Tư lệnh không quân Malaysia Rodzali Daud hôm nay cho biết, radar quân đội nước này phát hiện một vật thể, có thể là chiếc máy bay, trong khu vực phía bắc eo biển Malacca vào lúc 2h15 sáng 8/3.
Vị trí của vật thể này cách điểm máy bay biến mất trên màn hình theo dõi của trạm kiểm soát không lưu dân sự hàng trăm km. Theo Reuters, ông Daud cho biết vị trí đó cách 200 dặm phía tây bắc đảo Penang.
Thông tin trên được Tư lệnh không quân đưa ra trong cuộc họp báo chiều nay tại Kuala Lumpur. Theo đó, thời điểm phát hiện ra vật thể trên là 2h15 (giờ địa phương) sáng 8/3, khoảng 45 phút sau khi phi cơ Boeing 777-200 biến mất trên khu vực giữa bờ biển phía đông Malaysia và Việt Nam.
Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein. |
Ông nói thêm rằng chưa thể kết luận về vật thể này và các nhà điều tra Malaysia đang phối hợp với đồng nghiệp quốc tế để xem xét.
Theo các thông tin đưa ra trước đó, máy bay MH370 mất tích khỏi màn hình kiểm soát của không lưu Malaysia lúc 1h30 sáng 8/3, khi máy bay ở vùng biển phía bắc nước này, trên Biển Đông. Chiều hôm qua, báo chí Malaysia cho hay máy bay có thể đã quay vòng, đi từ Biển Đông quay trở lại và cuối cùng biến mất phía trên eo biển Malacca.
Ba đại diện của Malaysia tham gia cuộc họp báo chiều nay. Sự kiện này diễn ra trong không khí căng thẳng trước sức ép của các phóng viên, khi giới chức thông báo vẫn chưa biết tung tích chiếc máy bay ở đâu.
Bộ trưởng Quốc phòng kiêm quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein nói: "Cho đến khi chúng tôi chưa tìm được máy bay và hộp đen, chúng tôi không thể giải đáp hết các đồn đoán ở bên ngoài".
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi hiện nay là tìm kiếm máy bay". Bộ trưởng nói sẽ tập trung tìm kiếm cả ở Biển Đông và Eo biển Malacca. Ông phủ nhận thông tin nói rằng "đã phát hiện có thi thể trên biển".
"Mỗi khoảnh khắc trôi qua, tôi cảm thấy rằng hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đang dần chỉ là một cuộc tìm kiếm mà thôi", ông nói.
Hỗn loạn
Buổi họp báo diễn ra trong nhịp độ khẩn trương. Sau mỗi câu trả lời, hàng loạt câu hỏi lại được giới truyền thông tới tấp đưa ra. Họ thậm chí còn tranh nhau đặt câu hỏi. Buổi họp được truyền trực tiếp trên nhiều kênh truyền hình quốc tế. Cuộc họp bắt đầu lúc 4h30 chiều, đã bị hoãn lại hai giờ so với kế hoạch ban đầu.
Đại sứ Trung Quốc tại Malaysia ngồi ở hàng ghế đầu tiên trong cuộc họp báo, cho thấy mức độ quan tâm của Bắc Kinh tới vấn đề này. Ông cũng trả lời nhiều câu hỏi của các phóng viên trong thời gian chờ đợi cuộc họp, cho đến khi các quan chức Malaysia đến và nói đây là cuộc họp của Malaysia tổ chức, theo phóng viên Telegraph.
Mối quan tâm chủ yếu của giới truyền thông xoay quanh các vấn đề như: bình luận của giới chức Malaysia trước các đồn đoán; các mốc thời gian chính xác liên quan đến việc máy bay mất tín hiệu, thời gian radar dò ra tín hiệu cuối cùng; sự thay đổi hướng tìm kiếm của Malaysia về phía Malacca; sự phối hợp giữa lực lượng tìm kiếm các nước cũng được đề cập.
Có ít nhất 3 quan chức từ phía Malaysia thay nhau trả lời các câu hỏi liên quan tới từng vấn đề, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của phóng viên. Thậm chí có những câu hỏi còn được hét lên với Bộ trưởng Giao thông. Một số người bình luận rằng giới chức cũng đang hỗn loạn. Ông bộ trưởng nói: "Nếu các bạn cho rằng hỗn loạn thì sẽ là hỗn loạn. Chúng tôi sẽ làm mọi việc để tìm ra máy bay".
4 hành khách stand-by
Trong cuộc họp báo ông Hussein bị cáo buộc cung cấp thông tin một cách "nhỏ giọt", tuy nhiên ông phủ nhận điều này và cho rằng thông tin đến nay vẫn còn ít. Ông cho biết thêm rằng 4 hành khách không có mặt để làm thủ tục lên máy bay đã được thay thế bằng các hành khách khác.
Trước câu hỏi về việc tại sao đã phát hiện ra máy bay chuyển hướng ngày 8/3 mà vẫn kêu gọi các nước tìm kiếm trên Biển Đông, Bộ trưởng Hishammuddin Hussein nói bởi vì phía Malaysia cho rằng "đó chỉ là một trong các khả năng".
Chất lượng máy bay
Đại diện Malaysia Airlines nói "chúng tôi xin đảm bảo chất lượng máy bay", khi được hỏi về các vết nứt trên cánh chiếc Boeing 777.
Trong khi đó, khi được phóng viên Telegraph hỏi liệu chuyến bay MH370 có được kiểm tra trước khi cất cánh không, ông Ahmed Jauhari Yahya, giám đốc điều hành của MAS, cho biết phi cơ được kiểm tra theo Tiêu chuẩn bay của Cơ quan Quản lý Hàng Không Mỹ FAA. Tuy nhiên, ông không dám chắc việc kiểm tra có được tiến hành một cách nghiêm ngặt sau sự cố hồi tháng 11/2013 hay không.
Mất kiên nhẫn
Người Malaysia dường như cũng mất kiên nhẫn với chiến dịch tìm kiếm không có kết quả. Báo chí nước này bình luận rằng sự việc đang trở thành một nỗi xấu hổ tầm quốc gia. "Tâm trạng của người Malaysia giờ đây chuyển từ kiên nhẫn chờ tin của 239 con người, sang cảm giác tức giận và xấu hổ", tờ Telegraph dẫn xã luận của Malaysian Insider.
"Thế giới đang quan sát Malaysia, bởi một chiếc máy bay với sải cánh 200 feet (hơn 60 mét) không thể bỗng nhiên rời khỏi bầu trời và biến mất theo cách như thế".
Đến nay đã có tổng cộng 39 máy bay và 42 tàu tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay chở 239 người mất tích hôm 8/3 trên hành trình từ Luala Lumpur đến Bắc Kinh. Khu vực tìm kiếm máy bay MH370 hiện bao phủ diện tích hơn 92.000 km2, gồm hơn 40.000 km2 ở eo biển Malacca và khoảng 48.000 km 2 ở Biển Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.