(HNM) - Chỉ còn một tháng nữa là đến ngày Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Hàng loạt dự án sửa sang, chỉnh trang đô thị đã hoàn thành để Hà Nội khang trang, rạng rỡ hơn, trong đó không thể không kể đến những cửa ô ra vào thành phố.
Cầu Thăng Long là cửa ngõ đặc biệt quan trọng, nơi tất cả các đoàn khách quốc tế từ Nội Bài sẽ phải đi qua, nhưng tình trạng mặt cầu hiện nay lại khiến mọi người lo ngại.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long được khởi công từ ngày 23-10-2009 với tổng mức đầu tư 97 tỷ đồng và hoàn thành, đưa vào sử dụng từ 23-12-2009, vượt tiến độ hơn 1 tháng. Đây thực sự là tin vui với người dân Hà Nội, bởi cây cầu sẽ có mặt êm thuận đón các đoàn khách trong nước và quốc tế đến dự Đại lễ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau khi thảm lại bằng vật liệu nhập khẩu với công nghệ tiên tiến, mặt cầu đã xuất hiện những vết rạn nứt. Cơ quan chức năng đã chỉ đạo nhà thầu sửa chữa tạm thời, nhưng tình trạng rạn nứt, hư hỏng tiếp tục có chiều hướng phát triển. Trong văn bản số 2340/BQLDA2-PID9 ngày 27-7 gửi Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án 2 (thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam), là đại diện chủ đầu tư, thừa nhận tình trạng hư hỏng tiếp tục phát triển nhanh nếu không có giải pháp sửa chữa đồng bộ, triệt để.
Vừa sửa đã hỏng là điều không ai mong muốn, nhất là với người dân Thủ đô trong những ngày này. Đòi hỏi sửa chữa dứt điểm là thực sự cần thiết, nhưng có cái khó là chưa xác định chính xác nguyên nhân. Ngay từ khi xuất hiện những vết nứt đầu tiên, Bộ GTVT đã yêu cầu Viện Khoa học và Công nghệ GTVT điều tra, khảo sát, xác định rõ nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục trước ngày 31-3. Nhưng, tới tận cuối tháng 7, Ban Quản lý dự án 2 cho biết, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT cũng chỉ nêu ra một vài nhóm nguyên nhân mà chưa chỉ rõ được nguyên nhân chủ yếu. Điều này khiến công tác khắc phục, xử lý dứt điểm gặp nhiều khó khăn. Tuy chưa xác định rõ, nhưng Ban Quản lý dự án 2 cho biết đầu tháng 8 đã tổ chức đợt sửa chữa thứ 4 với quy mô lớn hơn, đồng bộ hơn. Đáng tiếc, đến cuối tháng 8, một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, tình trạng hư hỏng tiếp tục có dấu hiệu nghiêm trọng hơn.
Thôi thì, nếu chưa tìm ra giải pháp khắc phục triệt để, cũng cần có giải pháp khắc phục tạm thời, có hiệu quả để mặt cầu Thăng Long êm thuận, đón khách đến dự Đại lễ cho đàng hoàng. Hà Nội có không ít nhịp cầu hữu nghị mà Thăng Long là điển hình. Đây cũng là cửa ngõ quan trọng ở Thủ đô. Để mặt cầu như vậy bình thường đã không ổn, huống chi là trong dịp lễ trọng của Thủ đô. Liệu đây có phải là do sự trì trệ, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả xấu của Ban Quản lý dự án 2 và các cơ quan liên quan?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.