Theo dõi Báo Hànộimới trên

Manchester United: Buổi hoàng hôn không Ferguson

Thương Nguyệt| 13/03/2016 20:32

(HNMO) – Từ đống đổ nát, “Quỷ đỏ” đã trở thành một đế chế hưng thịnh nhờ tài năng kiệt xuất của HLV Ferguson. Thế nhưng giờ đây, di sản vĩ đại của chiến lược gia huyền thoại đang dần lụi bại dưới bàn tay của những người kế nhiệm bất tài.

Từ những dấu ấn đầu tiên trong nghiệp cầm quân...

Tháng 6/1974, Alex Ferguson ở độ tuổi 32 bắt đầu dấn thân vào con đường của một huấn luyện viên, với việc dẫn dắt East Stirlingshire (Scotland). Chỉ sau vỏn vẹn 4 tháng gắn bó, ông chuyển sang St Mirren, nơi nhen nhóm tài năng và cũng đánh dấu thành công đầu tiên trong sự nghiệp cầm quân.

Trong ba năm, Ferguson đã giúp St Mirren giành ngôi vô địch giải hạng hai, để lên chơi ở hạng nhất vào 1977. Một năm sau đó, ông tiếp tục nhận lời dẫn dắt một trong những đội bóng lớn của Scotland là Aberdeen và chỉ sau một mùa đã đưa đội bóng này về nhất giải quốc nội, danh hiệu cấp quốc gia đầu tiên trong 15 năm.

HLV Ferguson và chiếc cúp C1 đầu tiên trong sự nghiệp vào năm 1983. Ảnh: Internet


Có thể nói, thành công lớn này là đòn bẩy hoàn hảo cho sự nghiệp cầm quân của Ferguson. Chiến lược gia Scotland sau đó tiếp tục giúp Aberdeen bảo vệ thành công ngôi vương giai đoạn 1983 đến 1985. Đặc biệt đáng chú ý là ở mùa 1982/83, tại mặt trận C1 (Champions League hiện nay), ông đã giúp Aberdeen trở thành đội bóng thứ ba của Scotland nâng cao chiếc cúp vô địch châu Âu, sau khi đánh bại Real Madrid trong trận chung kết với tỷ số 2-1.

Nhờ những thành tích ấn tượng kể trên, một số đội bóng ở nước Anh bắt đầu để mắt tới Ferguson. Thế nhưng ông kiên quyết bỏ ngoài tai lời đề nghị của Tottenham, Wolverhampton và cả Arsenal, để gắn bó với Aberdeen tới mùa hè 1986, trước khi gia nhập M.U tháng 11 năm đó.

…cho tới “Ông già gân” vĩ đại nhất mọi thời đại

Khi đặt chân tới Old Trafford vào những ngày lạnh giá của năm 1986, có lẽ dù nằm mơ, Ferguson cũng không thể hình dung đây lại là nơi ông gắn bó nốt phần còn lại trong sự nghiệp cầm quân và cũng là nơi ông viết nên những chương chói lọi nhất trong lịch sử của đội bóng có biệt danh “Quỷ đỏ”.

Dẫu vậy, sự nghiệp của chiến lược gia Scotland tại Old Trafford những năm đầu không có “màu hồng”, mà chỉ toàn khó khăn và chông gai. Liên tiếp ba năm, từ 1986 tới 1989, ông hoàn toàn bất lực trong việc mang lại cho M.U một danh hiệu bất kỳ, dù là nhỏ nhất, còn đội bóng cũng luôn kết thúc mùa giải ở khoảng giữa BXH.

Mùa 1989/90, M.U trải qua chuỗi bảy trận liền không thể thắng, trước khi bước vào trận đấu với Nottingham Forest tại vòng ba FA Cup. Vào thời điểm đó, không chỉ Ferguson, mà tất cả đều hiểu rằng chỉ cần thêm một thất bại nữa là ông sẽ phải ra đi. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã đến, M.U đánh bại đối thủ với tỷ số 1-0, để rồi sau đó băng băng vào chung kết và quật ngã Crystall Palace cũng với tỷ số tương tự, để nâng cao chiếc cúp lâu đời nhất bóng đá Anh.

Chiếc Cúp FA năm 1990 đặt viên gạch đầu tiên cho sự nghiệp vĩ đại của HLV Ferguson tại Old Trafford. Ảnh: Internet


Sau danh hiệu lớn đầu tiên, Ferguson đặt quyết tâm cao hơn, đó là vô địch nước Anh. Thế nhưng mục tiêu của ông cũng phải đến mùa 1992/93 mới được hoàn tất, với việc chiêu mộ thành công Eric Cantona từ Leeds United.

Bản hợp đồng được đánh giá là “có lời nhất trong lịch sử” đã nhanh chóng cho thấy được giá trị. Danh thủ người Pháp cùng với Mark Hughes tạo thành cặp “song sát”, đưa M.U thẳng một mạch tới giấc mơ của hàng triệu người hâm mộ. Sau 26 năm đợi chờ, “Quỷ đỏ” bước lên ngôi vương của giải đấu cao nhất xứ sở sương mù. Kể từ đó, Ferguson đã đặt bút viết dòng đầu tiên cho những trang sử hào hùng của M.U mà có lẽ bản thân ông cũng không nhận thức được.

