Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh ai nấy lo

Trà My| 13/04/2012 06:36

(HNM) - Ươm tạo công nghệ (ƯTCN) là hoạt động nuôi dưỡng các ý tưởng, giải pháp và chuyển hóa các sáng kiến đó thành hoạt động công nghệ có khả năng thương mại hóa. Thuật ngữ ấy không quá xa lạ với giảng viên, sinh viên khối các trường ĐH công nghệ, kỹ thuật nước ngoài nhưng ở Việt Nam, vấn đề này hầu như còn bỏ ngỏ.


TOPIO Ping Pong 3.0 là robot đầu tiên do Công ty CP robot Tosy Việt Nam nghiên cứu và chế tạo thành công, tham gia triển lãm tiêu dùng (CES 2012) tại Mỹ.

Cũ người mới ta

Theo Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ - KHCN (Bộ KHCN), trên thế giới hiện có khoảng 4.000 "vườn ươm" công nghệ. Một số nước trong khu vực đạt được những bước tiến quan trọng về trình độ phát triển kinh tế dựa trên thành công của hệ thống tiếp thu, ươm tạo và thương mại hóa công nghệ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore. Các nước Thái Lan, Philippines, Indonesia cũng đang có những chính sách đầu tư mạnh mẽ cho ươm tạo công nghệ tại các ĐH, viện nghiên cứu và khu vực doanh nghiệp. Hàn Quốc đã có chiến lược ƯTCN từ những năm 1970 và rất thành công trong lĩnh vực này. Nước này hiện có khoảng 300 đơn vị "ươm tạo" đang hoạt động, đóng góp nguồn lực, sáng tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ thúc đẩy sự tăng trưởng GDP của Hàn Quốc.

ƯTCN ở nước ta chỉ thực sự được quan tâm trong khoảng 10 năm trở lại đây. Từ năm 2005, đã hình thành và phát triển một số mô hình ƯTCN và doanh nghiệp KHCN do ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Khu Công nghệ phần mềm Quang Trung, Tập đoàn FPT... khởi xướng. Đến thời điểm này, cả nước có khoảng 47 cơ sở đang tổ chức hoạt động ƯTCN. "Tuy nhiên, số lượng các "vườn ươm" hầu như không tăng trong những năm gần đây và kết quả hoạt động rất khiêm tốn. Một số "vườn ươm" thực chất không còn hoạt động do không còn nguồn kinh phí hỗ trợ từ nhiều phía" - ông Phạm Văn Diễn, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN thừa nhận.

Trong khi đó, nhờ khả năng "tự bơi" của một số cá nhân sau các cuộc thi như: Trí tuệ Việt Nam, Nhân tài Đất Việt, Robocon... sản phẩm công nghệ của nhiều nhóm nghiên cứu trẻ đã có chỗ đứng trên thị trường như VinaGame, TOSY... Ngoài ra, không ít doanh nghiệp KHCN được khởi nghiệp từ những ý tưởng công nghệ táo bạo. Cụ thể như: Công ty cổ phần Dịch vụ thông tin (Naiscorp) thành lập tháng 7-2006 với số vốn khởi điểm là 25 triệu đồng, phát triển từ đề tài nghiên cứu khoa học về "Công cụ tìm kiếm tiếng Việt". Tháng 11-2006, Google định giá Naiscorp là 25 triệu USD. Tháng 6-2011, một số hãng công nghệ nước ngoài định giá Naiscorp là khoảng 80-95 triệu USD. Hoặc Công ty UpAnh thành lập năm 2009 từ đề tài Hệ thống chia sẻ dữ liệu hình ảnh trên website của sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (www.UpAnh.com). Hiện nay, CyberAgent (Nhật Bản) và Tập đoàn SofBank định giá 6 triệu USD cho doanh nghiệp này.

Còn nhiều rào cản

Ông Phạm Văn Diễn cho biết thêm, việc ƯTCN ở nước ta đang đứng trước không ít thách thức. Trước hết, nhận thức chung về vấn đề này còn thấp. Qua khảo sát lấy ý kiến của các nhà khoa học thì chỉ có 86% người được hỏi trả lời có nghe nói về hoạt động ươm tạo nhưng không hiểu rõ quy trình ƯTCN như thế nào; 14% không hiểu gì về việc này. ƯTCN cũng gặp "rào cản" là khả năng kết nối với các nguồn tài chính. Tác giả các ý tưởng công nghệ thường thiếu kiến thức kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, thiếu vốn... Điều này dẫn đến ngày càng nhiều ý tưởng khoa học, sáng chế phải "bán lúa non" cho một số tư nhân, tổ chức kinh tế của nước ngoài.

Theo TS Mai Thanh Phong, Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp Bách khoa (ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh), TP Hồ Chí Minh có 5 "vườn ươm", khá khiêm tốn so với nguồn lực của TP, nhưng phần lớn chủ doanh nghiệp lại là giảng viên trẻ kiêm nhiệm, chất doanh nhân chưa cao, cộng thêm nguồn hỗ trợ hiện nay từ Nhà nước chưa sát thực tế. Các "vườn ươm" và chính các công ty hoạt động tại đây phải tự lực cánh sinh là chính.

Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BK Holdings thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần phải có chương trình phát triển hệ thống ƯTCN mang tầm cỡ quốc gia. Chương trình này phải nhằm mục đích nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của hệ thống ƯTCN, từ đó nâng cao chất lượng nghiên cứu KHCN; giúp tỷ lệ thành công của các doanh nghiệp sau ươm tạo cao hơn, đồng thời thúc đẩy tinh thần lập nghiệp cho sinh viên và tăng nguồn thu ngân sách.

Thời gian gần đây, suy thoái kinh tế khiến nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng nếu không lấy nền tảng làm chủ công nghệ là mũi nhọn phát triển thì nguy cơ chỉ là "người bán hàng" cho các tập đoàn đa quốc gia, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ngoài ra, sự vào cuộc của những quỹ đầu tư mạo hiểm, tiêu biểu là IDG Ventures cho thấy "cuộc chiến" chiếm lĩnh các ý tưởng công nghệ mới nếu không được quan tâm sẽ rất dễ rơi vào tay nước ngoài.

Vì thế, những FPT, Viettel... đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua lập viện nghiên cứu, trung tâm KHCN tuy muộn còn hơn không.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạnh ai nấy lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.