Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang ''vũ khí phòng thân'' khi ra đường là vi phạm pháp luật

Ngọc Anh| 29/10/2022 07:25

(HNMO) - Thời gian qua, Công an thành phố Đà Nẵng trong quá trình tuần tra, phát hiện nhiều thanh niên ra đường mang theo công cụ hỗ trợ với lý do “phòng thân”. Vậy những loại “vũ khí” nào được và không được mang theo người?

 Lực lượng 911 Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện hai thanh niên mang theo dao nhọn khi ra đường. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, các tổ chông tác 911 Công an thành phố và lực lượng tuần tra của dân phòng, công an cơ sở thời gian qua đã phát hiện nhiều trường hợp thanh, thiếu niên ra đường mang theo công cụ hỗ trợ như gậy ba trắc, súng bắn đạn cao su, đèn pin kết hợp roi điện, thậm chí cả dao nhọn.

Khi bị kiểm tra, có một số trường hợp người dân thắc mắc: “Tôi mang theo để phòng thân, tại sao lại bị ngăn cấm”. Nhiều người còn chất vấn trực tiếp công an: “Mang loại vũ khí nào theo người để tự vệ phòng thân là hợp pháp? Cá nhân được sở hữu những loại vũ khí nào và sử dụng thế nào?”.

Từ thực tế trên, Công an thành phố Đà Nẵng có khuyến cáo như sau: Ai cũng có quyền được tự vệ, trong bối cảnh một số hiện tượng trộm cắp, cướp giật, chiếm đoạt tài sản… đang có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, về “vũ khí phòng thân”, khoản 1 điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và dụng cụ hỗ trợ năm 2017 đã quy định rõ.

Theo đó, vũ khí chính là phương tiện, trang thiết bị được chế tạo, sản xuất ra có khả năng mang lại nguy hiểm, gây sát thương cho tính mạng, sức khỏe con người hay phá vỡ cơ sở vật chất hạ tầng nghiêm trọng. Người dân khi ra đường không được phép mang theo và sử dụng các loại vũ khí này. Vũ khí được chia làm 5 loại:

Một là vũ khí quân dụng: Được sản xuất, trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bảo vệ đất nước, gồm súng cầm tay (súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên…), vũ khí hạng nặng (máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa…), bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, đạn sử dụng cho các loại vũ khí khác.

Hai là súng săn: Dùng để săn bắn, gồm súng kíp, súng hơi, đạn sử dụng cho nó.

Ba là vũ khí thô sơ: Đây là loại vũ khí có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, được sản xuất với khả năng sát thương so với vũ khí quân dụng là thấp hơn, sự ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hạ tầng cơ sở hầu như không có, mà chỉ ảnh hưởng tới tính mạng con người nếu sử dụng sai mục đích. Vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.

Bốn là vũ khí thể thao: Đây là loại vũ khí dùng trong hoạt động thi đấu, luyện tập thể thao như súng trường hơi, súng thể thao, súng bắn đĩa bay, súng ngắn hơi….

Năm là vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự: Loại vũ khí sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật hợp pháp nào, nó có khả năng gây ảnh hưởng tới con người, cơ sở vật chất tương tự như các loại vũ khí khác.

Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về hành vi bị nghiêm cấm, đó là cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo (như dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu…).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mang ''vũ khí phòng thân'' khi ra đường là vi phạm pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.