Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lương tối thiểu phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu

Lê Hoàng Anh| 15/07/2012 05:55

(HNM) - Lương tối thiểu chưa đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu trong sinh hoạt; không gắn với vị trí công việc hay kết quả sản xuất, kinh doanh; chưa tạo ra động lực làm việc; không thu hút được người tài… Đó là những bất cập lớn trong chính sách tiền lương hiện nay.

Tại Hội nghị lần thứ năm (tháng 5-2012), BCH Trung ương Đảng khóa XI đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương hoàn thiện Đề án tổng thể chế độ tiền lương giai đoạn 2013-2020 cùng với các đề án có liên quan để khắc phục những bất hợp lý tồn tại, bảo đảm cải cách tiền lương có hiệu quả. Bộ Nội vụ là một trong những cơ quan thuộc ban soạn thảo, chịu trách nhiệm tham mưu và xây dựng đề án này. Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với ông Đoàn Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương - Bộ Nội vụ, về những bất cập trong chính sách tiền lương hiện nay cũng như những vấn đề lớn mà việc cải cách tiền lương cần phải hướng tới.

Tiền lương chưa tạo được động lực làm việc

- Nói về tiền lương, chúng ta đã qua 3 lần cải cách (các năm 1985, 1993 và 2004). Như vậy, tính trung bình khoảng trên dưới 10 năm chúng ta lại có một lần cải cách tiền lương. Riêng từ năm 2001 tới nay đã có 8 lần điều chỉnh mức lương tối thiểu. Song xét về tổng thể, dường như vẫn chưa tạo ra được những thay đổi cơ bản?

- Chủ trương cải cách tiền lương của chúng ta là hoàn toàn đúng đắn, tiệm cận hệ thống tiền lương của một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Việc cải cách tiền lương đã dẫn đến tách dần tiền lương của khu vực sản xuất kinh doanh với khu vực hành chính sự nghiệp; chính sách tiền lương với chính sách bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; gắn kết cải cách tiền lương với cải cách hành chính, tinh giản biên chế; mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp… Tuy nhiên tôi thừa nhận, chính sách tiền lương hiện nay còn nhiều bất cập, đòi hỏi phải tiếp tục có những biện pháp cải cách phù hợp.

 Ảnh: Duy Quang

- Theo số liệu từ một cuộc khảo sát về tiền lương của Bộ Nội vụ, 98% công chức cho rằng mức lương tối thiểu thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người được hưởng lương. Cụ thể trong năm 2011, mức lương tối thiểu chỉ bằng hơn 58% mức chi tiêu bình quân của một nhân khẩu…

- Do đó tiền lương hiện nay chưa tạo được động lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để họ tận tậm, gắn bó với công việc, nâng cao trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng cao… Thậm chí không tạo được tính cạnh tranh, không duy trì được tính kỷ luật, tình trạng công chức, viên chức không chấp hành đúng quy định thời gian làm việc tại công sở diễn ra phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành…

- Và ở một khía cạnh khác, điều đó còn cho thấy, đây chính là nguyên nhân của tình trạng "chân ngoài dài hơn chân trong", hoặc một bộ phận cán bộ, công chức còn có những khoản "lậu" lớn hơn nhiều mức lương được nhận?

- Suy luận về mặt lý thuyết là như vậy!

- Xin "hỏi nhỏ" ông, mức lương bình quân của những người hiện tại đang làm ở Bộ Nội vụ là bao nhiêu?

- Tôi nghĩ vào khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng vì hiện có rất nhiều cán bộ trẻ nên hệ số lương chưa cao.

- Theo ông mức lương đó có đủ sống không?

- Thì như chúng ta đề cập ở trên, xét theo mặt bằng chung, mức đó chưa đáp ứng được những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu theo thời giá hiện nay.

Giữa hiện thực và ước muốn là khoảng cách

- Như vậy, ông hay những cán bộ đang làm việc tại Bộ Nội vụ cũng rất muốn được tăng lương. Vậy tại sao những người làm công tác tham mưu về chính sách không đề xuất mức lương tối thiểu thật cao vì trong đó có cả quyền lợi của bản thân mình?

- Đã là những người làm công ăn lương (chân chính), ai cũng muốn đồng lương được cải thiện vì đó là thu nhập cơ bản. Tuy nhiên, nếu hiểu rõ vấn đề thì không thể tùy tiện tham mưu, đề xuất những giải pháp bất khả thi.

- Ông có thể giải thích rõ hơn về điều này?

