Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mảng tối trong giới showbiz và trách nhiệm của truyền thông

Lê Hoàng Anh| 18/06/2012 06:50

(HNM) - Những ngày qua, chuyện lùm xùm của một số hoa khôi, người mẫu, ca sĩ, diễn viên… đã khiến dư luận bức xúc và giới truyền thông tốn không ít giấy mực.


Tất nhiên những hành vi vi phạm pháp luật đang được các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý, nhưng sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội tới đề tài này là một vấn đề rất đáng phải suy nghĩ, bởi đó không đơn giản chỉ là chuyện tật xấu của một vài người trong giới này mà là đạo đức của một bộ phận những "người của công chúng" hiện nay đang có vấn đề.

Cách đây không lâu, dư luận thực sự choáng trước phát biểu của một người mẫu từng được khá nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ: "Yêu mà không có tiền thì cạp đất mà ăn?"; "…tôi còn phải chừa một phương để lấy chồng"... Có những hoa khôi từng giành giải "ứng xử hay nhất" trong một cuộc thi, khi bung ra những bộ ảnh theo kiểu "thịt da nhiều hơn quần áo" đã chất vấn lại dư luận xã hội: "Tôi có khuôn mặt đẹp, thân hình chuẩn thì tại sao tôi phải giấu giếm?" hay "nếu tôi tìm đại gia để thương yêu có gì là xấu, tại sao chúng tôi phải yêu người nghèo thì mới là người tốt?"… Đây không phải là sự lỡ lời mà là sự khẳng định một quan niệm sống. Đáng buồn khi lối sống thực dụng, thậm chí chấp nhận làm thân tầm gửi để thỏa mãn các nhu cầu về vật chất như kiểu "cho gì, lấy đó", "có bán, có mua" không chỉ còn là cá biệt.

Không chỉ có những phát ngôn gây sốc, chuyện tạo scandal, khoe da thịt, giành giật sô diễn… đã xảy ra như cơm bữa. Xâu chuỗi lại để thấy, giới showbiz Việt đã lộ ra không ít mảng tối và việc hàng loạt những vi phạm pháp luật xảy ra mà đỉnh điểm là nhiều người mẫu, diễn viên vừa bị lực lượng chức năng phát hiện, đưa ra ánh sáng khi tham gia vào những đường dây mại dâm, gái gọi… là một kết cục tất yếu. Sau những vụ việc lại càng đáng buồn hơn khi có một số người trong giới đã tranh thủ cơ hội để "nổ", nhằm tự đánh bóng mình bằng cách giẫm đạp lên nỗi đau và sự tủi nhục của đồng nghiệp. Thậm chí có người không ngần ngại bày tỏ thái độ vui mừng, hả hê hoặc trên báo chí, hoặc qua các trang mạng cá nhân, kiểu như "tôi đợi đã 3 năm qua để có được niềm vui này". Những cách sống đó khiến người có lương tâm không khỏi ớn lạnh!

