(HNM) - Đầu tư hàng chục triệu đồng để bê tông hóa đường làng ngõ xóm, tặng sổ tiết kiệm cho các hộ gia đình nghèo hay mua ghế đá cho trường học, trạm xá… Trần Văn Thắng từ lâu được xem là một trong những
Đâu khó có Thắng "bò"
"Một cánh én không thể tạo sắc xuân, một cái cây không thể làm nên khu rừng. Tôi chỉ là anh nông dân, may mắn giúp được đôi ba việc nhỏ cho xóm làng thôi. Ngoài xã hội còn nhiều người giỏi và xứng đáng hơn tôi", vừa nói, vừa pha trà mời khách. Hiện Trần Văn Thắng là chủ một cơ sở chuyên cung cấp thịt bò Australia cho thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, vì vậy nhiều người gọi anh bằng biệt danh Thắng "bò". Hơn 20 năm làm nghề giết mổ gia súc, quả thực, nếu nhìn vẻ bề ngoài, nhiều người sẽ nghĩ anh là người khó gần. Nhưng có dịp tiếp xúc, nghe nhiều câu chuyện mới hiểu được phần nào cái tâm của con người này đối với quê hương.
Miếu Đinh Nguyên và sân đấu vật xã Thọ An đang được tu bổ. |
Trong tâm trí của anh, hơn 10 năm trước, Thọ An còn là một vùng quê nghèo với những mái nhà lụp xụp, những con đường đất ghồ ghề, trời nắng thì bụi mù, trời mưa thì nhão nhoét bùn đất. "Bấy giờ, cơ sở sản xuất của tôi nằm lọt thỏm trong ngõ hẹp. Đoạn đường chỉ gần 300m nhưng nhìn đâu cũng thấy ổ trâu, ổ gà. Tháng 5, tháng 6, trời nắng như đổ lửa, bà con ì ạch vã mồ hôi mới kéo nổi những chuyến xe cải tiến chở đầy khoai, thóc". - Anh nhớ lại. Trời nắng đã vậy, trời mưa còn nhọc hơn. Khổ nhất là đám học trò, phải gắng bấm chặt mười đầu ngón chân xuống đất mới khỏi bị trượt ngã mỗi lần tới trường. Những chiếc áo trắng cũng vì thế mà bao lần lấm lem những vết bùn. Một hôm, bà con Cụm 5 ngạc nhiên khi thấy Thắng hô hào mọi người đóng góp xi măng, cát, sỏi để nâng cấp đường. Ai có nhiều đóng nhiều, ai không có tiền thì góp bằng ngày công, thiếu bao nhiêu anh xin đứng ra lo liệu.
Thấy anh hăng hái, bà con đều đồng lòng ủng hộ. Chẳng mấy chốc, đoạn đường ngõ xóm đổ bê tông đầu tiên của xã Thọ An đã hoàn thành. Trời mưa, trời nắng, xe cộ đi lại bon bon, nông sản, hàng hóa được vận chuyển dễ dàng, người dân phấn khởi lắm. Sau đó, với phương châm "ngõ nào đổ ngõ đấy", những con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi cứ dần vươn dài, mở rộng ra, đẩy những con đường đất bụi bặm, ghồ ghề vào dĩ vãng. Thế nên khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, tiêu chí đường giao thông của xã Thọ An gần như đã hoàn tất.
"Có đoạn đường ngõ xóm đang làm dở dang thì hết kinh phí. Chưa biết xoay xở thế nào thì anh Thắng đi qua, nhìn quanh nhẩm tính một lúc rồi nói: "Cứ làm đi. Thiếu đâu tôi sẽ giúp!". Các công trình của thôn, cụm nhiều lần phải nhờ tới anh hỗ trợ thêm mới có thể hoàn thành", chị Đào Thị Tẩn, Cụm trưởng Cụm 5 cho biết.
