(HNM) - Ấn Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiện tượng mất cân bằng giới. Theo cuộc điều tra dân số mới nhất, hiện toàn Ấn Độ chỉ có 914 trẻ em nữ so với 1.000 trẻ em nam ở độ tuổi 0-6 tuổi, giảm so với thập kỷ trước đó là 927/1.000.
Trong khi đó Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, tới năm 2020, hơn 24 triệu đàn ông Trung Quốc tới tuổi lấy vợ không thể tìm được "đối tác". Theo một số liệu thống kê từ năm 2005 của quốc gia này, tỷ lệ sinh con trai, con gái là 120 - 100 trong khi tỷ lệ trung bình của thế giới là 103 nam - 100 nữ. Tỉ lệ mất cân bằng giới tính của Ấn Độ cũng giảm dần kể từ năm 1961, khi còn khoảng 900 trẻ em nữ trên 1.000 trẻ em nam. Tỉ lệ trung bình của thế giới hiện nay là 1.050 nữ/1.000 nam.
Mất cân bằng giới sẽ làm các chàng trai Trung Quốc ngày càng khó tìm vợ hơn. |
Trong văn hóa Nho giáo, quan niệm "sinh con trai nối dõi" vốn ăn sâu bám rễ trong nhiều xã hội châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và cả Việt Nam. Trọng nam khinh nữ đã gây ra rất nhiều hệ lụy mà trong đó ảnh hưởng nhất là sự mất cân bằng về giới tính. Viện Khoa học Trung Quốc nhấn mạnh sự tiến bộ y học về phát hiện giới tính sớm là "thủ phạm" chính. Xu hướng phá thai bắt nguồn từ những năm 1980 khi kỹ thuật siêu âm ra đời giúp xác định sớm giới tính của thai nhi. Điều này đã nhanh chóng gây hệ lụy về giới tính. Mặc dù các nước quy định cấm siêu âm biết trước giới tính và phá thai vì giới tính; nhưng luật khó được thực thi triệt để đã dẫn đến hiện tượng "thừa bé trai".
Hơn thế, nhờ vào sự tiến bộ của công nghệ, hiện tại việc siêu âm để xác định giới tính thai nhi tại Ấn Độ đang rất phổ biến khi chỉ tốn có 10 USD cho một lần siêu âm. Mặc dù tại các phòng khám đều có bảng "Không kiểm tra giới tính thai nhi", nhưng việc thực hiện rất lỏng lẻo, thậm chí người ta còn xách cả những chiếc máy siêu âm di động đến những khu làng hẻo lánh để thực hiện công việc đó. Tạp chí y tế Lancet của Anh đã làm một cuộc nghiên cứu rằng trong năm 2006, Ấn Độ đã có nửa triệu bào thai được xác định là nữ đã bị bỏ. Trung tâm này chỉ ra rằng vấn nạn trên xảy ra tại một số bang thịnh vượng nhất ở Ấn Độ như: Punjab, Haryana, Delhi và Uttar Pradesh. Điều đó có nghĩa là kinh tế tăng trưởng không phải là điều bảo đảm cho sự thay đổi nhận thức xã hội.
Rõ ràng, sự lựa chọn giới tính đã dẫn tới hệ lụy là hiện nay có quá nhiều nam thanh niên chưa lập gia đình ở Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt nghiêm trọng hơn khi tình trạng trên tạo nên trào lưu "cưới vợ ngoại" ở các nước này và sự lan tràn của ngành kinh doanh tình dục, dẫn tới hiện tượng buôn bán phụ nữ. Một số người tìm kiếm và buôn bán phụ nữ từ những vùng khác tới để bù lấp số phụ nữ trong độ tuổi kết hôn thiếu hụt. Đối với những nước xảy ra tình trạng này, vấn đề đáng lo ngại không chỉ là tỉ lệ mất cân bằng giới tính trầm trọng, mà nó có thể phá vỡ cơ cấu xã hội.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu đang kêu gọi hai quốc gia đông dân nhất thế giới hãy noi gương Hàn Quốc. Những năm gần đây, nhờ mạnh tay với tình trạng phá thai chọn lựa giới tính, Hàn Quốc đã kéo tỷ lệ giới tính lúc sinh từng bước xích lại, làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính từ những năm 1990. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ cũng đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và nới lỏng chính sách một con. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định phải mất nhiều thập kỷ nữa, tỷ lệ giới tính ở châu Á mới có thể trở lại mức bình thường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.