(HNM) - Mới đây, Công ty Bross & Partners, một công ty luật hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đại diện bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam phát hiện thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền 10 năm tại Trung Quốc.
Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đang có nguy cơ bị mất thương hiệu.
Trong suốt những năm qua, Việt Nam luôn là quốc gia có sản lượng cà phê xuất khẩu (XK) lớn thứ hai thế giới. Cà phê Việt Nam phần nào đã nâng tầm đất nước nông nghiệp trên thị trường thế giới. Theo Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam, XK cà phê của cả nước trong nửa đầu tháng 8 đạt khoảng 18,8 nghìn tấn, trị giá 42,5 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến hết tháng 8, cả nước đã XK trên 936,8 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD. Dự báo, XK cà phê năm 2011 sẽ cán đích ở con số 2,4 tỷ USD và đây có thể là năm XK cà phê đạt cao nhất từ trước đến nay. Thế nhưng con số XK này đang bị "đe dọa" ở mức độ nghiêm trọng khi vùng đất được coi là thủ phủ cà phê của Việt Nam, chiếm tới trên 60% lượng cà phê XK là Buôn Ma Thuột đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký thương hiệu.
Luật sư Lê Quang Vinh, Giám đốc bộ phận sở hữu trí tuệ Công ty Bross & Partners cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc trên, Công ty đã có công văn gửi Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thông báo, kể từ ngày 14-11-2010, nhãn hiệu cà phê "BUON MA THUOT và chữ Hán" đã được một doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ và được cấp chứng nhận bảo hộ 10 năm cho nhóm sản phẩm 30 - nhóm có chứa cà phê. Đặc biệt, doanh nghiệp Trung Quốc này lại tiến hành động thái thứ hai là tiếp tục đăng ký và được bảo hộ logo "BUON MA THUOT COFFEE - 1896" tại Trung Quốc từ ngày 14-6-2011. Sự việc này nếu không được làm rõ sẽ khiến người tiêu dùng trên thế giới và các nước nhập khẩu cà phê Việt Nam nhầm lẫn về nguồn gốc cà phê Buôn Ma Thuột, vô hình trung, sẽ có sự hiểu nhầm hoặc không rõ ràng cả về nguồn gốc địa lý địa danh này. Một lo ngại lớn nữa là Trung Quốc là một trong 10 thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Nếu vụ việc này không được ngăn chặn thì các doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng quyền sở hữu của mình để đăng ký sở hữu nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột trên toàn thế giới. Phản ứng trước vấn đề trên, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, ca cao cho rằng, nếu không sớm đòi lại thương hiệu thì nguy cơ cà phê Việt Nam bị ngăn chặn, thậm chí bị khởi kiện khi xuất khẩu sang các nước do xâm phạm độc quyền nhãn hiệu. Điều đáng quan tâm hơn nữa là sự mất niềm tin của người tiêu dùng thế giới với cà phê Việt Nam, họ sẽ nghi hoặc đâu là cà phê Buôn Ma Thuột giả và đâu là cà phê Buôn Ma Thuột thật. Chắc chắn nó sẽ gây trở ngại rất lớn cho các doanh nghiệp XK và sản xuất cà phê Việt Nam.
Coi nhẹ việc đăng ký thương hiệu
Cà phê Buôn Ma Thuột hiện chiếm khoảng 50% sản lượng cà phê cả nước và được xuất khẩu ra 56 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) cấp đăng bạ bảo hộ tại Việt Nam cho tỉnh Đắc Lắc vào năm 2005, nhưng đến nay nó không hề được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa với một nước nào trên thế giới. Tuy nhiên, việc cấp chỉ dẫn địa lý như vậy đã khẳng định cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản của Việt Nam. Việc công ty Trung Quốc đăng ký thương hiệu thuộc địa danh, địa lý, chủ quyền của Việt Nam là sai.
Theo luật sư Lê Quang Vinh, vào năm 1997, nhãn hiệu cà phê Đắc Lắc đã bị một doanh nghiệp tại Pháp đăng ký sở hữu toàn cầu và đã có 24 quốc gia công nhận cà phê Đắc Lắc là của Pháp chứ không phải của Việt Nam. Nếu chúng ta không hành động kịp thời thì nguy cơ mất thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột rất dễ xảy ra. Luật sư Lê Quang Vinh cho biết, chỉ dẫn địa lý BUON MA THUOT được bảo hộ ở Việt Nam theo đăng bạ số 0004 ngày 14-10-2005 là cơ sở để khởi kiện đòi lại nhãn hiệu nhưng việc này sẽ rất khó khăn và tốn kém. Nhưng dù sao chúng ta vẫn phải làm, vì đây là tài sản sở hữu của quốc gia. Ông Trần Việt Hùng, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) cho rằng, UBND tỉnh Đắc Lắc với tư cách là cơ quan quản lý cao nhất của chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sẽ là cơ quan đại diện phải tiến hành khiếu kiện đối với công ty Trung Quốc đã đăng ký nhãn hiệu đó. Theo đó, vụ khiếu kiện này sẽ phải tuân theo luật pháp của Trung Quốc.
Sự việc này bung ra khiến người quản lý và các doanh nghiệp XK cà phê Việt Nam ngỡ ngàng, từ trước tới nay, việc đăng ký bảo hộ thương hiệu quốc gia đã không được chú trọng và đánh giá đúng tầm. Hiện Đắc Lắc còn chậm trễ trong việc quản lý, sử dụng và phát triển chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở ngay trong tỉnh. Đến tháng 8-2011, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột (hiệu lực 3 năm) cho 8 thành viên. Các doanh nghiệp này chỉ có diện tích 8.852ha, sản lượng 26.000 tấn/năm. Trong khi vùng địa danh cà phê Buôn Ma Thuột có tổng diện tích 100.000ha và sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm, còn một diện tích khá lớn trong vùng địa danh chưa được sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm của Việt Nam bị nước khác đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu. Trước đây kẹo dừa Bến Tre, cà phê Trung Nguyên... cũng gặp tình trạng tương tự, chúng ta đã khởi kiện và giành được phần thắng ngay tại Trung Quốc. Liệu cuộc chiến cà phê lần này có được "thuận buồm xuôi gió" như các sản phẩm trước? Việt Nam là nước XK nông sản lớn, với nhiều mặt hàng đứng số 1, số 2 trên thế giới, nhưng theo Bộ NN&PTNT mới chỉ có khoảng 20% các sản phẩm này được đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Việt Nam. Nếu nhà quản lý và các DN không nhanh chóng quan tâm sẽ lại tiếp tục diễn ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng" như câu chuyện trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.