Đoạn đường ngõ Cụm 5 đã được anh Thắng và bà con chung sức đổ bê tông sạch đẹp. |
Ở Thọ An, Thắng có tiếng là hào phóng. Mua giúp bà con trong xóm một chiếc xe tang, tặng sổ tiết kiệm cho những hộ gia đình nghèo hay mua ghế đá cho trường học, trạm xá… những việc có thể giúp, anh chẳng ngại ngần. Ví như, đầu năm 2014, anh đầu tư hơn 150 triệu đồng để xây một sân cầu lông tại gia phục vụ thanh niên. Cứ chiều chiều, sau khi xong xuôi công việc, học hành, đám thanh niên trong xã lại hồ hởi đến nhà "bầu" Thắng chơi cầu lông. Nhìn nhiều em chơi hay chẳng kém những tay vợt chuyên nghiệp, anh lại nghĩ: "Chơi không thì phí quá, phải cho họ đi thi đấu để thể hiện tài năng". Thế là CLB cầu lông xã Thọ An chính thức được thành lập với khoảng 20 thành viên. Anh cũng thường đứng ra tổ chức các giải đấu để thanh niên các thôn, xã có dịp giao lưu, rèn luyện sức khỏe. Nhờ thế mà phong trào cầu lông của xã ngày càng có tiếng. Thầy trò Thắng "bò" rinh về nhiều giải thưởng lớn, nhỏ.
Nặng lòng với văn hóa truyền thống
"Tự nhận mình có tính "phổi bò", hỏi thật, anh có bị người khác ghét không?", tôi nói. Gãi đầu cười, anh chia sẻ: "Ồ, có chứ! Không ít người nghĩ tôi làm việc này việc nọ vì muốn được bằng khen, muốn được lên báo để nổi tiếng. Nhưng kệ thôi. Tôi làm vì trách nhiệm với quê hương, ai nghĩ gì tôi không quan tâm". Dè dặt và ngại nói về bản thân, nhưng khi nhắc đến văn hóa truyền thống của đất Thọ An, anh trở nên sôi nổi: "Nông thôn mới là gì? Không chỉ là đường sá sạch sẽ, trường học khang trang, trạm xá hiện đại mà còn phải giữ được gốc gác, bản sắc văn hóa của quê hương mình, với tôi đó mới là điều quan trọng".
Anh kể, bố anh là trưởng ban di tích xã nên hồi nhỏ, anh thường lon ton theo ông ra đình làng, ngồi nghe ông kể những câu chuyện về đất và người Thọ An xưa. Tình yêu quê hương, xóm làng cứ thế lớn dần sau những buổi trưa hè ấy. Đầu năm 2012, bố anh qua đời. Kể từ đó việc chăm sóc di tích đình, chùa dần bị sao nhãng. Lễ hội phai nhạt dần, những màn đấu vật kịch tính, những tiếng reo hò, tiếng trống giục giã dường như chỉ còn lại trong ký ức của cậu bé Thắng ngày nào. Không đành lòng nhìn một trong những nét văn hóa độc đáo của quê hương bị mai một, đầu năm 2015, anh cùng những bậc cao niên trong làng bắt tay tu bổ miếu Đinh Nguyên, đồng thời cho xây lại sân đấu vật với mong ước đưa Hội vật của thành phố về với đất Thọ An trong thời gian không xa. Hiện hai công trình đã xây xong, những hạng mục cơ bản đang trong giai đoạn hoàn thiện.
Nói về anh Trần Văn Thắng, ông Trần Văn Lục, Phó ban Quản lý Di tích lịch sử miếu Đinh Nguyên cho biết: "Thắng là một người có tâm, rất trách nhiệm đối với các công việc của thôn, xóm và đặc biệt là rất nặng lòng với văn hóa truyền thống của quê hương. Vì sống quá thẳng tính nên cũng có người yêu, kẻ ghét. Dẫu vậy, những gì cậu ta làm được cho xóm làng thì ai cũng phải ghi nhận".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.