Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mầm khủng hoảng mới

Quỳnh Chi| 01/10/2010 05:48

(HNM) - Chính sách cắt giảm chi tiêu khắt khe của chính phủ nhiều nước châu Âu đang vấp phải trở ngại lớn khi cơn thịnh nộ của người lao động ngày càng gia tăng. Hậu quả là ngày 29-9, Lục địa già đã phải chứng kiến làn sóng biểu tình có quy mô lớn nhất trong vòng 9 năm qua.

Đường phố tại nhiều quốc gia bị tê liệt bởi các cuộc tuần hành, bãi công nhằm hưởng ứng lời kêu gọi của Liên minh Các nghiệp đoàn châu Âu (CES). Thành phố Brussels (Bỉ) - nơi được coi là "thủ đô" của châu Âu đã bị biến thành trung tâm trút mọi bực dọc khi hàng vạn người từ 30 quốc gia đổ về đây từ sáng sớm khiến hệ thống giao thông gần như tê liệt. Cảnh sát Brussels đã phải lập vòng vây an ninh để ngăn dòng người tiến vào khu vực trụ sở Liên minh châu Âu (EU). Tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha), đụng độ đã nổ ra giữa những người biểu tình và cảnh sát, làm 20 người bị thương, khoảng 30 người bị bắt giữ.

Người biểu tình tràn ngập trên nhiều đường phố ở châu Âu.

Như vậy, cảnh báo về sự hình thành một cuộc khủng hoảng mới bắt nguồn từ chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang có chiều hướng trở thành sự thật. Nếu các nhà lãnh đạo châu Âu không nhanh chóng đưa ra biện pháp để xoa dịu, cơn thịnh nộ của người dân - vốn luôn tự hào về chế độ phúc lợi xã hội khá hào phóng với dịch vụ y tế giá rẻ, chế độ tiền hưu trí cao, tuổi hưu sớm, nghỉ phép kéo dài - sẽ tiếp tục bùng phát, đe dọa sự ổn định xã hội.

Hiện tại, giới làm công ăn lương tại châu Âu cho rằng, chính sách "thắt lưng buộc bụng" khắt khe mà các chính phủ đang áp dụng là một bất công lớn khi bắt người lao động trả giá cho những sai lầm của các ngân hàng và nhân viên khu vực tài chính. Đơn cử như ở Tây Ban Nha, dù các biện pháp cắt giảm chi tiêu công đã giúp nước này giảm một nửa thâm hụt ngân sách, bước đầu tránh được vết xe đổ từ Hy Lạp, nhưng tỷ lệ người lao động mất việc làm lại lên tới 20%. Đây cũng là tình trạng chung của các quốc gia khác ở châu Âu.

Tuy nhiên, với khối nợ nần đè nặng, chính phủ nhiều quốc gia châu Âu hầu như không còn lựa chọn nào khác. Nhất là trong bối cảnh ngày 29-9, Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố cách thức trừng phạt những nước thành viên vi phạm quy định ngân sách của tổ chức này. Đây được xem là một động thái nhằm tránh tái diễn cuộc khủng hoảng nợ công trong Liên minh Châu Âu (EU) như từng xảy ra ở Hy Lạp. Theo quyết định trên, những nước nhiều lần vi phạm quy định của EU về thâm hụt ngân sách nhà nước sẽ phải nộp cho EC một khoản tiền gửi có lãi, tương đương 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước đó. Tiền gửi sẽ chuyển thành tiền phạt nếu nước vi phạm không có biện pháp hiệu quả nhằm đưa thâm hụt ngân sách nhà nước xuống dưới mức trần 3% GDP theo quy định của EU. Quốc gia thành viên nào nhiều lần phớt lờ khuyến cáo của EU về điều chỉnh sự mất cân bằng nghiêm trọng về lương, chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô sẽ phải nộp khoản tiền phạt tương đương 0,1% GDP mỗi năm, cho đến khi các bộ trưởng tài chính EU khẳng định nước này đã điều chỉnh sự mất cân bằng kinh tế.

Điều đáng lo ngại là, trong bối cảnh nền kinh tế khu vực đồng euro đình đốn, việc siết chặt các khoản chi tiêu công không khác nào giáng thêm một đòn đau và liều thuốc này được cho là đi ngược với các gói kích thích mà nhiều quốc gia tung ra vào cuối năm 2009 nhằm ngăn chặn nền kinh tế thế giới rơi vào vòng xoáy suy thoái. Nói cách khác, việc áp dụng những biện pháp cứng rắn để buộc các nước giảm bớt nợ công, thu hẹp thâm hụt ngân sách nhằm lấy lại uy tín trong mắt các nhà đầu tư, tô điểm lại hình ảnh của châu Âu, là "khắc tinh" của thúc đẩy tăng trưởng. Đây có thể là yếu tố "kìm chân" sự phát triển của Cựu lục địa trong thập kỷ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mầm khủng hoảng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.