- Nói để tiện hình dung: Tôi muốn xây một cái nhà thật đẹp nhưng số tiền gia đình dành dụm được chỉ có vậy mà tôi lại không có khả năng trả được nợ nếu đi vay thêm tiền thì ước muốn đó không thể trở thành hiện thực. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho lương và các khoản có tính chất lương là khá cao và liên tục tăng nhanh. Năm 2011, lương và phụ cấp ước chiếm 51% chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước, đạt gần 9,6% GDP, trong khi năm 2010, con số này chỉ là 6,7% GDP. Nói cách khác, tính toán quỹ lương phải phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, còn nguồn thu ngân sách Nhà nước lại phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể những con số này thì Bộ Tài chính theo dõi. Nhưng trên thực tế, việc cân đối ngân sách Nhà nước hiện nay rất khó khăn. Năm 2008 GDP của Việt Nam đạt 6,2%, năm 2009 là 5,3%, năm 2010 là hơn 6,7%, năm 2011 là 5,89%, còn năm nay dự kiến khoảng 6%. Do đó, tăng được mức lương tối thiểu như hiện tại đã là một sự cố gắng lớn.

Vẫn còn tình trạng “làm giả, ăn thật”

- Thưa ông, số lượng người hiện đang được hưởng lương từ ngân sách là bao nhiêu?

- Khoảng gần 7 triệu người gồm người có công, cán bộ hưu trí, viên chức sự nghiệp, cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách cấp xã, công chức cơ quan Đảng và đoàn thể…. Đó là chưa kể tới lực lượng vũ trang.

- Về mặt quỹ lương thì như ông đã nói ở trên. Nhưng các cụ ta đã dạy: "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm". Phải chăng hiện nay bộ máy của chúng ta quá cồng kềnh, nói cách khác là việc tinh giản biên chế chưa được thực hiện quyết liệt? Tôi nhớ báo giới đã đưa ra một số liệu thế này: Hiện có khoảng hơn 30% cán bộ, công chức làm việc tương đối tốt, nhưng cũng có khoảng trên 30% không làm việc gì và cũng bằng chừng đó số cán bộ, công chức yếu kém về năng lực. Ông nghĩ sao về những con số đó?

- Trong thực hiện Đề án cải cách tiền lương, theo chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng khóa XI là phải tiến hành đồng bộ với cải cách hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế. Do đó, Đề án cải cách tiền lương phải được thực hiện đồng thời với các đề án có liên quan thuộc các lĩnh vực khác (ngoài tiền lương). Còn những con số nêu trên về hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không phải là số liệu điều tra của Bộ Nội vụ. Song, theo tôi, nếu đánh giá khách quan thì con số đó cũng chưa thật chính xác. Ví dụ như khu vực hành chính sự nghiệp hiện nay có khoảng 1,8 triệu người, nếu thực sự chỉ có khoảng 1/3 số đó "làm việc tương đối tốt" thì không hiểu đời sống xã hội sẽ như thế nào? Ví dụ trong các bệnh viện mà chỉ có khoảng 1/3 số bác sĩ là "làm việc tương đối tốt" thì hậu quả sẽ rất lớn…

- Nhưng dù sao vẫn phải thừa nhận rằng, hiện đang có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức "làm giả, ăn thật". Tồn tại tình trạng "làm giả, ăn thật" còn khiến nhiều cán bộ, công chức, viên chức chân chính cùn mòn ý chí phấn đấu, không phát huy hết năng lực, trình độ, trách nhiệm trong công việc. Bất cập này như ông nêu ở trên, tiền lương chưa tạo được động lực làm việc…

- Như vậy bắt buộc phải có quyết tâm thực hiện việc tinh giản biên chế. Thực tế hiện nay ngành nào cũng có những người "làm giả, ăn thật". Kể cả nghề của anh (những người viết báo và làm báo) cũng vậy. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này phải cần có những "cái gậy" đủ mạnh, đồng thời phải quy rõ trách nhiệm cho những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị để tránh tình trạng "e dè nể nang", "dĩ hòa vi quý"… Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, Đề án cải cách tiền lương sẽ phải gắn với nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm đánh giá chuẩn xác từng vị trí việc làm để trả lương, tránh tình trạng cào bằng, hoặc dàn hàng ngang theo kiểu "đến hẹn lại lên", "sống lâu lên lão"…

- Vâng! Và cũng bởi lẽ đó, dù cả xã hội đều biết mức lương của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp nhưng ở nhiều nơi người ta vẫn phải nhờ vả các mối quan hệ thân quen hoặc chạy chọt để có được một chỗ.

- Còn nữa, tại một hội thảo mới diễn ra, các chuyên gia quốc tế cho rằng, chính sách tiền lương bất hợp lý là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới vấn nạn tham nhũng, tiêu cực.

Tái cơ cấu toàn diện chính sách tiền lương

- Theo ông, mục tiêu xuyên suốt trong Đề án cải cách tổng thể chế độ tiền lương tới đây là gì?