Tuy nhiên, chiến lược gia Scotland còn cho thấy năng lực của ông không chỉ dừng lại ở đó. Minh chứng rõ ràng nhất là việc ông tin dùng những cầu thủ trẻ, hay còn được gọi là “Thế hệ vàng 92”. Từ Paul Scholes, anh em nhà Neville, cho đến Ryan Giggs với những bước chạy dũng mãnh, rồi David Beckham cùng những pha đá phạt thần sầu. Sau đó là Rooney với lối chơi bùng nổ kèm sự tinh quái hay một Cristiano Ronaldo với những cái đảo chân điêu luyện. Tất cả đã hợp thành một bộ khung hoàn hảo để đưa M.U chinh phục hết đỉnh cao này tới đỉnh cao khác.

Giai đoạn 1998/99, Ferguson cùng đội hình tâm đắc nhất trong sự nghiệp cầm quân đã đi vào lịch sử nước Anh nhờ cú ăn ba “thần thánh” với các ngôi vô địch Ngoại hạng Anh, Champions Leauge và FA Cup. Ngày 12/6/1999, ông được nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ vì những cống hiến không biết mệt mỏi cho môn thể thao Vua.

Sau 27 năm gắn bó với M.U, huyền thoại Ferguson chính thức giải nghệ ở tuổi 72. Ảnh: Internet


Kể từ đó, Ferguson trở thành HLV kiệt xuất nhất nước Anh. Người hâm mộ đã rất nhiều lần được chứng kiến “Quỷ đỏ” giành hết danh hiệu này tới danh hiệu khác, hết chiếc cúp này tới chiếc cúp khác. Họ cũng đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già tóc bạc trắng thường xuyên đứng cạnh đường pitch hò hét chỉ đạo, mặt đỏ như gấc mỗi khi các học trò phạm sai lầm, hay không ngần ngại rũ bỏ phong thái của một HLV hàng đầu, để nhẩy cẫng lên ăn mừng chiến thắng.

Kết thúc mùa giải 2012/13, Ferguson chính thức giã từ sự nghiệp sau 27 năm gắn bó với đội chủ sân Old Trafford vì vấn đề sức khỏe. 27 năm huy hoàng, 38 danh hiệu lớn nhỏ cùng “Quỷ đỏ” đã đi đến hồi kết, thế nhưng những gì ông để lại là một di sản thực sự, mà có lẽ sẽ không gì có thể thay thế. Thiếu ông, M.U như mất đi linh hồn, đúng như huyền thoại Eric Cantona đã từng nói: “Ferguson chính là M.U”. Với bóng đá, ông là vị HLV vĩ đại nhất mọi thời đại, còn trong trái tim hàng triệu người hâm mộ, ông đơn giản chỉ là “ông già gân” đáng kính.

“Quỷ đỏ” thời hậu Ferguson: Binh bại như núi đổ

Hai tháng sau khi Ferguson chính thức rời bỏ cương vị, David Moyes được bổ nhiệm làm HLV M.U. Câu hỏi đặt ra là tại sao? Quay ngược lại tháng 5/2013, vị HLV huyền thoại của sân Old Trafford khi đó tuyên bố nghỉ hưu, cũng đồng thời giới thiệu người đồng hương Moyes vào vị trí của mình.

Tuy nhiên, nếu trong suốt sự nghiệp cầm quân, Ferguson đã không ít lần nhìn nhầm người, thì đây là lần nhìn nhầm tai hại nhất. Di sản ông để lại ở Old Trafford là quá lớn và cái bóng của ông cũng là quá vĩ đại đối với một người có đẳng cấp kém hơn hẳn như Moyes.

“Quỷ đỏ” mùa đầu tiên vắng bóng “ông già gân” đã sa sút thảm hại. Từ cương vị của nhà đương kim vô địch mùa 2012/13, đội chủ sân Old Trafford chỉ có thể kết thúc mùa sau đó ở vị trí thứ 7, đánh mất tấm vé dự Champions League và thậm chí còn bị loại khỏi FA Cup.

Đó chỉ là ba trong số ít kỷ lục tệ hại mà Moyes mang lại cho M.U kể từ khi ngồi vào chiếc ghế nóng tại Old Trafford. Nói ngắn gọn, “Quỷ đỏ” trắng tay trong năm đầu không Ferguson và hậu quả là Moyes bị sa thải vào tháng 4/2014, tức là chỉ sau 10 tháng tại vị.

