Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mái ấm của trẻ thiệt thòi

Vân Nga| 15/01/2013 07:20

(HNM) - Những ngày đầu năm 2013, trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có thêm niềm vui khi được đón những đoàn khách đến thăm, động viên, chia sẻ và tặng những phần quà đầy ý nghĩa.


"Ở đây cháu có mẹ, anh, chị và các em. Cháu được ăn đủ bữa, ngủ đủ giấc, được học chữ, học nghề và học làm người tốt. Lớn lên cháu sẽ tự nuôi được bản thân". Tâm sự này của em Nguyễn Thị Ninh (14 tuổi) cũng là nỗi lòng của hàng trăm trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật ở Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Ngọc Sơn. Năm Ninh lên 4 tuổi thì bố mẹ lần lượt qua đời, bà ngoại già yếu, lại nghèo khó nên Ninh được trung tâm nhận về nuôi dưỡng. Hơn 10 năm sống trong mái ấm đặc biệt này, Ninh được các mẹ chăm sóc, các cô giáo dạy học và các anh chị em cùng cảnh ngộ bao bọc. Cũng có hoàn cảnh bất hạnh như Ninh là cháu Kiều Linh (12 tuổi), khuyết tật ở tai và thiểu năng trí tuệ. Bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, Kiều Linh được các nhà sư chùa Bồ Đề nuôi dưỡng, đến 9 tuổi thì được trung tâm đón về chăm sóc.

Trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Ngọc Sơn là mái ấm của những trẻ thiệt thòi.
Ảnh: Hoàng Văn


Ông Phan Văn Thái, Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Ngọc Sơn, cho biết, hiện trung tâm đang nuôi dưỡng 124 trẻ khuyết tật, mồ côi không nơi nương tựa. Các cháu sống trong 2 khu riêng biệt, khu nữ là tòa nhà 4 tầng với 12 phòng, khu nam là tòa nhà 3 tầng với 18 phòng. Mỗi khu nhà có một người phụ trách, trực tiếp chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ mà các cháu thường gọi là mẹ. Đây là người mẹ thứ hai và cũng là người gắn bó với tuổi thơ của các cháu. Chị Nguyễn Thị Thu Hiền đã gắn bó hơn 7 năm với những đứa con tội nghiệp, nói: "Đứa bị câm, đứa bị điếc, đứa thiểu năng trí tuệ nên chăm sóc các con hết sức vất vả, mệt nhọc. Tuy mệt nhưng tôi rất vui bởi các con luôn có ý thức, cháu lớn kèm cháu bé thành nền nếp. Mỗi dịp lễ, tết, nghỉ hè, các con đã trưởng thành lại trở về thăm các mẹ, các em".

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, trung tâm còn tổ chức các lớp học đặc biệt, từ lớp 1 đến lớp 6. Có những trẻ 14-15 tuổi học cùng chương trình lớp 1 với trẻ 5-6 tuổi. Giảng dạy cho các em là 10 cô giáo đã tốt nghiệp hoặc đang theo học ở Khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ngoài giờ học văn hóa, các em còn được học nghề như mây tre đan, khâu mũ. Nhiều em có tay nghề còn được trả tiền công.

Qua hơn 30 năm hoạt động, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Ngọc Sơn đã trở thành mái ấm tin cậy, bao bọc, chở che cho hàng nghìn trẻ kém may mắn. Sau khi rời trung tâm, nhiều em trở về quê đã tự nuôi sống bản thân nhờ kỹ năng và nghề được học. Điển hình như trường hợp em Nguyễn Thanh Sơn, điếc bẩm sinh, được nuôi dưỡng và dạy những kiến thức cơ bản. Rời trung tâm, Sơn tiếp tục học lên cao và hiện nay làm trợ giảng tại Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mái ấm của trẻ thiệt thòi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.