Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạch nguồn âm thầm chảy mãi

Lê Phong| 06/02/2022 11:41

(HNMCT) - Trong tác phẩm âm nhạc, điện ảnh hay hội họa, điêu khắc, sân khấu, kiến trúc, chúng ta cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào dân tộc. Lĩnh vực văn học cũng vậy. Văn học Việt Nam thể hiện một cách mạnh mẽ tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc. Cả trong văn học dân gian và văn học thành văn, truyền thống ấy như nguồn mạch chảy xuyên suốt từ thuở dựng nước đến nay.

Ảnh tư liệu.

Câu chuyện cậu bé làng Gióng là một minh chứng đậm nét, giàu sắc thái sử thi về tình yêu nước. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” hay "Đại cáo bình Ngô" là áng tuyên ngôn hào hùng, đanh thép về chủ quyền quốc gia. Tiếp nối truyền thống đó, văn học Việt Nam từ trung đại đến hiện đại đều sáng ngời lòng yêu nước, ý chí, niềm tự hào về đất nước Việt Nam. Có lẽ, do một dân tộc luôn phải đương đầu với kẻ thù xâm lược nuôi dã tâm thôn tính, đồng hóa nên dân tộc ấy đã vươn vai đứng dậy, từ dân thường trở thành chiến binh, từ ruộng đồng ra chiến trường, để giữ vững từng tấc đất thiêng liêng và truyền thống văn hóa ngàn đời.

Tiêu biểu nhất cho tinh thần ấy là văn học viết về chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng chiến thắng thực dân, đế quốc, bảo vệ Tổ quốc và dựng xây đất nước. Những cái tên như Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật, Anh Đức, Nguyễn Thi, Phan Tứ, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hữu Mai, Hữu Thỉnh, Chu Lai, Trung Trung Đỉnh, Khuất Quang Thụy và rất nhiều nhà văn, nhà thơ nữa, bằng các tác phẩm văn học của mình đã góp phần làm sáng lên phẩm chất yêu nước, tự hào dân tộc trong tâm hồn người Việt Nam.

Ở một khía cạnh khác, truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc từ trong lịch sử là nguồn cảm hứng để các tác giả quay về, nối nhịp đập của trái tim mình vào quá khứ hào hùng, oanh liệt của cha ông. Văn học viết về lịch sử đã cho thấy sức lan tỏa, chi phối và sự hiện diện của quá khứ vào tinh thần xã hội hiện tại. Các tác giả như Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Xuân Khánh, Trần Thanh Cảnh, Bùi Việt Sỹ, Lưu Sơn Minh hay trẻ hơn như Nguyễn Đình Tú, Triều La Vỹ, Uông Triều, Trần Tú Ngọc, Nguyễn Thị Kim Hòa, Đinh Phương, Phạm Thúy Quỳnh... đã cho thấy cảm hứng mãnh liệt trước tầng vỉa sâu dày đầy vẫy gọi của lịch sử, tinh thần Việt Nam. Khi những cuộc chiến đi qua, tình yêu nước, lòng tự hào dân tộc vẫn mãi được gìn giữ, lưu truyền, thể hiện trong những đề tài, chủ đề, cảm hứng khác của đời sống.

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, vẫn phải thành thật để nói rằng, đặt bên cạnh những mảng đề tài, cảm hứng khác, văn học với điểm nhấn là tình yêu, lòng tự hào dân tộc, ý chí vươn lên dựng xây đất nước trong điều kiện toàn cầu hóa và thế giới phẳng hiện nay dường như chưa tương xứng với hiện thực lớn lao của thời đại. Như đã nói, mạch nguồn ấy vẫn âm thầm chảy, thấp thoáng hoặc đồng hiện trong những dòng cảm xúc khác, nhưng chưa thực sự trở thành một bình diện chủ đạo hay một màu sắc cụ thể, đặc trưng. Các tác giả đương đại nêu trên, bản thân họ chưa xem việc tập trung thể hiện lòng yêu nước, tự hào dân tộc như trung tâm của cảm xúc, tư tưởng nghệ thuật, chính xác hơn là sự ưu tiên của một chiến lược viết. Không có nhiều tác phẩm biểu đạt được tinh thần sử thi yêu nước, tự hào dân tộc mạnh mẽ, sâu sắc, thống nhất và đặc biệt là say sưa, có sức lan tỏa, vẫy gọi, thúc giục lòng người như những tác phẩm giai đoạn 1945 - 1975.

Một trong những lý do chính, như vẫn thường được nêu, đó là thời bình, đất nước không còn những xung đột mang tính toàn thể dân tộc với kẻ thù xâm lược; những câu chuyện thế sự, đời tư là cảm hứng chủ đạo; những âu lo thường nhật về sinh kế, thân phận cá nhân nổi lên chiếm lĩnh các diễn đàn văn học nghệ thuật. Giải quyết vấn đề này không thể sử dụng mệnh lệnh hành chính, mà phải đánh thức năng lượng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân, mỗi nghệ sĩ. Đại dịch Covid-19 đang hoành hành hay những cảm xúc về biên cương, hải đảo, thiên tai lũ lụt có thể là một dẫn chứng về nguồn sức mạnh kích hoạt năng lượng ấy. Điều quan trọng là ý thức trách nhiệm, vai trò cộng đồng, xã hội của công dân đối với đất nước. Bởi lẽ, muốn có một tác phẩm lớn, trước hết phải có một nguồn sống lớn, một tư tưởng lớn, một khát vọng lớn dành cho dân tộc. Trong ý nghĩ ấy, chúng ta vẫn hy vọng về một nền văn nghệ vừa giàu giá trị nghệ thuật vừa thể hiện được lòng yêu nước, tự hào dân tộc và ý chí mạnh mẽ vì tầm vóc Việt Nam trên bản đồ thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạch nguồn âm thầm chảy mãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.