(HNM) - Không phải ma túy, không phải cần sa, không phải ecstasy hay những chất gây nghiện vật chất khác nhưng game online (GO) có khả năng khiến các "con nghiện" (game) rơi vào tình trạng ảo giác, huyễn tưởng, thậm chí điên loạn…
Tuy nhiên, quy kết GO là "ma túy số", "ma túy ảo"… - cách nhìn nhận đang gây tranh cãi - cần nhiều khảo sát nghiêm túc và các hậu quả tiêu cực xuất phát hoặc có liên quan tới GO cần được "chụp cắt lớp" riêng. Dù vậy, phải thừa nhận, không ít trường hợp "bước chân" vào GO rồi chật vật, thậm chí tuyệt hẳn "đường ra". Họ là những "con nghiện ma túy số".
“Làng game đi dễ khó về”
- Vì các kỹ thuật đều liên quan đến nội công nên từ cấp 1 đến cấp 60, chú phải tập trung cao độ. Từ cấp 61 trở đi, chú mới chuyển sang ngoại công, thân pháp… Cứ nghe anh là ổn hết, nếu không chú chỉ hao tổn tiền tài...
Nhiều “game thủ” say mê với thể giới ảo trong nhiều giờ liền. Ảnh: Ý Nhu |
Đấy là mấy lời chỉ giáo của Xiển, một “phu game” đã “cày” hết trò này đến trò khác, cho mấy đứa đàn em đang “hành hiệp” trong một game võ thuật. Năm nay ba mươi tuổi, theo quan niệm người xưa là “tam thập nhi lập”, thay vì tập trung cho sự nghiệp, Xiển lại mải mê kiến lập vị trí trong GO. Cao 1,7m, có “bộ gọng” của một đô vật nhưng Xiển nom vò võ, mắt lúc nào cũng thâm quầng bởi suốt ngày chúi mũi vào GO. Với kỹ năng của dân công nghệ thông tin, có thời gian Xiển nằm trong danh sách “săn đầu người” làm “đầu lĩnh” của nhiều chủ đại lý internet. Khi nhận làm “đầu lĩnh”, Xiển đứng ra quản lý người chơi, về phần mình thì được chủ quán cho cày tẹt ga, cơm ăn nước uống tử tế. Xiển vẫn... tự “cai nghiện” game được trong khoảng thời gian đi làm. Nhưng nhiều khi, ngay tại cơ quan, chỉ cần vắng mặt sếp là anh em lại vô cùng sôi động trong thế giới của game. Mới đây, khi chiêu mộ thêm được mấy “phu game” là đồng nghiệp, Xiển về ôm máy ở nhà. Chỉ sau một cái tin nhắn, tất cả lại “sáng đèn”, bất kể mấy giờ.
Với thâm niên làm “đầu lĩnh”, Xiển có vốn liếng kha khá về chuyện người, chuyện đời trong thế giới ảo. Xiển kể: Hầu hết vào quán net là học sinh, sinh viên, thậm chí nhiều đứa đang học cấp 2 (THCS). Đã vào là tất cả bị thôi miên trước màn hình. Quán net là nơi đầy náo động với đủ mọi cảm xúc, gương mặt, từ hào hứng khi lên cấp, đánh gục đối thủ… đến văng tục, reo hò… Mỗi quán bao giờ cũng có những khách ruột, được nợ dầm nợ dề hàng tháng trời. Nhiều game thủ vào đây “hai tại chỗ”: ăn uống tại quán, vệ sinh tại quán.
Ông P.V.B, chủ một “lô cốt internet” ở ngõ 48, phố Tạ Quang Bửu (Hà Nội), bảo: Nhiều chủ quán net đầu tư hạ tầng, còn lại phải thuê người nắm máy chủ bởi họ đâu có rành về công nghệ thông tin. Thậm chí, nhiều người còn thuê “đầu lĩnh” làm… CEO (giám đốc điều hành) luôn, từ quản lý máy game thủ, thu tiền, cung ứng đồ ăn, thức uống… Chủ chỉ việc nhận tiền từ CEO này. Và thường thì CEO cũng nghiện game.
