(HNM) - Những năm gần đây, “bóng cười” được một bộ phận giới trẻ sử dụng, nhưng đằng sau thú chơi tưởng như vô hại đó, lại là những hậu quả khôn lường, mà chính người sử dụng cũng không ngờ tới.
Nhiều bạn trẻ rơi vào trạng thái ảo giác sau khi sử dụng “bóng cười”. Ảnh: Nhã Uyên |
Sau cười là... những tổn hại
Gần như ngày nào, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng tiếp nhận các trường hợp cấp cứu do ngộ độc “bóng cười”. Hầu hết người bệnh đều có quá trình sử dụng “bóng cười” trong một thời gian dài hoặc sử dụng “bóng cười” kết hợp với các loại ma túy khác.
Đơn cử như nam sinh viên N.V.T (20 tuổi) vừa được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, vì không đi lại được do tổn thương thần kinh, tủy sống, tê bì chân tay. Cách đây 2 năm, T. bắt đầu sử dụng “bóng cười”, vì cho rằng, chất kích thích này không gây nghiện. Thế nhưng, trong vòng 6 tháng gần đây, hầu như ngày nào, cậu sinh viên này cũng sử dụng “bóng cười”. Thậm chí, có ngày, lượng bóng T. hít lên tới 20-30 quả và T. còn “đầu tư” mua cả bình khí N2O (loại 5kg) với giá 1,1 triệu đồng/bình (một bình có thể bơm được khoảng 50 quả “bóng cười” cỡ lớn) để tự bơm bóng hít tại nhà và mời bạn bè đến cùng “chung vui”.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, “bóng cười” thực chất là những trái bóng được bơm khí N2O. Sau khi hít khí này, cơ thể có cảm giác tê tê, phấn khích, cười ngả nghiêng. Tuy nhiên, khí N2O khi vào cơ thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh và tim mạch. “Trong trường hợp hít quá mức khí N2O, có thể gây ngạt, thiếu ôxy, thậm chí, gây tổn thương hệ thần kinh, từ não xuống tủy sống, nhất là tủy sống cổ và ngực. Bệnh nhân nhẹ có biểu hiện tay chân buồn bực như bị kiến bò, nặng hơn là mất cảm giác, yếu, liệt chi và có thể tử vong” - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết thêm.
Nhiều bạn trẻ nghĩ rằng, sử dụng “bóng cười” sẽ lành hơn so với các chất gây nghiện khác. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, mang lại ảo giác, có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự như sử dụng hêrôin. Ngoài tổn thương tủy sống, tim mạch, việc sử dụng “bóng cười” còn có khả năng gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng khác, như: Mất trí nhớ, gây thiếu máu cơ thể, giảm khả năng sinh sản, nguy cơ sảy thai… Đặc biệt, khi đã bị nghiện, thiếu khí N2O dễ bị trầm cảm, cảm giác từ chán nản, bỏ ăn tới những biểu hiện nặng nề hơn, đó là muốn tự sát...
Phải xử lý tận gốc
Các y, bác sĩ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị cho một trường hợp ngộ độc “bóng cười” kết hợp với các loại ma túy khác. |
Việc sử dụng các loại ma túy thế hệ mới, trong đó có “bóng cười” diễn biến ngày càng phức tạp. Thế nhưng, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, việc quản lý của chúng ta hiện nay mới dừng lại ở “phần ngọn”, chưa triệt để tận gốc. Nếu như tại một số nước như Mỹ và Anh, khí N2O đã được đưa vào danh mục cấm sử dụng và kinh doanh vì mục đích giải trí; cấm sử dụng trên người cho các mục đích không phải y tế, thì ở Việt Nam chưa có quy định này. Chất khí nguy hiểm ấy vẫn được sử dụng rộng rãi và rất dễ mua. Ngoài việc sử dụng trong công nghiệp, N2O cũng là chất được sử dụng trong lĩnh vực y tế, làm thuốc gây mê ở dạng hít. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên kiến nghị, cần thiết phải có quy định cấm sử dụng N2O vì mục đích giải trí và cấm sử dụng trên người khi không có chỉ định của bác sĩ, vì mục đích y tế. Chỉ như vậy mới có thể kiểm soát được loại chất gây nghiện mới nổi đang âm thầm gây ra những hậu quả khôn lường với con người.
TP Hà Nội rất quyết liệt trong việc xử lý nạn “bóng cười”. Mới đây, tại hội nghị trực tuyến giao ban công tác UBND thành phố quý III và 9 tháng của năm 2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Y tế phối hợp với đơn vị giám định của Bộ Y tế thu thập, làm rõ tác hại của “bóng cười” để tham mưu UBND thành phố ban hành quy định cấm kinh doanh, sử dụng “bóng cười” trên địa bàn thành phố; đồng thời, xây dựng chế tài thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm…
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khẳng định, trước những tác hại rất rõ của “bóng cười” - một thú chơi có thể gây nghiện, gây hại cho sức khỏe, việc xử lý từ gốc để ngăn chặn là việc làm cần thiết. Với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, Sở Y tế đã rà soát, kết quả là ở các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố hiện không sử dụng N2O. Sở Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng khí này, nếu đơn vị nào vi phạm, Sở Y tế sẽ xử lý nghiêm.
Cũng theo ông Nguyễn Khắc Hiền, để dẹp nạn “bóng cười”, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, nỗ lực từ nhiều phía. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền sở tại với lực lượng công an, quản lý thị trường, tổ dân phố, đoàn thanh niên…, từ đó tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh khí N2O; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu tác hại của việc sử dụng “bóng cười” và yêu cầu cơ sở kinh doanh một số loại hình dịch vụ có điều kiện ký cam kết không mua, bán khí N2O, tiến tới “nói không” với việc sử dụng sản phẩm này.
Cũng có ý kiến cho rằng, với những tác hại đến sức khỏe không kém các loại ma túy, đã đến lúc cần đưa "bóng cười" vào danh mục cấm, để quản lý chặt chẽ và mạnh tay dẹp bỏ loại hình kinh doanh thiếu lành mạnh này.
Khí cười (N2O) có tên tiếng Anh là Nitrous oxide, tên khoa học là Dinitơ monoxit. Tại mục số 120 thuộc Phụ lục II của Nghị định 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 9-10-2017 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, khí N2O được quy định là một trong các loại hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh phải được đăng ký ngành nghề có điều kiện, có giấy phép kinh doanh và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về thủ tục pháp lý cũng như quy định về an toàn. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.