(HNM) - Tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 3, chúng tôi gặp một cặp vợ chồng lớn tuổi lên thăm con đang cai nghiện tại đây ông bà rất đau buồn… Cả cuộc đời, ông bà nỗ lực phấn đấu, có địa vị, được xã hội kính trọng. Vậy mà con ông lại lao vào con đường ngu muội, bị vợ ruồng bỏ. Giờ ông đau xót vì thân già vừa nuôi con vừa nuôi cháu…
Hơn ai hết, Đỗ Thế Sản (36 tuổi, ở Đội 3, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 3, Hà Nội) ngày, đêm mong đến ngày được về với cuộc đời lương thiện. Có năng khiếu văn nghệ, Đỗ Thế Sản đang ở Đoàn Quân nhạc thì phải ra quân do thiếu biên chế, chuyển sang làm lái xe khách tuyến Hà Nội - Sơn La. Anh lấy một cô giáo ở Sơn La, có một con trai năm nay đã 10 tuổi, rồi thế nào mà nghiện hêrôin lúc nào không biết. Anh bảo: "Mỗi ngày em phải hút hết từ 800 ngàn - 1 triệu đồng tiền hêrôin. Bao nhiêu của cải tích góp được đều ra mây khói hết, em bắt đầu lấy tiền của vợ, vay mượn khắp nơi…". Ở Sơn La thì khó lòng cai nghiện, Sản chuyển về huyện Mỹ Đức ở với mẹ, nhưng cũng không đủ nghị lực tự cai. Được CA đưa đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 3, Sản đang tích cực học tập, rèn luyện sức khỏe, học nghề hàn để làm lại cuộc đời. Anh tâm sự: "Nghiện làm con người u mê, mất hết mọi thứ, từ kinh tế, việc làm, quan hệ, đến chính bản thân mình".
Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Hà Nội Nguyễn Đình Hiền cho biết: Ở các nước phát triển, đối tượng nghiện tự nguyện đóng phí cai nghiện, "mua" tương lai. Ở Việt Nam, tại các trung tâm lao động xã hội, người nghiện được cắt cơn, chữa trị, giáo dục, rèn luyện, dạy nghề, được nuôi ăn không mất tiền. Nhưng không phải người nghiện nào cũng yên tâm điều trị, cai nghiện, nhiều người luôn tìm cách trốn. Điều đó càng làm cho công tác quản lý thêm khó khăn, hiệu quả cai nghiện thấp.
Ông Nguyễn Trung Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 3 cho biết: Khi tiếp nhận người nghiện, trung tâm tìm hiểu tiền sử người nghiện, chia nhóm, đội, lập phương án quản lý phù hợp. Việc quản lý người nghiện theo đúng quy trình, liên tục từ tập thể dục 5h sáng tới khi lên giường vào 21h. Công tác nắm bắt tư tưởng, diễn biến tâm lý, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần học viên luôn được coi trọng để họ yên tâm cai nghiện. Công tác phối kết hợp với các lực lượng quân sự, công an trên địa bàn được đẩy mạnh. Nhờ vậy, từ khi thành lập tới nay, kể cả vào các thời điểm nhạy cảm (Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tháng 10-2010, Tết nguyên đán…), trung tâm đều giữ vững an toàn, không để học viên trốn trại. Theo ông Nguyễn Trung Tuấn, hiện tại với hơn 900 học viên, biên chế cán bộ, nhân viên của trung tâm còn thiếu, chỉ được nghỉ 1 ngày mỗi tuần. Năm 2011, thực hiện Nghị định 94/2009/CP của Chính phủ, trung tâm sẽ phải chuyển giao người nghiện sau cai tại cộng đồng. Bài toán nhân lực, phương tiện, kinh phí trở nên cấp bách.
Với mục tiêu "Giáo dục như nhà trường, rèn luyện như quân đội, sạch đẹp như công viên", Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 3 đang cùng với các cơ sở thực hiện công tác cai nghiện, quản lý sau cai nỗ lực mang lại ước mơ về cuộc đời lương thiện, về mái ấm hạnh phúc cho những người từng dại dột, lỡ lầm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.