Khách hàng của ông B hầu hết là học sinh, sinh viên vì hầu như chỉ đối tượng này mới phải ra quán net. Đám dân văn phòng có “đội” riêng và thoải mái ngồi ở nhà để ngụp lặn trong thế giới ảo. Ông B có nhiều khách hàng ruột, những người say sưa “cày” quên ngày tháng. Nhiều người ông biết rõ nhân thân như nắm lý lịch. Có cu cậu học THCS, mẹ buôn bán, bố đi suốt ngày, có khi vài ngày cả nhà mới có chung bữa cơm nên cậu con chỉ việc rút tiền nướng vào quán net. Tiền nhà này nhiều đến mức bố mẹ không hay biết con tiêu trộm trong một thời gian dài. Mãi rồi, sau nhiều hôm đi làm sớm bà mẹ thấy phòng cậu con trống trơn mới bỏ công sức điều tra thì ngã ngửa. Có cháu vai đeo phù hiệu THCS nhưng cũng đã đạt đến đẳng cấp thượng thừa trong giới võ lâm (ảo)... Có cậu học sinh THPT thường đi xe SH láng coóng, bao dài ngày cả đám bạn cùng chơi. Cậu đi SH, bố làm giám đốc doanh nghiệp, mẹ cũng làm giám đốc. Để an ủi cậu con do cùng mải mê với công việc và những “mối tình riêng tư”, cả hai đã cung đốn hết mức, không một lời quở trách. Thằng con thấy bố mẹ... yếu thế, càng được nước. Ban đầu, nó “cày” một mình rồi sau đó rủ rê thêm bạn bè cho đỡ cảnh “độc cô cầu bại”. Tiền thì... nó đâu có phải lo.
Xiển có cậu em họ cũng có năng khiếu và niềm đam mê như... ông anh. Đang học năm thứ nhất học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông thì tân sinh viên bập vào “Thiên long bát bộ” (một GO). Một tuần thi thoảng… đến trường, còn lại cậu thể hiện tinh thần ham học hỏi trong thế giới mạng. Gia đình có điều kiện đầu tư cho máy tính xịn để học tập, cậu chôn vùi thời gian để hành hiệp giang hồ. Lại được ông anh hết lòng dìu dắt, kết quả học tập của cậu lụn bại dần, giờ thì bỏ học vì không đủ điều kiện thi học kỳ do bỏ tiết quá nhiều.
Hiện tại, riêng Hà Nội có khoảng 2.250 đại lý internet. Theo khảo sát của Viện Xã hội học (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam), khoảng 26% người chơi GO nằm trong độ tuổi học THCS. Làm giàu từ “ăn dỗ” tiền trẻ con, không hiểu các chủ quán nghĩ gì? Anh T.V.P, chủ một đại lý ở P.Giảng Võ (Q.Ba Đình) bảo: Tôi đã từng chứng kiến nhiều khuôn mặt trẻ thơ bơ phờ trước màn hình, nhiều ánh mắt thèm thuồng đứng sau người chơi hoặc thập thò trước cửa quán nhưng đến khi phát hiện thằng con lỉnh đi quán khác để chơi thì phát hoảng. Đến giờ, tôi đành đóng cửa.
Trong khảo sát dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Viện Xã hội học, tỷ lệ người chơi GO ở mức hằng ngày cao nhất là nhóm nhân viên văn phòng (53,2%); tiếp đến là nhóm thất nghiệp (51,7%); nhóm cán bộ, công chức nhà nước (48,5%); kinh doanh (45,7%)... Điều đáng nói là xấp xỉ 72% game thủ trong độ tuổi đi học.
Xiển kết luận: Làng game đi dễ khó về/Khi đi trai tráng khi về bủng beo. Vốn câu ấy được “chế” từ lời than của người phu cao su ngày trước. Con nghiện “ma túy số” có đủ loại, mọi lứa tuổi nhưng đáng lo ngại thay khi không ít trong số đó còn niên thiếu. Cũng không ít người, có công ăn việc làm, gia đình tử tế nhưng bỏ bê… đến mức mê game hơn vợ, yêu game hơn công việc. Với họ, đã bước chân vào thế giới game rồi, sau đó rất chật vật để trở về với đời thực, với cuộc sống không có game.
Điểm chung của tất cả là: Game là tất cả, là đầu tiên, là thứ nhất…
“Nghiện” - Nặng hay nhẹ?
TS Trịnh Hòa Bình, chủ nhiệm đề tài dịch vụ trò chơi trực tuyến ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, thừa nhận một nhóm người chơi GO (diện khảo sát - PV) bị nghiện bởi GO có nhiều yếu tố hấp dẫn, lôi cuốn người chơi như hình ảnh, tình tiết, nội dung mới mẻ, hấp dẫn, thôi thúc khám phá. Trong khi các trường hợp nghiện cá biệt liên tục được loan tải trên các phương tiện truyền thông mang lại cảm giác chung là vấn nạn nghiện “ma túy số” hết sức trầm trọng thì kết quả khảo sát của ông Trịnh Hòa Bình lại cho thấy chỉ có 5,2% người chơi có biểu hiện nghiện.
