Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mang đến cho các em nhiều cơ hội

Dung Nhi| 07/06/2016 07:02

(HNM) - Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 1.300 làng có nghề. Tại các làng nghề này, trẻ em thường được tận dụng để làm việc ở mức độ phù hợp với độ tuổi. Đây là một trong những nguy cơ khiến trẻ em rơi vào tình trạng bị bóc lột lao động, lao động quá sức...

Trẻ em có quyền được học tập, vui chơi, chăm sóc sức khỏe đầy đủ. Ảnh: Bá Hoạt


Nhằm hạn chế tình trạng lao động trẻ em, Hà Nội đang triển khai Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam", với mục tiêu đưa trẻ em ở hơn 300 làng nghề Hà Nội ra khỏi nơi làm việc.

Dự án trên được thực hiện tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, An Giang với mục tiêu ban đầu là loại bỏ lao động trẻ em ở ngành thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội; ngành dệt may và thủ công mỹ nghệ tại TP Hồ Chí Minh; ngành nông nghiệp và thủy sản tại tỉnh An Giang. Bởi những ngành nghề này có những công việc phù hợp với sức khỏe và thời gian của trẻ em trong phát triển kinh tế gia đình. Vì thế, trẻ em ở những khu vực này có nhiều nguy cơ rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động hoặc làm việc quá sức.

Riêng tại Hà Nội, ông Đặng Văn Bất, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, dự án triển khai trên địa bàn TP Hà Nội nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng lao động trẻ em, các mối nguy hiểm liên quan và các quy định của pháp luật về cấm lao động trẻ em. Thực tế, từ năm 2011 đã có nhiều dự án được thực hiện nhằm phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em ở Hà Nội như dự án loại bỏ lao động trẻ em tại phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và 2 xã Nhị Khê, Hiền Giang (huyện Thường Tín). Với các dự án này, nhiều trẻ em di cư từ các khu vực khác đến tìm việc làm xung quanh các chợ ở phường Phúc Xá đã được hỗ trợ đào tạo nghề; hàng trăm trẻ em đã thoát khỏi các hình thức lao động sớm. Riêng xã Hiền Giang có 128 hộ, chủ cơ sở sản xuất và 750 trẻ em được tập huấn. Các phụ huynh bước đầu đã thay đổi nhận thức, hành vi về quyền trẻ em.

Theo ông Đặng Văn Bất, các chương trình trên tuy bước đầu phát huy hiệu quả nhưng mới chỉ dừng lại ở hai xã, một phường. Hiện Hà Nội có hơn 40.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào tình trạng lao động trẻ em, trong đó có 13.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và thường tập trung ở những huyện nông nghiệp và làng nghề. Thống kê cũng cho thấy, hiện Hà Nội có hơn 1.300 làng có nghề và trẻ em thường được tận dụng để làm việc ở mức độ phù hợp với độ tuổi.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển về tâm lý, sức khỏe, hạn chế cơ hội đến trường và ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm bền vững trong tương lai. Ông Đặng Văn Bất cho biết, để triển khai Dự án "Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam", bước đầu Hà Nội có 21 xã của 4 huyện: Thạch Thất, Hoài Đức, Chương Mỹ và Gia Lâm được lựa chọn tham gia, trong đó có 300 làng nghề. Để dự án hoạt động hiệu quả, Hà Nội cần phải rà soát lại toàn bộ lao động trẻ em, phân tích nguyên nhân khiến trẻ em lao động sớm và nguyên nhân khiến trẻ em bỏ học. Song để làm được việc này, rất cần sự vào cuộc của các ngành, cấp liên quan, đặc biệt là từ chính quyền cơ sở.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), hiện cả nước có khoảng 600.000 trẻ em thường xuyên phải làm việc từ 42 giờ trở lên trong một tuần, khiến các em không đi học. Trong số đó, có khoảng 41,6% trẻ em tham gia hoạt động kinh tế và không đến trường hoặc đã bỏ học, đặc biệt có hơn 2% là chưa bao giờ đến trường. Nguyên nhân của thực trạng này là do kinh tế gia đình eo hẹp, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu dẫn đến trẻ phải kiếm sống trợ giúp gia đình. Nguyên nhân khác là do nhận thức của cha mẹ về vấn đề lao động trẻ em và do ý thức của các em chưa đầy đủ.

Từ nhiều năm, Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác trong cả nước luôn quyết liệt với việc phòng ngừa và xóa bỏ lao động trẻ em. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đặng Văn Bất, việc thực hiện dự án sẽ là một bước tiến mới, có thể ngăn chặn được từ gốc của vấn đề lao động trẻ em ở Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước. Với mục tiêu cụ thể, sẽ có 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia vào lao động trẻ em được hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng này; khoảng 2.000 hộ gia đình khó khăn khác cũng được hỗ trợ để cải thiện sinh kế. Một khi dự án này thành công, rất cần tiếp tục nhân rộng việc loại bỏ nguy cơ lao động trẻ em không chỉ ở khối làng nghề, may mặc hay chế biến thủy, hải sản.

Theo ước tính của Bộ LĐ-TB&XH, lao động trẻ em chiếm 10% tổng số trẻ em tham gia hoạt động kinh tế. Song trên thực tế, các nghiên cứu và dự án xóa bỏ lao động trẻ em mới chỉ dừng lại ở các công việc bán báo, đánh giày, khuân vác, lò rèn, làm việc ở làng nghề… Nhiều công việc như giúp việc gia đình, phục vụ ở hàng ăn, phục vụ ở quán bar... chưa được nghiên cứu cụ thể.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mang đến cho các em nhiều cơ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.