Theo dõi Báo Hànộimới trên

M.U không xứng là số 2

Theo Bongdaplus| 30/05/2011 10:52

Champions League 2010/11 đã khép lại với chức vô địch quá thuyết phục của Barca. Nhưng kẻ về nhì, Man United, liệu có xứng với danh hiệu á quân?

M.U đã thua thảm vì chọn sai chiến thuật trong trận CK Champions League.

1. Có 2 cách nhìn nhận trái ngược nhau sau trận chung kết Champions League ở Wembley rạng sáng qua.

Thứ nhất, chẳng ai phải buồn khi “được” thua Barca với tỷ số 1-3. Đấy là CLB số 1 thế giới hiện nay, hay số 1 từ trước đến nay? Tùy quan điểm riêng của mỗi người. Chỉ biết chắc một điều: những ai không phải là CĐV của Barca sẽ còn bị “tra tấn” dài dài, khi phải đọc hoặc nghe những lời khen mỹ miều nhất về Barca hoặc Messi trong một thời gian dài sắp tới.

Cách nhìn nhận thứ hai: đồng ý là tỷ số 1-3 có thể chấp nhận đối với M.U, nhưng con đường dẫn đến thất bại ấy thì khó chấp nhận. M.U đã vào chung kết Champions League 3 lần trong 4 mùa gần đây và vô địch Premiership 4 lần trong 5 mùa bóng (ngay cả Barca còn chưa được như thế). Lẽ ra, một M.U vừa lập kỷ lục 19 lần vô địch trên quê hương bóng đá không thể để thua với hình ảnh thật sự cúi đầu như vậy. Họ không thể thua với “tỷ số” sút cầu môn là… 4-21 và “tỷ số” sút trúng hướng cầu môn là 1-11 như ở trận chung kết vừa qua.

Mọi người đều biết: vì bóng đá có tính đối kháng rất cao nên đôi khi cái hay của bên này có một phần là hệ quả từ cái dở của bên kia (vì sao không nói cái dở của bên này là do cái hay của bên kia tạo ra, chúng tôi sẽ đề cập sau). Barca thì hay quá rồi, miễn bàn. Nhưng M.U nói chung cũng như HLV Ferguson nói riêng, quả đã có những sai lầm rành rành, làm cho sự thể hiện đẳng cấp “ngoài hành tinh” của Barca trở nên quá dễ dàng.

2. Đá với Barca mà chọn phương án “cởi mở” thì còn hơn cả tự sát. M.U bị huyễn hoặc bởi chính họ trong khoảng 15 phút đầu (có vẻ lấn lướt). Bóng đá đỉnh cao không hề có chuyện hơn thua trong 15 phút đầu.

Chicharito làm gì trên sân, ngoài chuyện việt vị quá nhiều? Và M.U muốn gì khi chơi với 2 tiền đạo, để Giggs và Carrick bị đè bẹp ở khu giữa sân? Nếu cho rằng Rooney đá lùi thì thật ra, chính Messi còn lùi sâu nhiều hơn. Khi sơ đồ “chết” của đôi bên được vận hành thành những tình huống sống động thì sự thành bại lộ ra rất rõ ràng. M.U cần Rooney đứng ở vị trí thuận lợi khi tấn công hơn là cần anh tham gia phòng ngự ở khu giữa sân (vì họa hoằn lắm mới có cơ hội, nên yêu cầu đối với M.U là phải tận dụng cơ hội ở mức độ tối đa, có nghĩa Rooney phải luôn sẵn sàng).

Một vấn đề nữa: khi Rooney lùi sâu thì hiệu quả phòng thủ giữa sân của M.U không được cải thiện bao nhiêu, nhưng hiệu quả tấn công của Barca lại tăng lên đáng kể. Áp lực phải đeo bám Rooney của Busquets nhẹ hẳn, và Busquets có điều kiện châm ngòi cho khá nhiều pha tấn công ở đội mình.

