Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi mãi những bản tình ca

Thụy Biên| 04/02/2012 06:03

(HNMO) - Một chiều xém lạnh, sương mù lơ đãng phiêu trên hồ Trúc Bạch, tôi đến quán càfê Malaideli ở 92 Trấn Vũ gặp Tuấn Hiệp như đã hẹn trước. Cũng không hiểu từ giấc mơ nào, của ai mà cái nhà hàng vốn mang biểu tượng đất nước Malaysia lại biến thành điểm hẹn âm nhạc của những người yêu nhạc xưa ở Hà Nội.

Tuấn Hiệp mặc chiếc áo dạ đen sờn bạc, quần Jean đen, đi giày thể thao và quàng hững hờ chiếc khăn len dài tím xanh. Trông anh “phủi” như phong cách của những anh chàng tuổi 30 đầu thế kỷ. Khi tôi bước vào, dù đang bận rộn với chiếc máy tính Asus cũ kỹ, anh đứng lên giới thiệu tôi với người đàn ông đứng tuổi ngồi bên cạnh, nghệ sĩ Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Tuấn Hiệp.


Trong bộ áo vét sẫm màu cổ điển, nghệ sỹ Đoàn Đính toát lên vẻ dãi dầu, từng trải của người lăn lộn với quá nhiều đam mê khác nhau. Tôi đã từng nghe ông đệm đàn guitar Hawaii cho Tuấn Hiệp hát trên sân khấu nhỏ Malaideli, nhưng đây là lần đầu tiên được gặp ông trong đời thường. Chính sự tình cờ đã khiến tôi được gặp những người mà cuộc đời và sự nghiệp đều gắn bó với nhạc sỹ Đoàn Chuẩn. Và thế là gác lại mọi công việc, tôi chuyển sang một đề tài không định trước.

Chúng tôi cùng lan man ngậm ngùi về những thăng trầm của dòng nhạc trữ tình, nhạc xưa tại nơi này, kinh ngạc về sức sống âm thầm mãnh liệt của nó và chia sẻ niềm vui khi dòng nhạc tưởng biến mất bỗng một ngày lại da diết, thao thiết chảy giữa lòng Hà Nội, tại Malaideli và những quán âm nhạc khác.

Chúng tôi nhắc tới những nhạc sỹ, ca sỹ, bài hát, công chúng thủy chung của dòng nhạc này; về những giai thoại, những sáng tác của nhạc sỹ tình ca cũng là nhạc công đàn guitar Hawaii tài hoa Đoàn Chuẩn. Tôi ngập ngừng hỏi nghệ sỹ Đoàn Đính:

- Còn có ai biểu diễn guitar Hawaii ở Việt Nam nữa không anh?

Ông trầm ngâm nhìn ra phía hồ Trúc Bạch sương khói rồi buông lời phiền muộn:
- Không có ai, không ai cả! Không có người dạy mà cũng không có người học! Tôi theo được nghiệp bố tôi, còn các con tôi không ai theo nghiệp tôi cả! Thật đáng tiếc…

Và rồi, ông thành kính kể cho tôi nghe về người cha, người thầy của mình, về sự đam mê vô bờ của cha ông với cây đàn, những ngón đàn guitar Hawaii.

- Cha tôi học đàn của những người thầy nổi tiếng ở Hà Nội từ nhỏ, sau đó ông mua đĩa than ghi âm guitar Hawaii về học thêm, bao giờ chơi hay hơn người ta mới thôi! Ông dạy tôi chơi guitar khi tôi mới mười tuổi và cực kỳ nghiêm khắc. Mỗi khi không thuộc bài, ông gõ thước vào tay tôi chết điếng, không thuộc bài không được ăn cơm! Nhờ ông mà tôi chơi được đàn guitar Hawaii như ngày nay.

