Theo dõi Báo Hànộimới trên

Manila, bức tranh đa sắc…

Đoàn Nam| 06/02/2011 08:03

(HNM) - Lại một cái Tết nữa tôi xa Hà Nội và lần thứ hai, đón năm mới ở Manila - thủ đô của quốc đảo Philippines, thành phố mang tên loài hoa Milad trôi trên dòng sông Pasig. Bên bờ con sông thơ mộng chảy qua trung tâm Manila này là dinh thự các đời tổng thống từ thời thực dân đến cộng hòa hiện nay.

Một góc Manila.


Giống như các nước phương Tây, Manila sôi động và rực rỡ sắc màu trong những ngày giáng sinh và đón năm mới theo dương lịch. Văn hóa phương Tây hiển hiện trong từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc sống, của văn hóa Manila, không thể trộn lẫn với bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Đã từng có một câu nói như thế này: "Người Philippines là người Mã Lai trong gia đình, người Tây Ban Nha trong tình yêu, người Trung Hoa trong kinh doanh và người Hoa Kỳ trong tham vọng". Điều này cũng dễ hiểu vì người Phil đã được nhào nặn trong 300 năm tu viện Tây Ban Nha, 50 năm sôi động của kịch trường Hollywood nên họ được xem là có ít bản sắc Á Đông nhất trong số các dân tộc Á Đông khác. Thế nhưng, chính sự kết hợp tính cách nồng nàn của người Mã lai, nét quyến rũ của người Tây Ban Nha và sở thích kỳ quặc của người Mỹ đã làm nên nét riêng của người Phil mà họ tự gọi mình là "Pinoy". Và chính họ, những người "Pinoy" đã tạo thành một bức tranh thú vị, đa sắc màu cho thủ phủ Manila.

Quần đảo Philippines được người Tây Ban Nha phát hiện vào năm 1521. Sau đó quần đảo này lần lượt bị thống trị bởi Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và Anh. Vì có một hải cảng tốt nên Manila đã quyến rũ được các nhà khai phá, thương gia và dân định cư. Ngoại trừ một thời gian ngắn bị người Anh chiếm đóng, người Tây Ban Nha đã thành công trong việc giữ nó tách biệt và thuần túy Tây Ban Nha suốt thời gian dài. Có thể thấy điều này qua phong tục và những nghi thức liên quan đến nhà thờ Thiên Chúa Giáo, đặc biệt trong các lễ hội đường phố đậm màu sắc tôn giáo, lối kiến trúc đặc trưng phong cách Tây Ban Nha của những ngôi nhà nằm dọc các đường phố cổ, điển hình là công trình kiến trúc Thành Nội, nằm ở trung tâm Manila. Người Mỹ cũng để lại cho Manila một ảnh hưởng văn hóa sâu đậm khác, đó là ngôn ngữ. Tiếng Anh được người dân nơi đây sử dụng như tiếng mẹ đẻ, còn bóng rổ và nhạc Pop là những món ăn tinh thần không thể thiếu của lớp người Manila trẻ tuổi.

Trong suốt hai tháng ở Manila, chiều nào cũng đi dạo bên bờ biển và xem bắn pháo hoa dịp cuối tuần cạnh Trung tâm thương mại Asia Mall, cậu con trai 7 tuổi của tôi chỉ đếm được 8 chiếc xe máy. Manila là vậy, thành phố của ùn tắc và khói bụi vì đủ loại động cơ, trong đó nổi bật là những chiếc xe Jeepney bên cạnh những chiếc ô tô đời mới và những chiếc taxi cũ kỹ. Là một "đặc sản" của Manila, Jeepney là xe tự chế của người bản xứ, nhỏ như xe lam nhưng được trang trí sặc sỡ, mỗi chiếc xe là một tác phẩm nghệ thuật nhiều màu sắc. Chỉ cần từ 10 đến 40 peso (khoảng từ 3.000 đến 10.000 đồng), du khách sẽ được dạo quanh thủ đô mà không lo tắc đường vì các bác tài thường có lộ trình riêng với những lối đi thông thoáng. Ngồi trên xe, du khách tha hồ ngắm những tuyến phố cổ kính, những con dốc ngoằn nghèo và tận hưởng làn gió mát từ biển thổi vào vì cửa sổ xe luôn rộng mở.

