(HNMO) - Sáng 7-4, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển”. Sự kiện nhằm tìm kiếm sáng kiến, giải pháp khơi nguồn sáng tạo trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghề thủ công truyền thống; tôn vinh, quảng bá tinh hoa làng nghề, từ đó đóng góp tích cực cho quá trình phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng, củng cố thương hiệu “Thành phố sáng tạo” cho Thủ đô Hà Nội.
Đặc trưng của Thăng Long - Hà Nội
Khu phố cổ Hà Nội hay còn gọi là khu “36 phố phường” nằm trên địa bàn 10 phường của quận Hoàn Kiếm, là quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Từ thuở được chọn là kinh đô đất nước hơn một ngàn năm trước, nơi đây đã mang trong mình những đặc trưng nổi bật, hiếm nơi nào có được. Một trong số đó chính là tính chất “làng nghề - phố nghề”, đặc trưng đem lại sự phồn vinh cho Kinh kỳ - Kẻ Chợ năm xưa, nguồn lực văn hóa dồi dào cho Hà Nội hôm nay.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết: Hoàn Kiếm là phần “thị” của kinh thành Thăng Long, nơi hội tụ nhân tài bách nghệ, mà đến giờ dấu ấn đó vẫn còn đậm nét trên từng con đường, tuyến phố, trở thành một phần quan trọng, không thể tách rời trong sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận nói riêng. “Nghề thủ công truyền thống trên địa bàn đang cần sự kết nối và tiếp sức để mỗi sản phẩm luôn chứa đựng những thông điệp sáng tạo từ nền tảng di sản, nơi lưu giữ ký ức và là sứ giả cho hoạt động giao lưu văn hóa”, ông Phạm Tuấn Long nói.
Tọa đàm “Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” thu hút hơn 30 tham luận và ý kiến thảo luận đóng góp của nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cơ sở, đại diện các hiệp hội làng nghề, thủ công mỹ nghệ, cùng đông đảo nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà thiết kế sáng tạo…
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trần Quốc Hoàn, ngành nghề thủ công truyền thống thời gian qua đứng trước rất nhiều thách thức, như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu; thiếu nguồn nhân lực kế thừa; nguồn nguyên liệu thiếu và giá thành cao, thị trường tiêu thụ hạn chế… Phố nghề, nghề trên phố cổ, các sản phẩm kinh doanh, du lịch của quận cũng không đứng ngoài các vấn đề này.
Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Quang Cường nêu: “Bên cạnh những giá trị nghề truyền thống, các tuyến phố chuyên doanh chứa đựng nhiều tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng về bảo tồn và phát huy giá trị khu “36 phố phường”. Tuy nhiên, những ảnh hưởng từ quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố, thể hiện rõ nhất qua số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã giảm từ 90 xuống còn 40 cửa hàng; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống 35 cửa hàng, và cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng”.
Trong khi đó, từ thực tế bảo tồn, phát huy nghề làm tranh dân gian Hàng Trống, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn cho biết: “Do những khó khăn từ việc nguồn lực kế cận còn mỏng, chính sách hỗ trợ và nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động này còn thiếu tập trung… mà các hoạt động khôi phục, phát huy giá trị dòng tranh mới dừng lại ở tính chất quảng bá, mà chưa thực sự có hoạt động về bảo tồn, khôi phục di sản mang tính bền vững”.
Khơi nguồn sáng tạo từ vốn di sản nghề truyền thống
Từ những thảo luận, trao đổi, Tọa đàm đã cho thấy nghề thủ công truyền thống của Hà Nội nói chung, trong Khu phố cổ nói riêng rất cần sự kết nối, tiếp sức của cộng đồng sáng tạo, mà đại diện tiêu biểu là các nhà đầu tư, nhà thiết kế, đội ngũ doanh nhân sáng tạo… qua đó mang đến sức sống mới, hơi thở đương đại cho các sản phẩm dựa trên nguồn vốn di sản hay nền tảng tri thức dân gian, phục vụ phát triển kinh tế đô thị nói chung; khôi phục, phát triển hoạt động các phố nghề, phố chuyên doanh trong khu phố cổ Hà Nội nói riêng.
Theo Giám đốc sáng tạo Thương hiệu “Tired city” Nguyễn Việt Nam, cần đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống, từ đó quan tâm tới nhu cầu của khách hàng khi tiếp cận một sản phẩm văn hóa. Chẳng hạn như, sản phẩm dùng làm gì, dành tặng ai, có phù hợp không, mang về thế nào, sử dụng, bảo quản ra sao và đặc biệt là câu chuyện phía sau sản phẩm chứa đựng giá trị, niềm tự hào về văn hóa dân tộc.
Đề xuất giải pháp nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đại diện Thương hiệu “Hanoia” Đinh Công Tài gợi ý xây dựng phố cổ Hà Nội trở thành “làng nghệ thuật truyền thống”, liên kết chuỗi các làng nghề, hộ kinh doanh..., tạo nên một không gian văn hóa và nghệ thuật làng nghề trải dài các mô hình trải nghiệm, từ “gallery” nghệ thuật, không gian ca phê, mua sắm đến thử nghiệm sáng tạo dựa trên những chất liệu truyền thống…
Còn theo nhà thiết kế Nguyễn Khánh Huyền, thuộc Dự án Họa sắc Việt, giải pháp khai thác tiềm năng ứng dụng nghệ thuật truyền thống lên thiết kế hiện đại chính là kết nối với các nhà thiết kế trẻ, có tư duy thẩm mỹ, phong cách đương đại, nhằm tạo nên những tác phẩm hòa quyện tinh hoa truyền thống với hơi thở nghệ thuật đương đại.
Phát biểu kết luận tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý nhấn mạnh những việc cần làm ngay, là xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, tiếp cận dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng sáng tạo thể nghiệm, thực hành những sáng tạo mới, mang lại những giá trị mới cho di sản. Tạo nguồn quỹ phục vụ bảo tồn, lưu giữ tri thức dân gian nghề truyền thống, cũng như hỗ trợ khơi nguồn thiết kế sáng tạo từ giá trị di sản. Chú trọng giáo dục di sản, trang bị kiến thức, sự hiểu biết cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ để nuôi dưỡng tình yêu, niềm tự hào dành cho di sản. Xây dựng các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với đời sống hiện đại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.