(HNM) - Điện toán đám mây (cloud computing) là mô hình điện toán sử dụng các công nghệ máy tính và phát triển dựa vào mạng internet, cho phép triển khai dịch vụ cung cấp các tài nguyên công nghệ thông tin và được sử dụng với chức năng lưu trữ dữ liệu.
Cơ quan, doanh nghiệp triển khai điện toán đám mây bởi có nhiều ưu điểm: Chi phí đầu tư thấp, tốc độ xử lý nhanh, không phụ thuộc vào thiết bị và vị trí địa lý. Việc mở rộng hay nâng cấp hệ thống cũng thuận tiện hơn bởi thay vì phải đầu tư mới hoặc nâng cấp phần cứng, phần mềm... thì chỉ cần đưa ra các yêu cầu cho nhà cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, vấn đề bảo mật luôn là rào cản cho việc sử dụng rộng rãi dịch vụ này. Trong điện toán đám mây, các vấn đề sao lưu, bảo vệ dữ liệu đều do nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong thỏa thuận với khách hàng, các nhà cung cấp thường có điều khoản chỉ rõ: Bảo vệ dữ liệu là việc của khách hàng. Do vậy, các thông tin về người dùng và dữ liệu được chứa trên đám mây không chắc chắn bảo đảm được tính riêng tư. Các trung tâm điện toán đám mây hay hạ tầng mạng có thể gặp sự cố, khiến cho dịch vụ đám mây bị trục trặc, nên có khả năng trong những thời điểm nào đó người sử dụng không thể truy cập các dịch vụ và dữ liệu của mình. Khả năng mất dữ liệu cũng phải tính đến khi một vài dịch vụ lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên đám mây bất ngờ ngừng hoạt động hoặc không tiếp tục cung cấp dịch vụ, hay vì lý do nào đó, dữ liệu bị mất và không thể phục hồi được.
Hầu như không nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nào dám bảo đảm an ninh dữ liệu 100% và họ chỉ có thể hoàn tiền dịch vụ, hỗ trợ pháp lý và truyền thông khi sự cố xảy ra. Do vậy, các chuyên gia an ninh mạng đưa ra lời khuyên: Hãy mã hóa dữ liệu trước khi di chuyển lên đám mây. Ngoài ra, bên cạnh đám mây công cộng, cần phải lưu ý đám mây nội bộ của mình cũng như việc kiểm soát truy cập vật lý và hệ thống mật khẩu, quyền truy cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.