(HNM) - Theo Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), chi phí mua thuốc, vật tư y tế chiếm khoảng 64% tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), ảnh hưởng rất lớn tới việc cân đối quỹ BHYT. Năm 2012, dự kiến riêng tiền thuốc đã lên đến 11,7 nghìn tỷ đồng (61% tổng chi). Đây là tỷ lệ quá lớn so với nhiều nước - thường chỉ ở mức 35-40%.
Tình trạng chênh lệch giá tồn tại ngay trong các nhà thuốc bệnh viện. Ảnh: Bá Hoạt |
Giá thuốc khác xa nhau giữa các bệnh viện
Năm 2011, số người tham gia BHYT vào khoảng 55,93 triệu người (với tỷ lệ bao phủ là 63,5% dân số) chi phí khám chữa bệnh BHYT 24.000 tỷ đồng (trong đó tiền thuốc ước 15.000 tỷ đồng, chiếm 60%). Như vậy, tiền thuốc đã tăng đến 28% so với 2010. "Tốc độ tăng chi cho tiền thuốc BHYT cao hơn nhiều so với tốc độ tăng về số người tham gia BHYT" - ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đánh giá.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, trong thực tế đã xuất hiện tình trạng một loại thuốc được bán với giá rất khác nhau giữa các bệnh viện, thậm chí là khác nhau giữa các bệnh viện ở cùng một địa bàn dù thuốc bán ra với cùng tên thương mại, hàm lượng, dạng bào chế. Trong năm 2011, việc xem xét và so sánh giá 115 loại thuốc tại Quảng Nam với giá thuốc trúng thầu tại các cơ sở điều trị thuộc các tỉnh lân cận (Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Ngãi) thì thấy giá thuốc bình quân ở Quảng Nam cao hơn khoảng 12%. Theo Ban Dược và Vật tư y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam), việc giá thuốc thanh toán BHYT với cùng một hoạt chất có biên độ rất lớn đã làm tăng chi phí tiền thuốc một cách bất hợp lý. Điển hình như thuốc Ginko buloba 40mg, biên độ giá trúng thầu dao động từ 168 đồng đến 6.825 đồng/viên.
Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phải "thổi còi" đối với một số loại thuốc. Tại Bình Định, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh này ra quyết định tạm ngưng sử dụng thuốc Fosmicin 1g (Nhật Bản) do giá thanh toán lên đến 130 nghìn đồng/lọ, trong khi mức giá tại các địa phương khác chỉ là 88 nghìn đồng/lọ. Tại Thanh Hóa, các ngành chức năng cũng phải dừng việc cung ứng 10 loại thuốc có giá trúng thầu quá cao. Năm 2011, tại tỉnh Vĩnh Phúc, trong số 23 tỷ đồng là tổng giá trị cung ứng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương thì chi phí cho 52 loại thuốc có giá cao hơn giá phổ biến ở các tỉnh lân cận (từ 8% trở lên) đã lên đến 5 tỷ đồng.
Giá thuốc chữa bệnh liên tục tăng gây khó khăn cho người bệnh. Ảnh: Đàm Duy |
Cần chấn chỉnh mạnh mẽ
Thống kê mới nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy có 5 loại thuốc BHYT được sử dụng với tần suất cao bất thường, bao gồm Glutathion tiêm, Ginko biloba uống, Arginin uống, Glucosamin uống;
L-Ornithin-L-aspartat tiêm. Chỉ trong nửa năm 2011, tiền chi cho riêng 5 loại thuốc trên đã lên đến 218 tỷ đồng, chiếm đến 4,16% tổng chi phí thuốc BHYT. Đáng lưu ý là tại 25 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng các thuốc kể trên cao bất thường.
Cụ thể, cùng một loại biệt dược Pomulin, tại Hải Dương thuốc này có giá 102.993 đồng/lọ trong khi giá tại Hải Phòng là 99.000 đồng/lọ, tại Hà Nội là 95.000 đồng/lọ. Còn với thuốc Glutathion 600mg tiêm, tại Hưng Yên sử dụng loại có giá 131.040 đồng/lọ, tại Đà Nẵng sử dụng loại giá 165.000 đồng/lọ.
Theo kết quả khảo sát tại một số bệnh viện TƯ, bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội, có đến 55% số đơn thuốc kê 6-10 loại thuốc/bệnh án, thậm chí vẫn còn hơn 10% kê 11-15 loại thuốc/bệnh án và 1,8% đơn thuốc kê từ 16-20 thuốc, cá biệt có đơn kê trên 20 thuốc/bệnh án. Số thuốc điều trị/đơn thuốc càng tăng thì nguy cơ bị các phản ứng có hại càng tăng. "Tùy nhóm thuốc kê cho từng bệnh lý, sự tương tác do sử dụng nhiều thuốc có thể gặp phải là giảm hoặc mất tác dụng của thuốc, tăng độc tính của thuốc, tăng nguy cơ chảy máu, xuất huyết, suy tạng, thậm chí tử vong"- TS Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo.
Ông Nguyễn Minh Thảo cho biết, tới đây Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ kiên quyết từ chối thanh toán các loại thuốc có giá cao bất hợp lý. Mới đây, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có công văn yêu cầu BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế khẩn trương điều chỉnh việc cung ứng, sử dụng 5 loại thuốc được ưa dùng nêu trên. Tại Bệnh viện Bạch Mai, lãnh đạo bệnh viện đã có văn bản gửi tới các khoa, phòng, nêu rõ: "Bác sỹ nào kê đơn thuốc bất hợp lý bị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xuất toán sẽ phải bồi thường".
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nếu mặt bằng giá thuốc cung ứng hiện nay được duy trì ở mức hợp lý thì mỗi năm có thể tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Nếu xét trong bối cảnh mức chi phí khám chữa bệnh BHYT trung bình khoảng 600 nghìn đồng/người/năm như hiện nay thì số tiền đó có thể giúp điều trị cho hàng nghìn người bệnh BHYT.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thông tư hướng dẫn thí điểm quản lý giá thuốc do ngân sách nhà nước và BHYT chi trả theo phương pháp thặng số (lãi) tối đa toàn chặng. Việc này sẽ giúp hạn chế tình trạng thuốc đi lòng vòng, đẩy giá cao bất hợp lý. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.