà phê bột hay hòa tan. Nếu như các nhà máy chế biến cà phê của Việt Nam có những dây chuyền thiết bị đồng bộ, bài bản, giá cà phê sẽ tăng thêm khoảng 50 USD/tấn…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Nâng cao chất lượng và GTGT là hướng đi quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đầu tư nâng cấp thiết bị, công nghệ bảo quản và chế biến, nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa nhằm giảm sức ép tiêu thụ sản phẩm theo thời vụ, để nông sản chuyển từ chế biến thô sang chế biến tinh, cùng với chiến lược tiếp thị, quảng cáo thương hiệu, sản phẩm một cách có hiệu quả sẽ giúp các DN chế biến đưa ra những sản phẩm giá thành thấp, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, kể cả những thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Các DN cần chủ động liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất nguyên liệu sạch, bảo đảm thu mua nông sản chất lượng tốt với giá cả cao hơn. Áp dụng quy trình sản xuất tốt trong chế biến nông nghiệp theo một bộ tiêu chí nhất định để nâng cao giá trị nông sản bởi khi nông dân và DN áp dụng đúng quy trình này, giá thu mua sẽ tăng lên 20% so với không áp dụng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất giá, mất cả thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.