Nghệ sỹ Đoàn Đính mở chiếc máy tính cá nhân rất xịn, cắm chiếc tăng âm nhỏ đời mới nhất và cho tôi xem những clip, những bản đàn mà ông biểu diễn ở Pháp, Mỹ, Philippines, Indonesia, Nhật Bản…Ông hào hứng kể về sự hâm mộ của thính giả khắp nơi khi nghe tiếng đàn của mình. Nhưng ông vẫn cho rằng ngón đàn của cha ông mới thật là tuyệt đích! Thế rồi, ông mở cho tôi nghe bản đàn duy nhất còn giữ lại được của người cha quá cố, giải thích cho tôi những kỹ thuật chơi, những cảm xúc vi diệu được chuyển tải qua ngón đàn tuyệt vời của cha mình.

Ông bảo, khi nhắc tới nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, người ta hay nói về một số phận thăng trầm theo thời cuộc; về người đàn ông đa tình hào hoa; về những người đàn bà đã đến, đã đi qua, đã ở lại khuấy đảo tâm hồn nhạy cảm của ông để kết tinh thành mười tám bản tình ca da diết nhưng ít ai biết ông còn là một người cha bao dung, một người thầy nghiêm khắc, một người bạn chân tình…
Câu chuyện giữa chúng tôi với nghệ sỹ Đoàn Đính cứ chuyển dần từ âm nhạc, thân phận nghệ sỹ đến snooker, cái nghiệp đã đưa ông chu du khắp thế giới, đến chuyện may rủi ở casino, rồi lại quay về những ca sĩ hát nhạc trữ tình hiện nay.

Theo nghệ sỹ Đoàn Đính, Tuấn Hiệp là một ca sĩ trẻ hát tình ca “rất được, có tài, có tâm”. Tôi cũng tán thưởng ý kiến này của ông. Dù được coi là một trong những ca sỹ hiếm hoi có ngoại hình đẹp, giọng hát đẹp hiện nay nhưng dường như anh sống không đua chen, không ầm ĩ, không sốt ruột. Tuấn Hiệp bình thản, tự tin chọn một lối đi nhẹ nhàng riêng trong đời sống âm nhạc.

Khi hỏi thăm về việc sắp ra mắt album “Tuấn Hiệp và những tình khúc Đoàn Chuẩn- Từ Linh”, anh cười vui. Rồi bằng giọng nói không vội vàng, đầy tiết chế và ấm áp, anh kể cho chúng tôi nghe giấc mơ âm nhạc ấp ủ mười năm qua, về sự chuyển hướng khó khăn từ người được đào tạo bài bản để hát opera, hát nhạc đỏ và đã khá thành công với dòng nhạc này tại những sân khấu lớn lại trở thành người hát tình ca, về chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” của cuộc đời anh. Anh bảo:

-Tôi mơ ước làm album Đoàn Chuẩn lâu lắm rồi, trong mọi giấc mơ tôi đều mơ thấy mình hát tình ca. Đã có quá nhiều người hát nhạc Đoàn Chuẩn thành công, có nhiều ca sĩ hát hay lắm như Lê Dung, Tuấn Ngọc… nhưng tôi vẫn muốn thể hiện nhạc Đoàn Chuẩn theo cách cảm, cách nghĩ của riêng tôi, thế hệ tôi.

Đầu năm ngoái, anh vừa giới thiệu thành công album Bơ vơ, nay lại cho ra đời album Đoàn Chuẩn, tôi tỏ ý băn khoăn nhưng anh bảo:

- Tôi nung nấu, góp nhặt ý tưởng làm album này suốt mười năm nhưng cảm nhận về cuộc đời, về âm nhạc bây giờ mới đủ độ chín để thực hiện. Hát nhạc Đoàn Chuẩn là ước mơ và thách thức mọi ca sỹ hát tình ca. Nhạc của ông tinh tế, mỗi chuyện tình được ông kể bằng một nét nhạc mới mẻ, không lặp lại, và đã có quá nhiều người khai thác các cách trình diễn khác nhau nên chỉ khi đủ tự tin chơi vơi trong tiết tấu, giai điệu, ca từ tôi mới làm album này.