Tỷ lệ 5,2% lập tức gây tranh cãi. Vậy thì tình trạng nghiện game nghiêm trọng đến đâu? Cao hơn hay thấp hơn? Quy kết GO là “ma túy số”, “ma túy ảo”… - cách nhìn nhận đang gây tranh cãi - cần nhiều khảo sát nghiêm túc và các hậu quả tiêu cực xuất phát hoặc có liên quan tới GO cần được “chụp cắt lớp” riêng. Nhưng chắc chắn rằng sẽ ngày càng xuất hiện nhiều con nghiện “ma túy số” bởi theo Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, số game thủ toàn quốc đã lên tới hàng triệu và sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Ngồi nói chuyện trong một quán cà phê, Xiển liên tục ngáp vặt, ngáp đến sái cả quai hàm. Cứ nhìn bộ dạng ấy, thêm đôi mắt thâm quầng, nước da mai mái, ít ai lại không kết luận đấy là con nghiện.
Con nghiện thật, chỉ có điều hắn nghiện GO.
Trên một diễn đàn dành cho game thủ, một cậu sinh viên than thở: “Buồn quá các đại huynh ơi! Đệ thi 8 môn mà 4 môn biết kết quả đều “tạch” rồi. Sự nghiệp giáo dục thì đì đẹt mà công nghiệp giang hồ (Võ lâm truyền kỳ - một GO) chửa đến đâu”.
Không thấy “huynh đệ” nào phản hồi với tâm sự này.
Trên một diễn đàn dành cho các ông bố bà mẹ, vị phụ huynh nọ tìm người chia sẻ: “Cháu nhà em mê game quá. Vợ chồng em không biết làm thế nào bây giờ?”.
Vị phụ huynh ấy nhận được hàng loạt cảm thông. Một người bảo: “Nếu cháu mê quá thì chị nên cho cháu chơi 1 lần/tuần rồi giảm dần. Tôi cũng làm vậy”.
Một ý kiến khác: “Nên phân tích cho cháu hiểu, đừng đánh đập hay cấm đoán. Cho phép cháu chơi vào những ngày nghỉ học trong khoảng thời gian nhất định”.
Một người góp ý: “Anh chị gửi cháu sang một gia đình khác hoặc thay đổi môi trường sống nếu có điều kiện”.
Nhưng cũng có hàng loạt ý kiến bày tỏ hoài nghi về cách dạy con của vị phụ huynh trên. Một người “khuyến nghị”: “Chị nên bỏ mạng đi. Mẹ thích lên mạng thì làm sao con trẻ không học theo”. Hoặc: “Tôi cũng đã từng lâm vào tình cảnh như bạn. Để trẻ không nghiền game thì ngoài giờ học tập ra, bạn nên bỏ ít thời gian để chơi với con. Hãy rủ con chơi cờ, chơi thể thao cùng hay đăng ký cho cháu thi toán Olympic trên mạng. Có chương trình dành cho học sinh tiểu học ở đó, con trai tôi đã thi đến vòng 28 rồi”.
Dù vậy, họ đều thống nhất rằng giờ là thời đại phải sống chung với game. Chỉ có sự tự chủ, tự tin và tự trọng mới có thể giúp trẻ làm chủ được những thú vui của mình, không chìm đắm vào thế giới ảo. Mà sự tự chủ ấy làm sao con trẻ có thể tự có nếu như không được các ông bố, bà mẹ quan tâm?
GO là một phương tiện giải trí, là sản phẩm tất yếu của sự phát triển công nghệ thông tin nhưng cũng đã khiến một số người... loạn trí luôn. Đến với GO để giải trí hay để bị loạn trí là lựa chọn của người chơi. Trong trường hợp các cháu nhỏ, trách nhiệm lại thuộc về các vị phụ huynh.
Xiển bảo rằng, rất khó để một con nghiện cai “ma túy số”. Những đứa dứt được thường là nhờ những dịp không ngờ: Đi viện, gọi nhập ngũ hay bỗng dưng... ngộ nạn... Đứa em họ Xiển mới đây còn thuê trọ riêng với mấy đứa bạn để cày game cho đã. Cả đám liên tục đặt ra và vượt qua các cấp khác nhau. Trong căn phòng trọ ấy, bừa bộn đủ thứ rác rưởi thức ăn, giấy lộn, vỏ mì tôm... Cậu em Xiển đi biệt vài hôm mới lại về nhà.
(còn tiếp)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.