Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạng xã hội - ''Vũ khí'' chống dịch hiệu quả

Dung - Dương| 17/06/2021 06:11

(HNM) - Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các lực lượng phòng, chống dịch đã tận dụng thế mạnh của mạng xã hội qua các nhóm Zalo, Viber... để làm “vũ khí” chống dịch. Với tính phổ biến, thông tin nhanh, kịp thời, huy động được sức mạnh của cộng đồng, "vũ khí" này mang lại hiệu quả cao trong cuộc chiến với “giặc” Covid-19.

Người dân quận Thanh Xuân tìm hiểu thông tin về tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội Zalo. Ảnh: Ngân Thùy

Những “giao liên” thời bình

Câu chuyện về sử dụng mạng xã hội như Zalo, Viber để phòng, chống dịch hiện đã không còn xa lạ và đã trở thành công cụ đắc lực ở nhiều khu dân cư. 

Tổ trưởng tổ dân phố số 10, phường Liễu Giai (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Thúy cho biết, tổ có hơn 400 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu nên việc tuyên truyền phòng, chống dịch sẽ rất khó khăn, vất vả nếu không có các nhóm Zalo liên gia đình, liên dãy nhà, liên ngõ. Hiện tổ có 9 nhóm Zalo, mỗi nhóm có từ 60 đến 80 thành viên, Zalo đã trở thành bảng tin di động để các thành viên nắm bắt thông tin về dịch một cách nhanh nhất. Còn theo bà Đỗ Thị Thanh (cũng ở tổ dân số 10), Zalo của tổ dân phố như "giao liên" thời bình, đi qua từng ngõ, vượt qua cổng mỗi nhà và đến tận từng người. Chả thế mà ngay sau khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội kêu gọi ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 5 vừa qua, tổ dân phố số 10 đã vận động trên mạng Zalo. Chỉ sau 36 tiếng, các thành viên trên nhóm Zalo của tổ đã xác nhận sẽ đóng góp 66,5 triệu đồng. 

Việc tuyên truyền qua Zalo cũng rất hiệu quả tại khu dân cư số 14 phường Phú Thượng (quận Tây Hồ). Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động ủng hộ Quỹ Vắc xin phòng, chống Covid-19, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư 14 phường Phú Thượng Phạm Hồng Chuyên thay mặt ban đã kêu gọi sự ủng hộ của người dân trên Zalo. Và đến nay, các hộ dân đã ủng hộ 251 triệu đồng cho Quỹ Vắc xin phòng chống Covid-19 của phường, quận và thành phố; 165 triệu đồng để ủng hộ cho Bệnh viện K cơ sở Tân Triều và tâm dịch Bắc Giang. 

Cũng tận dụng lợi thế từ Zalo, bà Trần Thị Lệ, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng tổ dân phố Nguyên Xá 1, phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, phường Minh Khai có nhiều nhà trọ cho thuê nên tổ dân phố đã lập các nhóm Zalo để khuyến khích, tuyên truyền người thuê trọ trả tiền thuê nhà hằng tháng thông qua giao dịch chuyển khoản ngân hàng để hạn chế giao tiếp trực tiếp, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch. 

Qua mạng xã hội Zalo, tổ dân phố số 10 phường Liễu Giai (quận Ba Đình) đã vận động nhân dân đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được 66,5 triệu đồng.

Khẳng định tính thiết thực, hữu ích

Theo Bí thư Đảng ủy phường Trung Sơn Trầm (thị xã Sơn Tây) Dương Thị Thanh, phường thành lập Zalo nhóm Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, mỗi tổ dân phố lại thành lập một nhóm Zalo để tiếp nhận, kịp thời triển khai những thông tin, chỉ đạo mới liên quan đến phòng, chống dịch. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố số 8 (phường Trung Sơn Trầm) Trần Thị Chức cho biết, tổ dân phố có 6 hộ gia đình ở phố Sơn Lộc phải thực hiện cách ly y tế. Ban đầu, các hộ dân rất hoang mang, lo lắng bởi phải ở trong nhà, không được phép ra ngoài trong 21 ngày. Tuy nhiên, nhờ sử dụng mạng xã hội Zalo nên nhiều khó khăn đã được giải quyết. Các hộ gia đình không chỉ nhận được “chi viện” từ người thân xung quanh mà còn nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ, khiến cuộc sống trong những ngày thực hiện cách ly bớt phần tẻ nhạt... 

Trong khi đó, tại huyện Đông Anh, thông qua các nhóm Zalo, UBND huyện đã đẩy nhanh được tiến độ lập các chốt kiểm tra y tế tại 100% xã, thị trấn. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, nhờ sự lan tỏa thông tin trên các nhóm Zalo mà trong chiều 11-6 đã có 2.500 người dân tại tổ 19, 20 thị trấn Đông Anh và các trường hợp có liên quan tiếp nhận được thông tin, đến Trung tâm Y tế huyện lấy mẫu xét nghiệm giúp thần tốc điều tra, truy vết, không bỏ lọt ca bệnh ra cộng đồng.

Sử dụng các mạng xã hội đã mang lại hiệu quả thiết thực, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long nhấn mạnh, việc kết nối thông tin qua nhóm Viber, Zalo để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch gần như là bắt buộc đối với các lực lượng làm nhiệm vụ. Có những tình huống phức tạp, cần xử lý khoanh vùng, truy vết hay tổ chức cách ly, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận đều chỉ đạo trực tiếp các phường liên quan trên Zalo hoặc Viber để nhanh chóng triển khai.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái cho biết, UBND quận tăng cường đăng tải thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch lên Cổng thông tin điện tử quận, phường, mạng xã hội Zalo, Viber. Bên cạnh đó, quận còn đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng phòng, chống dịch trên môi trường mạng để giúp người dân tự giác, nâng cao ý thức về phòng, chống dịch. 

Rõ ràng, việc ứng dụng công nghệ thông tin để phòng dịch đã mang lại những hiệu quả rất lớn. Với tính thiết thực này, các địa phương, khu dân cư cần sử dụng hiệu quả hơn nữa các trang thông tin điện tử của địa phương, các nhóm mạng xã hội để chuyển tải thông tin nhanh, kịp thời đến người dân; qua đó huy động được sức mạnh của cả cộng đồng vào thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạng xã hội - ''Vũ khí'' chống dịch hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.