Manila còn là bức vẽ với những mảng màu đối lập, trong đó nổi bật là khoảng cách của sự giàu nghèo. Ngay khu vực quận nội thành Malate nơi đặt trụ sở của ĐSQ Việt Nam, cạnh trung tâm thương mại Harison lâu đời, khách sạn Century tráng lệ là khu nhà ổ chuột tối tăm. Vào mỗi buổi chiều tà, những đứa trẻ đen đúa có quần không áo, có áo không quần tha thẩn chơi cạnh tường rào, chờ đợi tiếng trực thăng của một đại gia nào đó đỗ xuống sân bay khách sạn như dấu hiệu kết thúc một ngày. Hay vào buổi sáng, những người giàu ngồi thưởng thức cà phê, ăn điểm tâm, đọc báo, bàn chuyện tranh cử tại những nhà hàng sang trọng bên bờ vịnh Manila khi những đứa trẻ ăn xin đang đội mưa đứng ở ngã tư đường hay trước trung tâm văn hóa để ngóng chờ một sự ban ơn, bố thí của người đi đường. Đôi khi, người nghèo Manila cũng có những cách kiếm sống rất đặc biệt. Vài chùm hoa bưởi xâu thành chuỗi, những con rối đủ màu sắc, thậm chí một xô nước xà phòng và giẻ lau, họ chờ đợi ở những ngã tư hay ùn tắc để bán hàng, lau kính xe ô tô cho người qua đường mong kiếm vài chục peso. Còn tại những bãi đỗ xe ở các trung tâm thương mại, có thể bắt gặp ai đó ăn vận lam lũ che ô cho bạn khi vừa bước xuống ô tô hay chỉ chỗ đỗ xe, báo hiệu lối ra cho tài xế của những chiếc xe sang trọng. Và với thái độ rất lấy làm bình thường, họ nhận tiền Típ như một sự trả công. Thế nhưng tại những nơi mua sắm của Makati - thành phố mới được xây dựng ngay cạnh Manila chỉ có người nước ngoài và giới thượng lưu qua lại. Những tòa cao ốc nguy nga, những tuyến phố rợp cây xanh, sạch bóng chỉ có xe hơi đời mới và taxi bóng loáng, không hề thấy bóng dáng của "đặc sản" Jeepney...

Còn nữa những điều thú vị của Manila mà khó có thể kể hết trong khuôn khổ một bài báo. Chỉ biết rằng, trên một đất nước nơi bắt đầu của những cơn bão mạnh đến siêu mạnh, người dân Philippines nói chung và người Manila nói riêng có một sức sống mãnh liệt và niềm lạc quan không bao giờ cạn. Một siêu bão tràn qua, các lớp học tạm đóng cửa nhưng các khu vui chơi giải trí sẵn sàng "chém đẹp". Ngay cả lúc khó khăn nhất người Manila cũng không bao giờ quên vui chơi. Họ lúc nào cũng có thể tìm ra quán ăn ngon, vũ trường nào mới mở và thời trang nào đúng mốt nhất. Những chàng thanh niên sẵn sàng quên đi những âu lo chỉ để không bỏ lỡ trận bóng rổ trên ti vi khi cầu thủ mà anh ta hâm mộ đang biểu diễn một cú ném ăn ba điểm. Những nữ nhân viên bán hàng trang điểm kỳ quặc mắt xanh lè, môi đỏ chót, má hồng rực nhưng lúc nào cũng nở nụ cười: "Chào ông, chào bà, cảm ơn!". Hay những điều nhỏ nhặt khác trong cuộc sống thường ngày như dòng người kiên nhẫn xếp hàng dài trước cửa nhà vệ sinh công cộng, không lái xe vượt đèn đỏ dù giữa đêm khuya, đường phố luôn vắng tiếng còi ngay cả khi ùn tắc… đều đáng khiến ta phải ngẫm ngợi hoặc thoáng chạnh lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Manila, bức tranh đa sắc…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.