Tuấn Hiệp còn hào hứng kể cho chúng tôi nghe về cách anh chọn bài hát; việc kết hợp với những nhạc sỹ hàng đầu để phối khí; việc anh làm mới bản tình ca từ nửa blue sang tango và kết nối các bài hát trong một liên khúc sao cho không vấp; về cách sắp xếp không gian âm nhạc để tạo hiệu quả cao nhất; về những tiết tấu, giai điệu khi thì chậm rãi, lả lơi khi thì mạnh mẽ, nam tính mà anh thể hiện; về bộ ảnh anh đã kỳ công chụp để làm bìa cho album của mình…

Tôi đùa rằng, Tuấn Hiệp là “người nghèo hát tình ca”,“người nhà quê hát tình ca” khi so với Đoàn Chuẩn, người nhạc sỹ một thời nhung lụa, xa hoa bậc nhất thế kỷ trước, nhưng anh không hề tự ái. Thật thế, khi lắng nghe tiếng hát sâu lặng, sang trọng, mượt mà của Tuấn Hiệp ta vẫn dễ nhận ra cách cảm mộc mạc, chân chất mà đậm đà phiêu diêu rất riêng của những cánh đồng quê Bắc bộ.

Cứ thế, một chiều dài chúng tôi nhẩn nha bên nhau, những cốc càfé nguội đi được thay bằng cốc nóng khác. Chúng tôi, ba thế hệ, ba phong cách sống, ba lối cảm thụ âm nhạc khác nhau nhưng đều say mê những bản tình ca xưa cũ. Bởi vì sau tất cả bộn bề trong đời, người ta nhận ra rằng chỉ còn tình yêu ở lại. Và bởi vì theo đại văn hào Aleksey Nikolayevich Tolstoy: “Mọi cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, mọi cuộc cách mạng sẽ thôi gầm thét, chỉ còn lại bất diệt tấm lòng dịu dàng đầy tình yêu thương mà thôi”.

Bóng chiều đông thẫm dần lại rất nhanh. Chia tay với nghệ sỹ Đoàn Đính, tôi đi cổng khác của Malaideli bước ra đường Quán Thánh cùng Tuấn Hiệp. Tôi chợt nhớ một người bạn nước ngoài đã từng hỏi: Điều đặc biệt nhất của phố phường Hà Nội là gì? Đã bao lâu rồi tôi băn khoăn mà không tìm được câu trả lời. Thế nhưng đêm nay, với bước chân chúng tôi gõ trên vỉa hè, dưới ánh sáng đèn đường rung rinh hắt xuống con phố dài cũ kỹ, Hà Nội với tôi là một bảo tàng sống động lưu giữ những bản tình ca, là đường phố của những bản tình ca.

Còn nhớ, nhân dịp Hà Nội tròn 1.000 năm tuổi, nhà thơ-nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đã xuất bản cuốn sách “1.000 ca khúc Thăng Long- Hà Nội”. Một nghìn bài hát hay nhất bay lượn trên ba mươi sáu phố phường cổ kính! Bảy mươi năm tân nhạc Việt Nam, lúc nào cũng có những nghệ sỹ mê đắm Hà Nội. Và tôi nghĩ tới khao khát của một nghệ sỹ, của nhiều thế hệ nghệ sỹ, từ những khát vọng riêng tư dồn nén đã thăng hoa để có một Hà Nội đậm đặc tình yêu như bài hát này, giai điệu này:

Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi, liễu rũ... mà chi
Đêm tân xuân, hồ Gươm như say mê
Chuông reo ngân, Ngọc Sơn sao uy nghi
Ngàn phía đến lễ đền
Chạnh lòng tôi nhớ đến... người em

Nhạc sỹ Đoàn Chuẩn từng nói: “Rồi người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sỹ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại”. Sau lưng chúng tôi, những ngôi nhà đang xây ngất ngưởng nghiêng màu tối sẫm lên nền trời phố cổ. Tôi dừng bước, gỡ tà áo dài bị mắc vào cành cây nhỏ và quay sang nói khẽ với Tuấn Hiệp: Thời thế có đổi thay, thành phố có đổi thay thì các thế hệ nơi này chắc chắn vẫn tiếp tục hát Mãi Mãi Những Bản Tình Ca muôn thủơ như cha ông họ. Và tôi thấy bàn tay nóng ấm của anh khẽ nắm bàn tay tôi trên con phố dài cổ xưa hun hút gió…

Hà Nội, 1-2012

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi mãi những bản tình ca

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.