(HNM) - Những nông dân chân đất bỗng hóa thành nghệ sĩ, những câu chuyện nho nhỏ từ đời sống như uống rượu bia khi tham gia giao thông, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường… trở thành nội dung chính của các trích đoạn chèo sinh động, hấp dẫn.
Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan. Ảnh: Thu Hiền |
Phản chiếu cuộc sống
Khác với các liên hoan chuyên nghiệp, Liên hoan sân khấu Chèo không chuyên Hà Nội mở rộng 2011 không đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu mà chú trọng tới tính phong trào, ý nghĩa phản ánh cuộc sống, qua đó khơi dậy, cổ vũ, động viên nghệ thuật quần chúng phát triển. Có lẽ vì thế mà tham gia liên hoan năm nay không chỉ có các trích đoạn Chèo cổ mà còn có nhiều vở diễn mới, lấy các sự kiện thời sự làm đề tài và chất liệu. Ví như hoạt cảnh "Quán nhà bà Phúc" do đội chèo thôn La Dương, phường Dương Nội (đại diện cho quận Hà Đông) tuyên truyền nội dung Chương trình 04 của Quận ủy Hà Đông về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, không uống rượu, bia khi tham gia giao thông. Tương tự, vở diễn "Bài thơ hạnh phúc" của đội chèo Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức kể về một nữ lao công yêu nghề. Chị đã chọn nghề này trong khi bố mẹ và người thân ra sức khuyên răn vì cho rằng nghề lao công rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao. Còn quận Hoàng Mai "trình làng" vở diễn sáng tác trong dịp đại lễ với tên gọi "Tình người". Vở diễn phê phán một hộ gia đình cố tình lấn chiếm đất di tích, sau khi được cán bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền, phân tích, gia đình này đã tự nguyện trả lại đất công.
Tham gia Liên hoan sân khấu Chèo không chuyên của Thủ đô còn có tỉnh Vĩnh Phúc, Hải Dương và Thái Bình. Ông Phạm Đăng Vích, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Hải Dương cho biết: Vở diễn "Ước con trai" của tác giả Tào Mạt mà đội Hải Dương biểu diễn không phải là vở mới sáng tác nhưng nó vẫn mang tính thời sự nóng hổi.
Gặp "gánh hát gia đình"
Trong số rất nhiều nghệ sĩ chân đất đến với liên hoan, ấn tượng đặc biệt với công chúng là "gánh hát gia đình" bà Đỗ Thị Thu Chung đến từ xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ. Gia đình bà chiếm tới 8 người trong số 13 người (gồm cả dàn nhạc) biểu diễn trích đoạn chèo cổ "Phù thủy Xúy Vân". Năm nay đã 74 tuổi nhưng bà Chung vẫn vào vai Xúy Vân giả dại rất đạt, còn chồng bà, ông Nguyễn Quang Kinh, hiện là đội trưởng đội văn nghệ xã vừa là nhạc công, vừa sáng tác, đôi khi kiêm luôn đạo diễn. Bà Chung cho biết, đại gia đình bà đã gác lại công việc đồng áng thường nhật, dành thời gian luyện tập "Phù thủy Xúy Vân", gia đình bà đã, đang và sẽ nỗ lực cống hiến hết mình giúp phong trào văn hóa, văn nghệ ở cơ sở phát triển.
Nhận xét về liên hoan, NSƯT Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, thành viên BGK nói: "Liên hoan đã mang đến cho tôi nhiều bất ngờ, rất nhiều đơn vị đầu tư công phu cả về nội dung và nghệ thuật. Có những diễn viên nếu không biết trước sẽ tưởng là chuyên nghiệp, họ có khả năng cảm thụ và biểu diễn rất tốt". Còn ông Dương Minh Châu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa thành phố hy vọng qua liên hoan này, các địa phương sẽ đầu tư cả về kinh phí lẫn chuyên môn để gìn giữ nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Chèo nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.