Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mái nhà chung” của người khuyết tật

Văn Don| 23/11/2010 06:32

(HNM)- Nhắc đến chị Nguyễn Thị Hương, người dân xã Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) không chỉ khâm phục ý chí, nghị lực vượt qua nỗi đau số phận mà còn cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của chị. Làm giàu cho mình, chị còn tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục lao động khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn.


Nhìn bề ngoài cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ của chị Hương, không ai nghĩ chủ cơ sở đó lại là người khuyết tật. Bị bệnh bại liệt ngay từ năm lên 1 tuổi, kể từ đó, chị không thể tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình nữa. Chị trở thành người tàn tật, một gánh nặng cho bố mẹ và gia đình. "Cực nhất là lúc đến tuổi đi học, nhìn đám bạn cùng trang lứa tung tăng vui đùa và được cắp sách đến trường mà nước mắt tôi cứ ứa ra. May mà ông trời còn để lại cho tôi đôi bàn tay lành lặn và trí nhớ tốt, dù không được đến trường nhưng tôi thường nhờ đám bạn cùng làng dạy vào những ngày nghỉ nên chỉ sau vài năm tôi đã biết đọc, biết viết và tính toán thành thạo" - chị Hương ngậm ngùi kể. Trước những ánh mắt soi mói của mọi người đã có lần chị nghĩ quẩn muốn tìm đến cái chết để giải thoát thân phận tật nguyền nhưng không thành. Sau lần từ "cõi chết" trở về đã làm thay đổi suy nghĩ của chị, chị xác định cần phải đứng lên, phải kiếm lấy một nghề nào đó để tự nuôi sống bản thân mình, không phụ lòng của bố mẹ và gia đình? Chị quyết định theo học nghề làm đồ gỗ và khảm trai lúc bấy giờ đang phát triển mạnh ở Vạn Điểm.

Vốn là người thông minh, ham học hỏi cùng sự nỗ lực của bản thân, sau nhiều năm đi làm miệt mài, chị trở thành một thợ có tay nghề giỏi. Với số vốn dành dụm được, đồng thời vay mượn thêm bố mẹ và anh chị em trong gia đình, chị quyết định lập một cơ sở sản xuất cho riêng mình. Khi mới hình thành, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, nghị lực vượt lên số phận và sự sáng tạo trong sản xuất, các sản phẩm do cơ sở sản xuất của chị làm ra được thị trường ưa chuộng. Những hợp đồng đầu tiên không chỉ giúp cơ sở sản xuất đứng vững mà bắt đầu có lãi, uy tín ngày một tăng lên. Năm 2005 với số tiền dành dụm được, chị đã xây dựng một căn nhà 2 tầng khang trang gần 200 triệu đồng ngay giữa thôn Vạn Điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.

Từ khi cơ sở được mở rộng, đã giúp chị nhận thêm nhiều lao động hơn, đặc biệt là con em các gia đình nghèo, người khuyết tật trong vùng, rồi còn lo "nơi ăn, chốn ngủ" cho những người ở xa. Và chính tấm gương của bản thân chị cũng là nguồn khích lệ nhiều người khuyết tật vươn lên. Nguyễn Thị Thủy (ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên), lao động học nghề tâm sự: "Làm việc tại cơ sở sản xuất của mẹ Hương, chúng em coi nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Mẹ Hương chỉ bảo cho chúng em rất tận tình, luôn quan tâm, chăm lo cho chúng em từ miếng ăn đến giấc ngủ".

Hiện nay cơ sở sản xuất của chị Hương thu hút được hơn 20 em, ở khắp nơi về làm (chưa kể những lao động thời vụ), với thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Đây đã thực sự trở thành ngôi nhà chung của nhiều mảnh đời bất hạnh, ở đó luôn luôn đầy ắp những tình thương và lòng cảm thông, chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Mái nhà chung” của người khuyết tật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.