Điều dễ nhận thấy hiện nay là có một bộ phận trong giới người mẫu, ca sĩ, diễn viên… có phông văn hóa và trình độ kiến thức không những dưới chuẩn mà là hoàn toàn lệch chuẩn. Số liệu do Bộ VH,TT&DL công bố làm cho nhiều người phải suy nghĩ: Chỉ có khoảng 20% số người mẫu có trình độ từ lớp 12 trở lên. Nhìn lại, với nhiều người có thể thấy cái "danh" đã đến quá dễ dãi từ… hình thể chứ không phải bằng trí tuệ. Đó là hậu quả của sự thiếu quy chuẩn, kỹ lưỡng trong sàng lọc khi xuất hiện quá nhiều cuộc thi người đẹp, rồi nhu cầu tuyển chọn diễn viên, người mẫu ngày càng lớn để đáp ứng cho việc sản xuất phim theo kiểu "đẻ" sòn sòn hay giới thiệu mặt hàng mới, sản phẩm mới của các hãng, doanh nghiệp. Vậy là sau một đêm, những con vịt xấu xí có thể được phù phép thành những con thiên nga. Sự nổi tiếng một cách dễ dãi do nhu cầu của đời sống xã hội về vẻ đẹp hình thể đã lấn át vẻ đẹp trí tuệ. Và điều đó đã giúp cho nhiều người nổi tiếng nhanh chóng, khiến họ không còn cơ hội hoặc tự thấy không cần thiết phải nhìn nhận, đánh giá lại bản thân. Nhiều trường hợp thành "danh" (khái niệm "danh" ở đây hoàn toàn khác "danh" theo quan niệm truyền thống đúng nghĩa) mà chưa thành "nhân". Nói một cách khác, dưới vỏ bọc hoàn hảo của hình thể, dưới hào quang lóa mắt của sự nổi tiếng là những khuyết tật của tư duy, tri thức, tâm hồn. Dư luận xã hội quá bức xúc nên đã gắn cho các cô gái có nhiều scandal những cụm từ như "chân dài, óc ngắn", "người đẹp não phẳng", "hoa hậu ao làng"… Thật buồn, khi họ không lấy đó là điều cần phải suy nghĩ, cần phải tu thân để rèn luyện, trưởng thành sau những lần vấp ngã. Dường như "cái tôi" và bản năng cá nhân đã cung cấp cho họ thứ thuốc "miễn dịch" đối với xã hội, với cộng đồng.

Ở một khía cạnh khác, PGS-TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái, giảng viên Khoa Báo chí, Trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận: "Chuyện tiêu chuẩn đạo đức của giới nghệ sĩ mà còn phải quy định thì thực sự không còn gì để nói" (ý nói về những quy định của cơ quan chức năng về việc cấm ăn mặc hở hang, phản cảm, thậm chí đến quần sooc cũng phải có quy định tối thiểu là ngắn… bao nhiêu centimet). Đạo đức nghề nghiệp là yếu tố buộc phải có trong mọi công việc. Riêng đối với bất cứ lĩnh vực nào của nghệ thuật, đạo đức nghề nghiệp lại có những yêu cầu cao và khắt khe hơn bởi đó là người của công chúng, thậm chí còn là thần tượng của một bộ phận trong xã hội. Vậy nên, cách ứng xử, lối sống, phát ngôn, hành động… của họ có ảnh hưởng rất lớn tới cộng đồng. Và tất cả những điều đó đều nằm trong phạm trù đạo đức. Một số người thuộc giới nghệ sĩ hiện nay đang có những lệch lạc trong quan niệm về cuộc sống, họ bất chấp những quy tắc thuộc phạm trù đạo đức, sẵn sàng "đi tắt, đón đầu" để thỏa mãn những nhu cầu, ham muốn của bản thân. Lối sống thực dụng, ma lực của đồng tiền đã khiến họ mờ mắt, vượt qua mọi ranh giới của phạm trù đạo đức.

Lại có những vấn đề không thuộc chủ thể là những người mẫu, ca sĩ, diễn viên… nhưng đã tác động trực tiếp và tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ trong xã hội.

Trước hết đó là nhu cầu của xã hội về vẻ đẹp của hình thể, thậm chí là sự tò mò của nhiều người về những phần đáng che kín của cơ thể, là mảnh đất màu mỡ cho những kiểu "người của công chúng" lệch lạc. Thế nhưng rồi chính xã hội lại quay ra mắng xối xả… "sản phẩm" của mình! Nhu cầu đời sống xã hội đẻ ra một kiểu quan niệm sống thực dụng, lấy cái đẹp hình thể lấn át cái đẹp trí tuệ, lấy cái bạo liệt lấn át chiều sâu văn hóa, thì cũng chính đời sống xã hội cũng phê phán "con đẻ" của mình. Dường như là mâu thuẫn, nhưng không phải, đó là tính hai mặt của một vấn đề.

