(HNM) - Đối với nhiều người sáng mắt, chuyện làm nhà là việc lớn của đời người, nhưng thương binh mù hai mắt Nông Quốc Mạ ở làng An Hòa, xã Tản Lĩnh, Ba Vì đã khiến nhiều người cảm phục khi ông tự tay làm nhà, đúc cột bê tông, rào vườn, trồng cỏ… Hàng xóm bảo
Năm 1970, khi đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ nghiên cứu địa hình ở chiến trường B4 (Thừa Thiên Huế), Nông Quốc Mạ vướng phải mìn, mất 81% thị lực. Trở về quê hương, nhiều đêm không ngủ, trăn trở suy tính, nghĩ cách làm sao có thể sống được bình thường. Mắt hỏng thì cái đầu, cái tay, cái chân phải thay cho mắt. Cưới vợ cùng làng, cùng nghèo như nhau, thương binh nặng Nông Quốc Mạ nung nấu, nghĩ cách làm nhà, kiếm sống. Tự tay ông làm mọi việc từ đúc gạch, tôi vôi, ước chừng đủ nguyên liệu ông bắt tay vào xây nhà… Tất cả đều phải làm theo cảm tính, ước lượng trong đầu. Cuối cùng, Nông Quốc Mạ cũng làm xong căn nhà 60m2 cho vợ con. Rồi cũng theo cách cũ, ông làm thêm bếp, công trình phụ, xây chuồng bò, xây hàng rào quanh vườn trồng cây ăn quả, đào ao thả cá... Tất cả đều vuông vắn, gọn gàng như người mắt sáng làm.
Bây giờ người lính Nông Quốc Mạ năm xưa đang ngồi trước mặt tôi, thuật lại việc xây dựng gia đình, lo toan cho các con khôn lớn. Dù đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng ông vẫn ngời lên sự cương nghị, quyết đoán. Nhiều người trong thôn An Hòa còn truyền nhau câu chuyện ông Mạ một mình dám kéo xe cải tiến đi nhặt đá ở chân đồi về làm móng nhà. Khi không đủ sức kéo xe vượt dốc, ông bê từng khối đá qua dốc, xếp đống, rồi kéo xe chất đá lên. Tuổi cao, lại là thương binh hạng một, song đến giờ, ông Mạ vẫn tự tay làm mọi việc ruộng vườn. Vợ ông, bà Cao Thị Thịnh khoe, ở nhà mọi việc bà luôn tin tưởng, nhờ cậy cả vào ông. Hàng xóm thấy người mắt sáng cứ hỏi người mắt kém thì cười song bà lại thấy vui… Ông Mạ cũng rất năng nổ với các hoạt động của địa phương, góp sức, góp công vào việc chung của làng và nhiệt tình tham gia sinh hoạt ở nhiều tổ chức hội, đoàn thể như: Hội CCB, Hội Người mù… Ông vẫn thường được nhận giấy khen về những thành tích mà mình đóng góp cho tập thể. Ngày tôi tới tìm ông cũng là lúc ông đang lúi húi đào hố chôn 15 cọc bê tông, rào vườn, trồng cỏ, nuôi bò. Tôi không tin nổi vào mắt mình khi thấy hàng bê tông dựng đứng, thẳng tắp. Hỏi ông, ông cười nói "tài giỏi gì đâu, cứ nghiến răng mà nghĩ mà làm, đừng nản chí là được. Chiến tranh đã cướp đi của tôi đôi mắt cha mẹ cho thì trời lại cho tôi đôi mắt khác". Còn nhiều điều về ông Mạ lắm mà tôi không thể kể hết được, nhưng có thể khẳng định rằng trong mấy chục năm qua, ông là chỗ dựa cho những người mắt sáng trong gia đình. Bằng những việc làm bình dị của mình, người thương binh Nông Văn Mạ đã sống đúng nghĩa cao cả nhất của người lính Cụ Hồ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.