(HNM) - Trong bối cảnh các nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ dành cho giao thông ngày càng hạn chế thì mô hình hợp tác công - tư (PPP) đang được kỳ vọng sẽ mang tới những nguồn lực to lớn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thực tế cho thấy, các nhà đầu tư cũng đang rất quan tâm đến mô hình này khi có hàng trăm doanh nghiệp (DN) đăng ký tham gia vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Bộ GT-VT…
Hàng trăm nhà đầu tư đăng ký tham gia
Theo báo cáo của Ban Quản lý (BQL) đầu tư các dự án PPP (Bộ GT-VT), Bộ GT-VT đang nghiên cứu triển khai 50 dự án theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 160.000 tỷ đồng, trong đó có 37 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ, 6 dự án thuộc lĩnh vực hàng không, 3 dự án đường thủy nội địa, 3 dự án đường sắt và 1 dự án hàng hải. Dự kiến, trong quý II-2015 có thể khởi công 8 dự án với tổng mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Danh Huy - Trưởng BQL các dự án PPP cho biết, qua thống kê có hơn 100 DN đăng ký tham gia thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa thông qua phương thức này. Trong đó, hấp dẫn nhà đầu tư nhất chính là lĩnh vực đường bộ khi tất cả các dự án cao tốc được Bộ GT-VT nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư theo hình thức PPP đều đã có nhà đầu tư bày tỏ mong muốn tham gia khi được cấp thẩm quyền phê duyệt. Điển hình là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có chiều dài 63,5km dự kiến khởi công trong tháng 4-2015, với tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng hiện có 6 DN đăng ký tham gia làm liên danh nhà đầu tư, gồm các công ty: Cổ phần Đầu tư UDIC, SCIC, Phương Thành, 468, cổ phần Giao thông 1 và TNHH Xây dựng Mỹ Đà. Dự án cao tốc Nghi Sơn - Bãi Vọt ở miền Trung với mức đầu tư 20.600 tỷ đồng có 7 nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện gồm: Cienco 4 - Tuấn Lộc - Sông Đà, Licogi, Công ty TNHH Trung Nam, VEC, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Trung Dung, Công ty cổ phần Xây dựng Tân Nam. Tại khu vực phía Nam, các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Mỹ Thuận - Cần Thơ… cũng đều có các nhà đầu tư xin tham gia theo hình thức PPP.
Không chỉ đăng ký tham gia vào các dự án mà Bộ GT-VT đang nghiên cứu, nhiều nhà đầu tư còn chủ động đề xuất với Bộ GT-VT một số dự án mới để thực hiện đầu tư như: Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả đề xuất dự án mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân (tổng mức đầu tư 6.300 tỷ đồng), hay Tổng công ty Sông Đà với dự án mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Ngang (tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng)…
Nâng cao hiệu quả đầu tư
Theo các chuyên gia, việc thực hiện thành công mô hình PPP không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn thu hút công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiệu quả của khu vực tư nhân, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước. Hạ tầng giao thông chính là "mảnh đất" màu mỡ nhất để hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Lãnh đạo Bộ GT-VT nhận định, cơ chế hợp tác PPP sẽ thu hút được nguồn vốn thương mại và các nguồn vốn khác do nhà đầu tư tư nhân huy động cho các dự án PPP, qua đó nâng cao được hiệu quả đầu tư, kiểm soát được nợ công trong hạn mức an toàn.
Nhằm quyết tâm thực hiện thành công chủ trương này, tại cuộc họp ngày 6-4, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng nhấn mạnh, các BQL dự án phải nắm rõ và bám sát tình hình các dự án chuẩn bị đầu tư bằng hình thức PPP, đồng thời chủ động đề xuất các dự án mới có tính khả thi cao để thực hiện. Bây giờ, BQL nào còn tư duy chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước sẽ bị đào thải. Sắp tới, Bộ GT-VT sẽ thực hiện cơ chế "khoán" cho từng Thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực trong việc tìm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đối với những dự án trước đây sử dụng vốn ngân sách, nhưng bị dừng hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn, BQL các dự án PPP cần nghiên cứu để chuyển sang thực hiện bằng hình thức PPP theo hướng phần đã đầu tư rồi, chuyển thành vốn nhà nước góp, còn phần xây dựng thêm sẽ giao nhà đầu tư thực hiện. Tất cả các dự án chuyển từ vốn ngân sách sang PPP phải thực hiện ngay chứ không phụ thuộc vào việc quyết toán.
Trong số 8 dự án Bộ GT-VT dự kiến khởi công vào quý II-2015, đáng chú ý có dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là dự án thí điểm đầu tư theo hình thức PPP với tổng chi phí xây dựng khoảng 750 triệu USD. Tuyến đường sẽ kết nối tỉnh Ðồng Nai với tỉnh Bình Thuận, có chiều dài 98,7km, quy mô 4 làn xe và sẽ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.