Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mãi mãi giữ lửa trong tim

Hoàng Thu Vân| 21/06/2011 06:58

(HNM) - Hôm nay, nền báo chí cách mạng Việt Nam kỷ niệm 86 năm ngày thành lập (21/6/1925 - 21/6/2011) - một chặng đường đầy nỗ lực và tự hào. Có thể khẳng định, những năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.


Có thể khẳng định, những năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Đội ngũ những người làm báo luôn xứng đáng là lực lượng tin cậy của Đảng và Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong cổ vũ, động viên và tập hợp các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt, trong một phần tư thế kỷ đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, báo chí Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ và toàn diện, trở thành một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước. Sự đổi mới của báo chí là yêu cầu bắt buộc, là đòi hỏi của thực tế khách quan trong giai đoạn hiện nay để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin của bạn đọc.

86 năm đã trôi qua kể từ ngày Báo Thanh niên do Bác Hồ sáng lập phát hành số đầu tiên và đã trở thành một dấu mốc lịch sử của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Vào thời điểm hiện nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: "Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì?". Những câu hỏi Bác đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo. Bác cũng chỉ rõ: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng".

Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài... Việc xác định đúng đối tượng phục vụ của báo chí cũng có nghĩa là nhà báo phải biết chọn lựa những nội dung gì nên viết, cái gì không nên viết. Viết phục vụ nhân dân thì nhất định phải chọn cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Bác dạy các nhà báo về cách viết rất cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực. Bác còn hướng dẫn chu đáo: "Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Đọc đi đọc lại 4 - 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại"...

Những điều đó với người làm nghề là đặc biệt quan trọng và trước hết, qua những căn dặn và huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tâm của người viết có vai trò quyết định nội dung thông tin mà sau này nhiều nhà báo lão thành đã thống nhất đúc rút thành châm ngôn: Mắt sáng, lòng trong, bút sắc - và đã trở thành cẩm nang nghề nghiệp của nhiều nhà báo, phóng viên, sinh viên báo chí.

Thời kinh tế thị trường, người cầm bút giữ được nhiệt huyết và cái tâm trong sáng là điều không đơn giản. Do đó báo chí hiện nay cũng bộc lộ không ít khuyết điểm, hạn chế khiến người làm báo chân chính day dứt và dư luận xã hội lo ngại. Có những phóng viên, nhà báo chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, trách nhiệm chính trị, tư tưởng của báo chí; có những người quản lý chưa đủ bản lĩnh và nghiệp vụ xứng tầm... Dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" nhưng những điều đó làm cho nhiều thông tin trở nên sai lệch, phục vụ thị hiếu tầm thường hoặc vì các lợi ích cục bộ, không phản ánh đúng không khí xã hội và tình hình đất nước, tác động xấu đến tư tưởng và dư luận bạn đọc... Đây chính là một số vấn đề đã được Ủy viên BCT, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2010.

Kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam cũng là thời điểm đất nước bước sang năm thứ 5 thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", những người làm báo luôn luôn ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức, phẩm chất, bản lĩnh nghề nghiệp, tích cực học tập và rèn luyện để có trình độ chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo, có tấm lòng trong sáng, luôn đánh giá đúng sự thật và viết đúng sự thật, khách quan trong mọi vấn đề của đời sống xã hội, khơi dậy và vun đắp những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mãi mãi giữ lửa trong tim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.