(HNM) - Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương vừa tổ chức phiên họp triển khai công tác từ nay đến cuối năm và trao tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng cho 15 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc năm 2019. Tín hiệu đáng mừng là lĩnh vực quan trọng và tinh tế này đã xuất hiện những nhân tố mới, cần được cổ vũ để tạo bước chuyển tích cực cho văn học, nghệ thuật nước nhà.
Phát hiện những “con mắt xanh” mới
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nhận định, thời gian gần đây, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nhiều chuyển biến so với trước, xuất hiện những “con mắt xanh” mới soi rọi vào đời sống văn học, nghệ thuật thông qua ngòi bút vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, mang nhiều phương pháp nghiên cứu mới, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và thưởng thức phát triển đúng hướng. Chỉ nhìn riêng vào con số 93 tác phẩm xuất bản năm 2019 được các cơ quan, địa phương đề nghị xét tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặc biệt là 15 tác phẩm được trao tặng thưởng trải rộng trên các lĩnh vực được xã hội quan tâm, như: Văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, múa…; đã phần nào thấy rõ điều này.
Đầu tiên phải kể đến là tác giả Cao Kim Lan với cuốn sách “Ma thuật của truyện kể” và tác giả Khuất Bình Nguyên với cuốn chân dung văn học, đàm luận văn chương “Giấu vàng trong gió thu”. Hai cây bút này đều đề cập đến những tác giả, tác phẩm văn học quen thuộc nhưng có cách tiếp cận mới, rút ra “bí quyết” hữu ích cho người sáng tác văn học hiện nay. Tác giả Vũ Hiệp được nhận định là hiện tượng trong lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật gần đây với cuốn “Nghệ thuật dưới góc độ di truyền”. Soi rọi nghệ thuật từ góc độ nhân học, tác giả 8X này đã chỉ rõ, cần “xây” nghệ thuật từ “nền móng” truyền thống mới thành công.
Tặng thưởng lần này dành cho nhiều tác giả vốn là nhà báo, đến với lý luận, phê bình từ quá trình theo dõi hoạt động văn học, nghệ thuật và do đó đã phản ánh những vấn đề “nóng bỏng”, được xã hội quan tâm. Đó là tác giả Trần Việt Văn với cuốn sách “Điện ảnh Việt Nam - Những dòng sông đều chảy”, tác giả Đinh Thị Phương Thúy với chương trình phát thanh “Mỹ thuật Việt: Con đường minh bạch đã lộ sáng?”... Đặc biệt, tác giả Cao Thị Xuân Ngọc với cuốn sách “Ảnh hưởng của thế hệ Stanislavski đến sân khấu kịch Việt Nam”. Với những nghiên cứu ở cả mặt tích cực và tiêu cực, cuốn sách được Tiến sĩ văn học, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn nhận định, đã giúp cho các nghệ sĩ sân khấu nước nhà có cơ sở vận dụng, đáp ứng nhu cầu khán giả hiện nay.
Bên cạnh các tác giả trẻ về tuổi nghề, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật thời gian qua vẫn có những đóng góp công phu, giá trị của các tác giả kỳ cựu, như Nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh với cuốn sách “Nghệ thuật múa Việt Nam - Từ một góc nhìn”, nhà phê bình Bùi Việt Thắng với cuốn sách “Thi pháp tiểu thuyết hiện đại”, tác giả Trần Quốc Dũng với cuốn sách “Văn hóa nhiếp ảnh - Một góc nhìn”… Điều này tạo sự phát triển vững vàng và khởi sắc cho công tác lý luận, phê bình.
Định hướng sáng tác, thưởng thức nghệ thuật cho công chúng
Không chỉ dừng lại ở những tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đặt ra với công tác lý luận, phê bình văn học là bám sát thực tiễn đời sống, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, đồng thời với việc định hướng sáng tác và thưởng thức văn học, nghệ thuật cho công chúng.
Nhà lý luận, phê bình nhiếp ảnh Vũ Đức Tân cho rằng, trách nhiệm của người làm công tác lý luận, phê bình là tác động, định hướng để tạo ra những giá trị mới, mang tính thẩm mỹ, hướng thiện, nhân văn trong văn học, nghệ thuật. Hiện có nhiều sáng tác mới xuất hiện cần được giới lý luận, phê bình vào cuộc tìm hiểu, đánh giá bằng con mắt tinh tường, cởi mở để cổ vũ kịp thời những khát vọng văn học, nghệ thuật của người trẻ, làm giàu văn hóa nước nhà.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quang Long cho rằng, đội ngũ lý luận, phê bình và sáng tác văn học, nghệ thuật dường như chưa “gặp nhau”. Rất nhiều liên hoan, hội diễn, hội thảo, diễn đàn văn nghệ, giới thiệu tác phẩm mới vắng bóng người làm lý luận, phê bình chuyên sâu. Vì vậy, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương cần phối hợp với các đơn vị tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ lý luận, phê bình tiếp cận thực tế.
Để hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật hiệu quả hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 và đáp ứng yêu cầu thời đại số, theo Tiến sĩ, nhà lý luận, phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan, cần đổi mới, chuyển hướng hoạt động lý luận, phê bình không chỉ xuất hiện trên báo chí, phát thanh, truyền hình mà còn thông qua hình thức trực tuyến, mạng internet, nhằm tiếp cận với đối tượng sáng tác và công chúng trẻ, qua đó uốn nắn, định hướng họ kịp thời.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ cho biết, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương sẽ tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ viết lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để phát hiện, cổ vũ, nâng cao năng lực của các nhân tố mới; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho các nhà hoạt động lý luận, phê bình tiếp cận thực tế, nắm bắt thông tin, kịp thời đấu tranh, phản biện với những vấn đề nóng bỏng, nhạy cảm trong đời sống văn học, nghệ thuật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.