Sau Moyes, tiếp tục tới Van Gaal phá nát di sản vĩ đại mà HLV Ferguson để lại. Ảnh: Internet


Một tháng sau đó, BLĐ M.U quyết định để Louis Van Gaal ngồi vào chiếc ghế huấn luyện đang bị bỏ trống. Vào thời khắc được bổ nhiệm, chiến lược gia người Hà Lan đã tuyên bố “sẽ làm nên lịch sử”.  Tuy nhiên, niềm tin của “Quỷ đỏ” lại một lần nữa bị đặt sai chỗ và cái gọi là lịch sử của Van Gaal cũng không hề tồn tại. Có chăng, ông chỉ chung tay với người tiền nhiệm Moyes để xóa đi những chương hoành tráng được viết nên bởi Ferguson và thay vào đó là những nét nguệch ngoạc không hình thù, không sắc thái.

Van Gaal trong thời gian nắm quyền tại M.U đã tiêu tới 300 triệu bảng trên thị trường chuyển nhượng, để đưa về Old Trafford một loạt cầu thủ với hy vọng “thay máu” toàn đội hình. Dàn cầu thủ đắt giá này đã làm được những gì? Câu trả lời là không gì cả. Luke Shaw gẫy chân sau tình huống va chạm với Moreno của PSV hồi tháng 9 năm ngoái và đến lúc này vẫn không thể thi đấu trở lại, Falcao thường xuyên mài quần trên ghế dự bị, còn Herrera và Schneiderlin chỉ có phong độ phập phù.

Trong số những tân binh mà Van Gaal chiêu mộ ở mùa trước, chỉ có Di Maria là cái tên nổi bật nhất. Thế nhưng, tiền vệ đẳng cấp thế giới với biệt danh “Thiên thần” sau vài trận đầu thăng hoa, đã hụt hơi tại Ngoại hạng Anh vốn đòi hỏi nhiều thể lực, để rồi sau đó “tắt ngấm” trước khi bị bán cho PSG vào tháng 8/2015. Trong khi đó, hai tân binh đắt giá gia nhập M.U vào những tháng cuối năm ngoái là Memphis Depay và Anthony Martial cũng rơi vào tình cảnh tương tự, tỏa sáng lúc bàn đầu và sau đó chìm dần.

Ngoài chuyện phung phí số tiền quá lớn mà không thực sự đem lại hiệu quả, Van Gaal còn bị chỉ trích vì chiến thuật mà ông áp dụng. “Quỷ đỏ” dưới thời chiến lược gia Hà Lan không thể hiện được dáng dấp của một đội bóng lớn, thay vào đó là lối chơi vô hồn, bí ý tưởng, thiếu sự kết nối, thiên về kiểm soát bóng thay vì tấn công để ghi bàn.

Đã qua rời thời hùng mạnh năm xưa, M.U hiện tại chỉ là một tổ hợp bạc nhược và rệu rã. Ảnh: Internet


Thậm chí tới phong thái Van Gaal cũng thua xa huyền thoại Ferguson. Những gì người hâm mộ thường xuyên phải nhìn thấy là hình ảnh ông ngồi lỳ trên băng ghế chỉ đạo, mải miết ghi chép để rồi cúi đầu thảm hại khi thất bại.

Dẫu vậy, những lời chỉ trích, những tiếng la ó trên khán đài và sự bất bình của người hâm mộ đều không thể lay chuyển được cái đầu đầy bảo thủ của Val Gaal. Dù là một nhà cầm quân giỏi, nhưng triết lý bóng đá của ông không thể dung hòa với M.U. Cũng chính vì sự cứng đầu này mà Van Gaal đã trải qua mùa đầu tiên trắng tay ở Old Trafford. “Quỷ đỏ” bị Arsenal loại FA Cup, bị Milton Keynes Dons cho “bật bãi” khỏi Cúp Liên đoàn và về thứ tư ở Ngoại hạng Anh.

Sang năm thứ hai, Van Gaal tiếp tục khiến người hâm mộ phải ngao ngán khi chính tay ông lần nữa nhấn chìm M.U vào khủng hoảng và đỉnh điểm là việc bị loại khỏi Champions League. Còn tại giải đấu cao nhất nước Anh, “Quỷ đỏ” cũng hết hy vọng giành ngôi vô địch khi bị đội dẫn đầu Leicester bỏ xa tới 13 điểm.

Khi chứng kiến tâm huyết bao năm gây dựng dần sụp đổ trong tay những người kế nhiệm, Ferguson trên khán đài chỉ biết lắc đầu ngao ngán, còn huyền thoại Paul Scholes cũng phải thốt lên đầy chua chát: “Các cầu thủ thấy nhàm chán, người hâm mộ thấy nhàm chán, mọi người đều thấy nhàm chán. Thậm chí Van Gaal cũng nhàm chán”.

M.U đã qua rồi thời hoàng kim, thời của đỉnh cao danh vọng, thời làm mưa làm gió mọi đấu trường. M.U thời không Ferguson chỉ biết thả mình phó mặc cho số phận đưa đẩy. “Quỷ đỏ” của Van Gaal lúc này chỉ là: “Binh bại như núi đổ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Manchester United: Buổi hoàng hôn không Ferguson

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.