(HNM) - Trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, đã có nhiều nền tảng số phục vụ cộng đồng được đưa vào sử dụng hiệu quả. Đặc biệt, nhiều ứng dụng triển khai đã đáp ứng yêu cầu thực hiện những nhiệm vụ cấp bách như phòng, chống dịch Covid-19, khám chữa bệnh từ xa, dạy học trực tuyến...
Đáng chú ý, nhiều nền tảng số do các doanh nghiệp trong nước xây dựng, phát triển đã mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, người dân. Việc này không chỉ đánh giá được năng lực thích ứng, làm chủ công nghệ của bản thân cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong chuyển đổi số, về lâu dài còn nâng cao chất lượng các mặt công tác và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhìn tổng thể, việc phát triển các nền tảng số và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống đã, đang thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số, từ đó góp phần không nhỏ vào mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số. Tuy vậy, xét thực tế hiện nay cho thấy, dư địa của chuyển đổi số còn rất lớn, nếu khai thác tốt sẽ là một trong những động lực cho tăng trưởng kinh tế, xây dựng thành phố thông minh, mở rộng các tiện ích giúp nâng cao chất lượng sống của người dân.
Để "rộng đường" cho chuyển đổi số phát triển trong bối cảnh đây là một xu hướng mới ở Việt Nam, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phải xác định nhận thức đóng vai trò quan trọng và phải đi trước một bước trong việc chuyển đổi các lĩnh vực từ không gian truyền thống lên không gian mạng. Cụ thể, cần xây dựng các chương trình đào tạo hỗ trợ chuyển đổi số, đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, đào tạo, tư vấn về chuyển đổi số cho cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp. Phải làm thế nào để thấy được tính cấp thiết của chuyển đổi số trong xã hội, làm lan truyền từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng bằng những câu chuyện có tính thuyết phục.
Một yếu tố hết sức thuận lợi hiện nay là 33 nền tảng công nghệ phục vụ chuyển đổi số đã ra mắt đều do doanh nghiệp trong nước phát triển - “Make in Vietnam”. Điều này mang lại lợi ích rất lớn bởi nền tảng số phát triển trong nước sẽ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thói quen sử dụng của người Việt Nam - yếu tố cốt lõi thu hút được người dùng. Về lâu dài, đây là giải pháp hàng đầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số một cách an toàn và hiệu quả.
Cũng liên quan đến vấn đề này, để phát triển nền tảng số phục vụ chuyển đổi số cần lựa chọn những nền tảng gốc, cơ bản và vấn đề được xã hội quan tâm để thực hiện trước. Đó có thể là liên quan đến các lĩnh vực có tác động lớn đến kinh tế - xã hội của đất nước như y tế, giáo dục, quản trị doanh nghiệp, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến...
Về mặt kỹ thuật, cần tạo ra các ứng dụng thân thiện, dễ sử dụng với số đông người dùng. Phải làm sao để ứng dụng "sống" được trong xã hội và mang lại nhiều giá trị hữu ích cho cộng đồng. Bản thân doanh nghiệp tham gia phát triển nền tảng số cần có hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin hoàn chỉnh, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Đồng thời, xây dựng một đội ngũ nhân lực có năng lực, trình độ, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong chuyển đổi số - vốn luôn có sự thay đổi hằng ngày, hằng giờ.
Người dùng nền tảng số cũng cần trang bị các kiến thức cần thiết, vừa phục vụ bản thân, vừa giúp người khác cùng sử dụng hiệu quả. Việc này sẽ tạo tính lan tỏa cho các nền tảng số, mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng và hướng tới xây dựng một xã hội số.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.