Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lưu giữ ký ức nghệ thuật

Người Lái Đò| 22/01/2017 06:47

(HNM) - Ít ngày trước, có tin về một bản ghi âm được cho là có liên quan đến đờn ca tài tử - bộ môn nghệ thuật nổi bật ở sự phối hợp giữa đàn và ca, xuất hiện từ hơn một thế kỷ trước tại khu vực Nam Bộ.

Bản ghi âm được một trung tâm nghiên cứu của Pháp công bố, nằm trong số tư liệu về thời thuộc địa đã được số hóa. Điều đặc biệt là bản ghi này cho thấy giọng ca nữ Sài Gòn từ năm 1900 - tức trong giai đoạn đầu của lịch sử nghệ thuật đờn ca tài tử. Việc tiếp cận bản ghi này, hoặc sở hữu nó, không chỉ giúp xác định thể loại âm nhạc mà nó chứa đựng, mà còn cho phép tìm hiểu kỹ hơn về đờn ca tài tử trong buổi đầu xuất hiện nếu bản thu âm đó được xác định chính xác là sự ghi lại một tiết mục đờn ca tài tử đích thực.

Sự kiện nói trên, thêm một lần nữa cho thấy lưu trữ có vai trò lớn đến thế nào đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật. Người ta có thể hiểu được lịch sử điện ảnh Việt Nam, những gương mặt diễn viên nổi tiếng nhờ hàng vạn cuốn phim nhựa và băng video hiện được lưu giữ tại Viện Phim Việt Nam.

Có thể biết nhiều hơn về nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - tác giả của ca khúc “Lên đàng”, qua khối tư liệu về ông hiện đang được bảo quản và giới thiệu tại Bảo tàng Cần Thơ; hiểu thêm về giá trị của nghệ thuật ca, múa, nhạc dân gian Chăm thông qua tác phẩm “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Chăm” của PGS.TS Ngọc Canh - kết quả của cả một quá trình dày công sưu tầm, nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn của dân tộc này…

Tuy nhiên, việc lưu giữ ký ức nghệ thuật - một trong những tiền đề góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam - không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan nhà nước, các tổ chức được lập ra nhờ nguồn vốn xã hội hóa, mà còn phụ thuộc vào ý thức giữ gìn di sản văn nghệ của các cá nhân cộng đồng.

Thực tế cho thấy rõ điều này. Như mới đây, về tác giả Vũ Đình Liên với bài thơ nổi tiếng “Ông đồ”, bạn đọc có thể hiểu thêm, liên tưởng về xuất xứ của tác phẩm khi được xem tấm ảnh chụp nhà thơ đang ngồi xem ông đồ cho chữ vào dịp Tết. Bức ảnh đó nằm trong khối ảnh tư liệu của gia đình danh họa Bùi Xuân Phái. Hay như khi tìm hiểu về Ngày Toàn quốc kháng chiến (1946) thì ngoài sử liệu, ý kiến của giới nghiên cứu, bạn đọc có thể thấy được tính chất và bối cảnh của sự kiện khi đọc tác phẩm “Sống mãi với Thủ đô”, đặc biệt là những trang nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về giai đoạn này. Hơn 40 cuốn nhật ký mà ông để lại, trong đó có nhiều thông tin về Thủ đô trong những ngày toàn quốc kháng chiến, vẫn còn đến nay là nhờ ý thức giữ gìn của người thân trong gia đình…

Ký ức văn hóa nghệ thuật là di sản quý, cần được giữ gìn, trong đó, vai trò của cộng đồng là rất quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ ký ức nghệ thuật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.