Thứ hai, sự "quan tâm" thái quá trong thời gian qua của truyền thông đối với giới người mẫu, ca sĩ, diễn viên có scandal… đang báo động về lệch chuẩn trong ngay chính truyền thông! Những thông tin, hình ảnh từ sinh hoạt, sở thích, trang bị cá nhân… đến chuyện riêng tư, chuyện hậu trường nhạy cảm luôn làm nóng các phương tiện truyền thông và được cập nhật hàng ngày, hàng giờ. Nếu như tra từ công cụ tìm kiếm Google cụm từ về các vụ việc bán dâm giá hàng nghìn đôla của một số người mẫu vừa bị các lực lượng chức năng phát hiện, chỉ một tích tắc đã có khoảng 8-9 triệu kết quả. Thông tin, hình ảnh vụ việc ở mọi góc độ được các phương tiện truyền thông tận dụng khai thác triệt để, thậm chí còn là đề tài hot để nhiều tờ báo trưng lên trang nhất hoặc thực hiện những loạt bài dài kỳ. Thật buồn khi có cảm giác những scandal này chính là cơ hội làm ăn đối với một số cơ quan truyền thông để tăng lượng người truy cập hoặc số lượng phát hành. Về hình thức, có vẻ như các cơ quan truyền thông lên án những vụ việc vi phạm đạo đức của một bộ phận trong giới người đẹp, nhưng về bản chất truyền thông đang góp phần vào những bê bối gần đây của giới showbiz gia tăng, hình thành trong con mắt người dân rằng, xã hội chúng ta chỉ có màu đen tối, những da thịt, những hở hang đồ lót, những chuyện thầm kín phòng the… Vì với con người, khi đã quá quen với những thứ bẩn thì người ta không cảm thấy bẩn nữa?

Một trong những vai trò quan trọng của truyền thông là định hướng dư luận xã hội, góp phần điều chỉnh hành vi, nhằm làm thay đổi thái độ, nhận thức và hành động của các nhóm người, hướng tới mục đích lành mạnh hóa đời sống xã hội, phục vụ quá trình phát triển. Để thực hiện vai trò đó, khi đứng trước những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, bên cạnh trách nhiệm thông tin kịp thời, nhà báo và cơ quan báo chí phải đặt trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội lên trên; tức là trăn trở, tìm hiểu và lý giải vấn đề một cách thấu đáo với cái nhìn sắc nét, biện chứng. Từ đó, nhà báo giúp dư luận có những suy nghĩ, tình cảm, hành động đúng để bảo vệ cái tốt, cái tiến bộ, đấu tranh với cái xấu, cái ác. Áp những lý thuyết, nguyên tắc này vào thực trạng như đã nêu ở trên có thể thấy rằng, nhiều cơ quan truyền thông chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của báo chí, nhất là vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng, với chức năng định hướng, dẫn đường, giáo dục cái đẹp cho công chúng.

Kinh tế thị trường và xu thế toàn cầu hóa là một thực thể khách quan, tất yếu đối với thời đại, có tác động nhiều chiều đối với sự phát triển của xã hội, không chỉ trên lĩnh vực sản xuất vật chất, mà cả lĩnh vực sản xuất tinh thần. Có thể thấy, trong khi chúng ta chưa tập trung phát huy những khía cạnh tích cực mà kinh tế thị trường và toàn cầu hóa có thể mang lại thì chúng ta lại phản ứng khá chậm với mặt trái của nó, những ảnh hưởng tiêu cực tới đạo đức và lối sống trong xã hội. Để có một xã hội phát triển bền vững, song song với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất còn cần phải có một nền tảng văn hóa bền vững, trong đó đạo đức và lối sống là những thành tố cơ bản. Khi con người quan tâm nhiều hơn tới lợi ích của cộng đồng, đến đạo lý làm người, đến các phạm trù lẽ phải, tình thương, trách nhiệm… thì lối sống vị kỷ, đặt lợi ích vật chất cùng những nhu cầu, ham muốn của cá nhân lên hàng đầu sẽ bị co hẹp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mảng tối trong giới showbiz và trách nhiệm của truyền thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.