(HNM) - Nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đang chịu sự tác động của bên ngoài trong chiến lược nhân sự khi nguồn nhân lực đang dần khan hiếm bởi sức hấp dẫn từ các DN mới thành lập cũng như các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trước tình thế ấy, các DN phải cân nhắc, đầu tư để tìm ra chiến lược nhân sự cho chính mình.
Chiến lược quản lý lao động chưa hợp lý, nhiều doanh nghiệp liên tục phải tuyển lao động. Ảnh: Đức Nghiêm |
Chưa biết "giữ chân" người lao động!
Hiện nay, các DN chưa chú trọng đến vấn đề quản lý nhân sự, giữ chân người lao động (NLĐ). Hầu hết DN chỉ quan tâm đến tiền lương, bảo hiểm, chế độ theo quy định của pháp luật, chưa chú trọng xây dựng chiến lược nhân sự, cụ thể là quy hoạch cán bộ. Ăn xổi ở thì, nhiều DN chỉ tuyển dụng lao động khi cần. Có DN tuy đã xây dựng chiến lược nhân sự nhưng chỉ là hình thức. Thậm chí, có DN "giữ chân" NLĐ bằng cách thu tiền đặt cọc, giữ các loại văn bằng gốc khi nhận họ vào làm việc hoặc giữ lại một phần tiền lương hằng tháng. Đây là một trong những cách "lách luật" rất tinh vi. Điều này cho thấy, DN chỉ coi nguồn nhân lực là nguồn lao động mà không nhận thức được rằng chất lượng lao động mới là yếu tố tạo nên sức bật, đưa DN phát triển.
Hiện nay không ít DN gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động đã hối tiếc vì không có chiến lược quản lý nhân sự khi cho hàng loạt cán bộ, nhân viên nghỉ việc (giai đoạn kinh tế toàn cầu gặp khó khăn) để rồi nay chật vật tìm NLĐ mà không có. Lẽ ra, thay vì sa thải hàng loạt, họ có thể tổ chức đào tạo và đào tạo lại, chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo. Hoặc như một số DN có thể giảm tạm thời các khoản phụ cấp để bảo đảm nguồn lao động ổn định.
Lương chưa phải yếu tố quyết định
Những yếu kém nói trên cũng xảy ra tại các DN FDI. Một nghiên cứu của Công ty Tư vấn quản trị nhân sự Towers Watson tại 154 doanh nghiệp FDI trên toàn quốc mới công bố cho thấy, tuy mặt bằng lương trong các DN FDI đã tăng tới 13,5% trong năm 2010 (cao nhất trong 7 năm qua), song vẫn có tới 12,9% nhân viên nghỉ việc. Nguyên nhân là NLĐ làm việc lâu năm ở các DN FDI thường thấy mệt mỏi vì sức ép tiến độ hoặc doanh thu, do đó muốn nghỉ việc để ra kinh doanh riêng hoặc làm quản lý cho một DN trong nước. Điều này cho thấy một số DN Việt Nam đã biết "đi tắt đón đầu" trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Họ đã có những nỗ lực cải thiện tổ chức và có môi trường làm việc có phong cách chuyên nghiệp, tính tự chủ cao. Nhiều DN Việt Nam cũng đã tận dụng lợi thế về kiến thức, văn hóa, tập quán bản địa nên có nhiều "chiêu" thu hút và giữ chân NLĐ.
Theo điều tra mới nhất của Tập đoàn Navigos Group (tập đoàn hàng đầu chuyên cung cấp các giải pháp về nhân sự và tuyển dụng), giữ chân người tài được cho là thách thức lớn nhất đối với DN trong năm 2010. Mức lương và thưởng cao không hẳn là cách hiệu quả để "giữ chân" họ mà điều quan trọng là DN cần phải có kế hoạch tổng thể, có tính dài hạn để sử dụng lao động. Chiến lược nhân sự không chỉ là dự báo nhân sự, thu hút tuyển dụng, đào tạo phát triển, động viên đãi ngộ mà còn là quy hoạch, xây dựng đội ngũ kế cận, giúp DN phát triển được đội ngũ, bù đắp thiếu hụt khi mở rộng quy mô, giảm chi phí đầu tư hay hạn chế các rủi ro trong kinh doanh.
"Mô hình quản lý truyền thống của DN cần được thay đổi bằng mô hình phân quyền tới từng cấp", đó là quan điểm của ông Phan An, TS Viện Marketing và Quản trị Việt Nam. Cụ thể, DN phải có nền tảng vững chắc về nhân lực và văn hóa DN, tiếp đó công việc quản lý sẽ được giao cho từng phòng, ban, thậm chí từng nhân viên trên tinh thần dân chủ, công khai, nhân viên có quyền đóng góp ý kiến và biểu quyết để hoạt động tổ chức hiệu quả nhất. DN phải thể hiện sự minh bạch, nhất quán trong chính sách nhân sự, công bằng trong đánh giá năng lực, tạo cơ hội phát triển như nhau cho mọi người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.