Trong khi đó, Messi có đến 2 cái lợi khi anh lùi sâu. Một là, chính anh trở nên tự do (hậu vệ M.U cũng có lỗi khi để Messi lùi sâu một cách dễ dàng). Hai là, Carrick bị quây bởi Messi, Iniesta và Xavi, không “chết” mới lạ. Cũng cần nói thêm: bộ ba vừa nêu của Barca chính là các cầu thủ số 1-2-3 thế giới trong năm 2010. Thế còn Carrick? Mùa này là lần đầu tiên từ khi khoác áo M.U, anh không có bất kỳ bàn thắng hoặc đường chuyền thành bàn nào ở Premiership!

3. Sai lầm của Ferguson khi chỉ dùng cặp Ryan Giggs (già nua, lại đang dính vào scandal tình ái) - Carrick (xuống phong độ trong suốt mùa) để đối phó với các “hung thần” Xavi - Iniesta là quá rõ ràng. Đã vậy, càng thiếu sáng suốt khi Ferguson chỉ đạo cặp Giggs - Carrick cải thiện tình hình trong hiệp 2 bằng cách liên tục hoán chuyển vị trí. Khi cần tiết kiệm sức, họ lại phải chạy nhiều! Trớ trêu ở chỗ: trên ghế dự bị, M.U có đến 3 tiền vệ trung tâm: Anderson, Scholes, Fletcher. Không sớm dùng họ để thay Carrick là sai lầm. Không bớt Chicharito phía trên để có chỗ cho họ ngay từ đầu cũng là sai lầm.

Tiện thể, cũng cần lưu ý thêm vị trí hậu vệ phải của Fabio da Silva. Anh rời sân vì chấn thương sau một nỗ lực cứu bóng, nghĩa là chẳng va chạm với ai. Mùa này, anh em nhà Da Silva đá chính tổng cộng 25 lần thì họ bị thay đến 18 lần. Dù là thay vì xuống sức, chấn thương hay vì nhu cầu chiến thuật, cũng vẫn thấy rõ: sẽ phải đến lúc Fabio rời sân. Vậy mà M.U lại không có hậu vệ biên trên ghế dự bị (John O’Shea phải làm khán giả).

Vì sao Barca thường xuyên có nhiều khoảng trống để thi thố tài nghệ trước khu cấm địa M.U? Như đã nêu trên, cặp tiền vệ trung tâm của M.U đã bị nuốt chửng. Mặt khác, điều đó dẫn đến hậu quả là các hậu vệ và tiền vệ M.U không giữ được cự ly hợp lý. Đội hình 4-4-1-1 của M.U có lúc méo xệch, có lúc hoàn toàn tan rã. Khi các tiền vệ cánh Park và Valencia bó vào giữa để giúp cặp Giggs – Carrick thì 2 hành lang lại được biếu không cho hậu vệ cánh Barca. Hiếm khi thấy hậu vệ biên đe dọa khung thành đối phương nhiều như Dani Alves trong trận này.

4. Ngần ấy sai lầm chiến thuật của Ferguson là quá đủ để “giúp” Barca vốn đã mạnh càng mạnh hơn. Vì sao không thể nói ngược lại: sức mạnh của Barca làm cho M.U trở nên tan tác? Như đã phân tích, M.U thua vì những toan tính chiến thuật hơn là vì những cuộc so tài trực tiếp trên sân. Vả lại, bóng đá cũng như binh pháp nói chung có một quy luật bất di bất dịch: thủ dễ hơn công. Một đoàn quân yếu nếu có chiến thuật phòng thủ hợp lý, biết chọn đúng nơi để trấn giữ, có thể cầm cự lâu bền với một đối phương hùng mạnh. Một đội bóng yếu có thể dùng chiến thuật chặt chẽ để cầm hòa với đối thủ trên tài. Đành rằng M.U thua vì kém tài, nhưng họ thua tan tác vì kém cả về chiến thuật. Barca vô địch châu Âu thì quá đúng, nhưng M.U rạng sáng qua hoàn toàn không xứng đáng với danh hiệu á quân!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
M.U không xứng là số 2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.