(HNM) - Hàng loạt vụ côn đồ manh động gây thương tích, thậm chí là án mạng liên tiếp xảy ra gần đây khiến dư luận không khỏi lo ngại.
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, án mạng xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ. Trong các vụ án này cho thấy tính chất hết sức liều lĩnh, manh động của tội phạm. Nhiều vụ việc diễn ra giữa ban ngày, ở những địa điểm đông người như trên tuyến giao thông, trong khu dân cư. Nhiều vụ án được xác định là do ổ nhóm tội phạm dàn dựng gây ra nhưng cũng có vụ đối tượng hoạt động đơn lẻ, bột phát, thể hiện bản chất côn đồ, nguy hiểm.
Lực lượng 141 (Công an TP Hà Nội) triển khai kế hoạch giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Chiều 21-8, Tạ Đình Tiệp (SN 1985, trú tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) hẹn gặp rồi bất ngờ đâm chết anh Vũ Huy Cường (SN 1981, ở phường Láng Hạ, quận Đống Đa) ngay trên vỉa hè đường đông đúc lúc giờ cao điểm. Trong vụ án này, cơ quan công an xác định, Tiệp gây án một mình, từ mâu thuẫn không có cơ sở. Một vụ án khác gây xôn xao dư luận bởi tính chất manh động, tàn bạo cũng mới xảy ra. Hai đối tượng: Hoàng Anh Tuấn (SN 1980, ở Trung Giã, Sóc Sơn) và Lê Hồng Thuận (SN 1992, ở Thượng Đình, Thanh Xuân) chặn xe, ra tay gây án ngay trên đường Phạm Văn Đồng vì liên quan đến nợ nần... Đây là vụ án có sự sắp xếp, thể hiện mức độ táo tợn và coi thường pháp luật của tội phạm.
Theo lãnh đạo CATP Hà Nội, thời gian qua số vụ giết người do nguyên nhân bột phát hoặc mâu thuẫn tức thời chiếm tỷ lệ cao. 6 tháng đầu năm 2014 xảy ra 37 vụ giết người thì non nửa là do bột phát, trong đó có 2 vụ do mâu thuẫn khi uống rượu bia, 6 vụ do mâu thuẫn vay nợ, 3 vụ vì lý do tình ái... Những thống kê đó phần nào cho thấy hiện tượng ứng xử côn đồ, hung hãn đáng báo động. Những mâu thuẫn sinh hoạt hằng ngày như va chạm trên bàn nhậu, va chạm khi tham gia giao thông, nợ nần tiền bạc... cũng có thể trở thành nguyên nhân của những vụ án mạng. Đáng lo ngại, trong nhiều vụ án, đối tượng phạm tội thể hiện hành vi quyết tâm truy sát nạn nhân.
Đối với loại tội phạm bột phát, cơ quan công an thừa nhận rất khó phòng ngừa. Vì nhiều lý do mà chủ yếu là từ sự biến đổi tâm lý bất thường của đối tượng, việc tìm cách ngăn chặn gần như không thể. Đối với loại tội phạm có tổ chức, việc đấu tranh cũng không dễ. Hiện trên địa bàn thành phố, cơ quan công an đã xác định có gần 10 ổ nhóm côn đồ, hung hãn, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng và đang tập trung đấu tranh, triệt xóa. Song bên cạnh đó còn có các ổ nhóm nhỏ lẻ, sẵn sàng "đâm thuê chém mướn". Như trong vụ án xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng, 2 đối tượng gây án ra tay sát hại 1 người chỉ bởi một "hợp đồng" trị giá vài chục triệu đồng. Hành vi côn đồ, hung hãn còn được "tiếp sức" bởi tình trạng hung khí, vũ khí bày bán trôi nổi chưa được kiểm soát chặt chẽ...
Trong đấu tranh với các hành vi côn đồ, nguy hiểm cũng còn ý kiến cho rằng, công cụ pháp lý chưa đủ mạnh. Trong nhiều vụ án, hung thủ hoặc nhóm hung thủ mang theo nhiều hung khí sẵn sàng động thủ, nhưng do hậu quả để lại với nạn nhân chưa lớn nên chỉ bị xử lý về tội danh "gây rối trật tự công cộng" hoặc nặng hơn là "cố ý gây thương tích", dù cho hành vi có dấu hiệu thể hiện quyết tâm "giết người". Những tác động nguy hiểm đối với TTATXH nói chung, tác động tâm lý đối với nạn nhân và dư luận nói riêng cũng chưa được tính đến...
Để ngăn chặn những hành vi côn đồ, hung hãn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của nạn nhân, mất ANTT cộng đồng, về lâu dài cần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, thông qua các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. Trước mắt, gánh nặng này rất cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng nhằm sớm phát hiện mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; đồng thời tấn công mạnh tội phạm, nhất là ổ nhóm, tội phạm tàng trữ hung khí, vũ khí...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.