Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mảnh sân nhiều hấp lực

An Nhi| 24/07/2012 07:46

(HNM) - Bấy lâu sân khấu kịch phía Bắc vẫn bị coi là thiếu năng động, ảm đạm, quanh đi quẩn lại các đề tài lịch sử kinh điển. Thế nhưng gần đây, khi làn sóng đương đại phủ lên hầu hết các loại hình nghệ thuật thì sân khấu kịch phía Bắc đã có một lực hấp mới.


Một cảnh trong vở kịch “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”.


Không thể sánh được với kịch phía Nam với những vở diễn mang đề tài hiện đại, xã hội ăn khách, kịch Bắc đang có một xu hướng mới mang tính tương tác và thể nghiệm cao được gọi là sân khấu đương đại. Nhà hát Tuổi trẻ là đơn vị đi đầu trong loại hình sân khấu này. Cũng bởi họ có hẳn một Đoàn kịch Thể nghiệm để các nghệ sĩ tung hoành. Song, ra đời từ năm 2005, mỗi vở của đoàn kịch thể nghiệm ra mắt đều mang đúng nghĩa "thể nghiệm" nên không nhiều khán giả, thường xuyên lỗ. Những "Con bệnh bí hiểm", "Nhật nguyệt thực", "100 phút cuối của Hàn Mặc Tử"... là ví dụ. Đoàn kịch chỉ tạo "sóng" khi "Stereo man" ra đời (năm 2007, nghệ sĩ Như Lai sáng tạo ý tưởng và là diễn viên chính), đưa những người đồng tính nam lên sân khấu, khắc họa chân thực cuộc sống, nỗi dằn vặt cũng như mong ước của họ. Vở diễn đi khắp các trường học, nhận được nhiều ý kiến phản hồi ở các diễn đàn và mỗi lần như vậy, các nghệ sĩ lại thay đổi sao cho hợp lý hơn. Thậm chí, "Stereo man" còn được đưa đi nước ngoài tham dự "Liên hoan nghệ thuật truyền thống Mê Kông 2009". Tiếp theo đó là sự "bùng nổ" trên các sân khấu của "Stereo man" 2, 3..., rồi "Stereo woman" có đối tượng chính là người đồng tính nữ. Năm năm, Đoàn kịch Thể nghiệm hoàn thành được sứ mệnh giúp những người đồng tính nói lên tâm tư của mình, giúp xã hội có cái nhìn vị tha, đúng đắn hơn về người đồng tính. Và hơn cả, mỗi lần một phiên bản "Stereo" ra mắt là sân khấu lại chật kín khán giả, chứng tỏ chúng không chỉ mang ý nghĩa xã hội mà còn giàu tính nghệ thuật.

Đoàn kịch Thể nghiệm đang có một dự án mới về những nạn nhân của bạo lực gia đình, đưa chính những nạn nhân đó lên sân khấu bộc lộ nỗi đau đớn, tủi hổ của mình. Tác phẩm "Tôi ơi đừng tuyệt vọng" (ra mắt tháng 6) đã đem lại bất ngờ cho người xem về khả năng diễn xuất của diễn viên không chuyên, nội dung và sự tương tác với khán giả ngay trên sân khấu.

Nói đến sân khấu kịch đương đại không thể bỏ qua những nỗ lực của Trung tâm Life Art với những chương trình, dự án về nghệ thuật cộng đồng. Nổi bật là vở sân khấu không kịch bản "Người lạ" của đạo diễn Phan Ý Ly. Ba buổi diễn tác phẩm đi theo những hướng khác nhau từ câu hỏi về "đàn ông và đàn bà". Họ thăm dò ý kiến khán giả, để khán giả điều chỉnh vở diễn và phát triển cảnh theo những ý tưởng đó. Cái hay của các nghệ sĩ là họ tự tin trên sân khấu, diễn, phối hợp với nhau nhuần nhuyễn. Còn khán giả thì thích thú, thỏa mãn với câu chuyện do chính mình "viết" nên.

Nói đến đây cũng phải bàn tới vấn đề đào tạo. Ở Việt Nam chưa có trường lớp nào dạy về sân khấu kịch đương đại. Ngay NSND Lan Hương, nghệ sĩ Như Lai… cũng chỉ thay đổi tư duy về sân khấu khi được tham gia các khóa học của một số tổ chức quốc tế, sau đó tự tìm tòi thêm. Còn nghệ sĩ Phan Ý Ly là người Việt Nam đầu tiên học Thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật trong công tác phát triển cộng đồng tại ĐH Winchester Southampton, Anh và có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động nghệ thuật cộng đồng tại Châu Phi.

Rõ ràng sân khấu kịch đương đại có nhiều hấp lực, những cái nhìn đa chiều, sự hòa hợp không biên giới giữa nhân vật - người từng trải - khán giả đã như một luồng gió mới cho sân khấu. Song có vẻ loại hình sân khấu này vẫn chưa đến được với "sân khấu chuyên nghiệp", thực tế là vẫn thiếu vắng trong "Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc" 2012 đang diễn ra tại TP Huế. Chắc lại phải chờ cho đến "Liên hoan sân khấu thử nghiệm"...?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mảnh sân nhiều hấp lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.