- Đó là cải cách chính sách tiền lương phải tiến tới bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sống được bằng tiền lương; gắn cải cách tiền lương với cải cách hành chính, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước.

- Để thực hiện mục tiêu đó, đâu là những vấn đề trọng tâm?

- Đó là phải giải quyết được những nghịch lý trong chính sách tiền lương và hệ thống nguồn lực tài chính bảo đảm cho việc trả lương.

- Như ông đã nêu ở trên, việc xử lý những bất cập trong hệ thống nguồn lực tài chính phải chăng là để giải quyết nút thắt… "đầu tiên", có lẽ đây là vấn đề hoàn toàn không đơn giản trong điều kiện kinh tế hiện nay?

- Muốn vậy phải có những đổi mới về mặt quan điểm, từ đó có những cơ chế, chính sách hợp lý, đặc biệt là trong việc tạo nguồn ở các đơn vị sự nghiệp liên quan đến học phí, viện phí… Cần từng bước tính đủ giá dịch vụ để có nguồn trả lương, giảm ngân sách trả lương cho khu vực sự nghiệp để có thêm nguồn cho khu vực hành chính. Đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Nhà nước trong xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp như y tế, giáo dục, khoa học kỹ thuật, văn hóa… Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động sự nghiệp, phục vụ nhu cầu của người dân để giảm áp lực tăng chi ngân sách Nhà nước khi cải cách tiền lương. Bên cạnh đó, phải triển khai việc xây dựng dự án Luật Ngân sách Nhà nước (thay thế Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành) và dự án Luật Phí, lệ phí (thay thế Pháp lệnh Phí, lệ phí) để có cơ cấu thu chi, điều tiết ngân sách, cơ chế tập trung nguồn thu từ phí, lệ phí hợp lý. Như vậy vấn đề nguồn lực tài chính cho tiền lương sẽ được luật pháp hóa, tạo điều kiện ổn định, vững chắc, làm nền tảng cho việc cải cách tiền lương.

- Còn đối với việc giải quyết những bất cập trong hệ thống tiền lương?

- Trước hết phải tách bạch tiền lương của cán bộ, công chức do ngân sách Nhà nước bảo đảm và tính trong chi phí quản lý hành chính nhà nước. Tiền lương của lực lượng vũ trang do ngân sách Nhà nước bảo đảm và tính trong chi quốc phòng, an ninh. Tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện theo cơ chế riêng và tính trong giá thành sản phẩm của doanh nghiệp. Mở rộng thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành và địa phương. Căn cứ vào số biên chế và nguồn kinh phí được khoán (quỹ lương), các đơn vị chủ động sử dụng bảo đảm hiệu quả. Mặt khác, để cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương cần có những điều chỉnh phù hợp về mức tiền lương tối thiểu; quan hệ tiền lương; cơ chế quản lý; thang bảng lương, ngạch, bậc; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, đưa những nguồn thu nhập thường xuyên ngoài lương vào mức lương…

- Chế độ phụ cấp và những nguồn thu nhập thường xuyên ngoài lương bao gồm những khoản gì, thưa ông?

- Tại Việt Nam, thời gian qua các khoản phụ cấp cho lương đang có xu hướng ngày càng mở rộng, dàn trải ra nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. "Ông" nào cũng muốn mình được đối xử theo cơ chế đặc thù. Từ đó xuất hiện nghịch lý là trong khi tiền lương vẫn ở mức thấp thì thu nhập ngoài tiền lương ở nhiều vị trí công tác lại ngày càng tăng cao, dưới nhiều dạng thức và rất khó kiểm soát. Hiện có 16 loại phụ cấp lương khác nhau, trong đó có 3 loại được bổ sung về sau và đang có 21 ngành được hưởng phụ cấp ưu đãi theo ngành, nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp đặc thù. Thực tiễn này làm cho các khoản chi có tính chất lương trong ngân sách Nhà nước liên tục tăng nhanh và làm giảm vai trò của tiền lương.

- Như ông nói, tôi cứ hình dung thế này: Cũng như nền kinh tế, đã đến lúc chúng ta phải tái cơ cấu toàn diện chính sách tiền lương bao gồm "đầu vào" là hệ thống nguồn lực tài chính cho tiền lương và "đầu ra" là đối tượng được hưởng lương, cách thức, khung bậc được hưởng lương… Có như vậy thì mức lương mới không bị lạc hậu so với đời sống, tạo ra động lực làm việc cho người được hưởng lương đồng thời cân đối được nguồn thu - chi dành cho lương trong ngân sách Nhà nước.

- Vâng! Đúng là như vậy.

- Cảm ơn ông về những nội dung đã trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương tối thiểu phải bảo đảm cuộc sống tối thiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.